Thế giới có 7 tỷ người sinh sống, việc phục vụ cho những nhu cầu cơ bản hằng ngày của con người đang dần làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phá hủy môi trường sống. Tại Việt Nam, những thành phố lớn đang đối diện với cuộc sống ngột ngạt.
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. |
Ở Hà Nội, diện tích cây xanh trên một người chỉ là 11m2, trong khi chỉ số trung bình của thế giới là 39m2. Tại Sài Gòn, những trận lụt do triều cường dâng cao xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến chính chúng ta không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn xa hơn nữa. Khi diện tích xanh bị thu hẹp, những bài học, cảm hứng, sáng tạo từ thiên nhiên sẽ mất đi, đó sẽ là thiệt thòi cho thế hệ tương lai.
Từ đó, chúng tôi đưa ra một giải pháp là thực hiện xanh hóa những mái nhà với giá thành hợp lý, đơn giản, dễ làm. Đồng thời, các gia đình cũng nên thực hiện xanh hóa mặt tiền.
Với phương pháp này, đô thị sẽ không còn những nhà mái tôn tránh nóng lổn nhổn, thay vào đó là những ngôi nhà mái xanh. Giá thành để chống thấm và chi phí làm mái xanh khoảng 600.000-700.000 đồng mỗi m2, bằng số tiền của hệ thống khung thép lợp tôn chống nóng có diện tích tương đương.
Thành phố xanh. |
Những mái nhà xanh mang lại nhiều lợi ích cho gia chủ. Thứ nhất, đây được coi như là một tấm cách nhiệt, giúp ngôi nhà luôn trong trạng thái mát mẻ. Thứ hai, nó giúp giảm lượng bức xạ nhiệt mặt trời. Các bức xạ nhiệt chiếu xuống đã được lớp cây xanh hấp thụ và đồng thời đưa trở lại không khí một lượng oxy cần thiết cho sự sống.
Thứ ba, mái nhà xanh giúp cải tạo cơ bản về cảnh quan. Khung cảnh các đô thị lớn tại Việt Nam sẽ được phủ lên màu xanh tràn đầy sức sống. Thứ tư, nó giúp tăng diện tích canh tác trồng rau sạch. Vì ngay trên những mái nhà của mình, gia chủ có thể chọn một số loại rau để trồng.
Thứ năm, một lợi ích mà ít người nghĩ tới là trồng cây trên mái nhà giúp các thành phố tăng khả năng chống ngập úng. Nước mưa thay vì trượt thẳng toàn bộ xuống, gây áp lực cho hệ thống thoát nước sẽ được giữ lại một phần trên mái xanh. Thứ sáu, các công trình sẽ cải thiện môi trường khói bụi tại các thành phố, không khí trong lành, con người lạc quan và có nhiều nơi để thư giãn sau những giờ làm việc.
Công trình Stacking Green ở TP HCM. |
Phương pháp này đã được áp dụng với nhiều công trình như nhà trẻ tại Đồng Nai, công trình Stacking Green hay nhà Stone house. Để việc xanh hóa đô thị được nhanh chóng hơn, tôi nghĩ trong khâu cấp phép sữa chữa và xây mới nhà ở cần có quy định về yêu cầu thực hiện mái nhà xanh.
Quy trình thi công vườn trên mái: 1. Lớp bê tông chính là sàn bê tông sân thượng của nhà. 2. Lớp sơn chống thấm để nước không thấm xuống tầng dưới nhà (khoảng 230.000-280.000 đồng cho một m2). 3. Lớp Drain Cell là hệ thống thoát nước ngầm, tấm E Drain 01 nhẹ, giúp thoát nước tốt, không gây ngập úng (khoảng 350.000-380.000 đồng cho một m2). 4. Lớp vải địa kỹ thuật được chế tạo từ những sản phẩm phụ của dầu mỏ sẽ ngăn cho tầng đất, cát phía trên không rơi xuống thoát nước của các lỗ Drain Cell gây nghẽn hệ thống thoát nước.(khoảng 15.000-20.000 đồng cho một m2). 5. Lớp cát sông lọc lại phần đất sét, ngăn không cho đất sét bịt kín các lỗ thoát nước của vải địa, giúp thoát nước tốt hơn. 6. Lớp đất trồng dày hay mỏng tùy theo nhu cầu trồng loại cây cụ thể. Tuy nhiên, thường theo công thức là 2 phần đất, 2 phần cát sông, một phần hỗn hợp tro trấu xơ dừa đã hoai mục. 7. Lớp cây trồng tùy vào điều kiện khí hậu, ánh sáng và sở thích của gia chủ. |
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet