Ước tính vẫn còn 14% trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam thiếu vitamin a trong huyết thanh, cao nhất là bắc miền Trung và Tây Nguyên.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, tỷ lệ vitamin A trong huyết thanh thấp, thậm chí ngay cả ở giai đoạn trẻ dưới 6 tháng tuổi khi đang bú mẹ, điều đó chứng tỏ sữa mẹ cũng thiếu vi chất này. Nguyên nhân là bà mẹ không được uống bổ sung vitamin A sau khi sinh, chế độ ăn khi cho con bú không tốt.
Các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ, xanh sẫm, nhất là cà rốt, rau dền, đu đủ chín, cà chua... chứa nhiều tiền vitamin A. Ảnh: Foodalator. |
Theo tiến sĩ Lâm, đây là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, ảnh hưởng đến tăng trưởng ở trẻ. Tác hại khi thiếu vitamin A là làm trẻ chậm lớn cả cân nặng và chiều cao; làm thoái hóa, sừng hóa các tế bào biểu mô, giảm chức năng bảo vệ cơ thể, gây bệnh khô mắt, khô giác mạc, nhuyễn giác mạc dẫn đến hậu quả sẹo giác mạc và mù vĩnh viễn. Đồng thời, tình trạng thiếu hụt này cũng giảm khả năng miễn dịch ở trẻ, tăng tỷ lệ mắc các bệnh và tử vong. Thiếu vitamin A sớm có thể ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ khi đến tuổi đi học.
Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp. Vì vậy nguyên nhân chính của tình trạng thiếu vi chất này là do ăn uống các loại thức ăn nghèo vitamin A và caroten. Bữa ăn thiếu dầu mỡ cũng làm giảm hấp thu vitamin A (lý do vì vi chất này tan trong dầu). Ở trẻ nhỏ đang bú thì nguồn vitamin A là sữa mẹ, trong thời kỳ cho con bú nếu bữa ăn của mẹ thiếu A cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con.
Bên cạnh đó, các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp cũng làm tăng nhu cầu vitamin A gây nguy cơ thiếu vi chất này. Suy dinh dưỡng nặng thường kèm theo thiếu vitamin A vì thiếu đạm để chuyển hóa và vận chuyển nó. Ngoài ra, thiếu một số vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A.
Để phòng thiếu vitamin A, các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vi chất này tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, giải pháp cơ bản là cải thiện bữa ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và vitamin A. Thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vi chất này hay retinol tốt nhất (một dạng của vitamin A). Gan là nơi dự trữ vitamin A nên gan có thành phần retinol cao nhất, chất béo từ thịt và trứng cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể. Cartotenoid - nguồn tiền vitamin A - thường là từ một số sản phẩm động vật như: sữa, kem, bơ và trứng.
Chế độ ăn của trẻ cần được ưu tiên thức ăn động vật, vốn giàu vitamin A (trong 100 g thịt gà có 120 mcg vi chất này; 100 g gan lợn có 6.000 mcg; 100 g lòng đỏ trứng gà có 960 mcg). Bữa ăn của trẻ cần có đủ dầu hoặc mỡ để giúp hấp thu tốt vitamin A.
Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A như rau củ quả có màu vàng, đỏ, xanh sẫm, đáng chú ý nhất là: cà rốt, rau dền, đu đủ chín, cà chua, gấc…; dầu cọ và các loại dầu ăn khác. Khi vào cơ thể tiền vitamin A sẽ được chuyển thành vitamin A theo tỷ lệ 12:1 đối với hoa quả chín và 22-24:1 đối với rau xanh.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm sức khỏe chung cho trẻ, giữ gìn vệ sinh và tiêm chủng đầy đủ đề phòng các viêm nhiễm và ký sinh trùng đường ruột.
- Trẻ 6-36 tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao.
- Với trẻ trên 12 tháng đến 36 tháng uống bổ sung viên nang loại 200.000 đơn vị quốc tế (đvqt) mỗi năm 2 lần.
- Trẻ dưới 12 tháng nên uống bổ sung 100.000 đvqt (1/2 viên).
- Đối với bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng cần được bổ sung vitamin A liều cao, một liều 200.000 đvqt.
- Trẻ dưới 5 tuổi khi bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sởi cần được uống 1 viên vitamin A liều cao.
Chú ý không dùng quá liều quy định và không cho các bà mẹ mang thai uống vitamin A liều cao.
Phương Trang
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet