Ảnh minh họa: Sling. |
Trả lời:
Chào bạn,
Trong thư bạn không nói rõ giới tính và tuổi của con bạn, tuy nhiên tôi đoán con bạn đang ở độ tuổi mầm non. Ở độ tuổi này, khá nhiều trẻ có những hành vi giống như con bạn. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sờ ti hoặc chỗ kín:
- Vào tuổi lên 3, khả năng tự ý thức của trẻ bắt đầu hình thành, trẻ tự khám phá về cơ thể, tò mò về giới tính, vì thế trẻ có những hành vi như sờ ti hay vào chỗ kín. Những thử nghiệm này có thể nảy sinh cho trẻ những cảm giác dễ chịu. Cảm giác này giống như khi trẻ được bú no và ngủ say, hay cảm giác được mẹ âu yếm vỗ về.
- Sở thích sờ ti cũng thường bắt nguồn từ việc bé yêu thương và muốn gần gũi mẹ hơn. Hành động này giúp bé thấy thư thái, yên tâm và có cảm giác an toàn.
- Những hành vi này đem lại cho bé cảm giác dễ chịu, nên khi bất an bé lại thực hiện hành vi đó nhằm giải tỏa cơn sợ hãi, hoang mang của mình. Thực ra người lớn chúng ta đôi khi cũng có tật khi lâm vào tình thế bí hay lo lắng. Chẳng hạn khi bối rối, họ sẽ đưa tay vuốt tóc, gãi đầu hay xoa hai bàn tay với nhau. Có lẽ con chúng ta, cũng có thể rơi vào trường hợp như thế.
- Trong một số trường hợp, để gây chú ý với bố mẹ, trẻ đã thực hiện những hành động mà bố mẹ không thích. Có thể việc sờ ti, sờ chỗ kín của trẻ xuất phát từ động cơ như vậy.
- Bên cạnh đó, thói quen sờ vùng kín của bé có thể ban đầu xuất phát từ vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ, đôi khi hành vi đó chỉ muốn đỡ ngứa ngáy. Chúng lặp lại nhiều lần sẽ trở thành tật không chủ định.
- Ngoài ra, nhiều bố mẹ nghĩ bé còn nhỏ chưa biết gì hoặc cho rằng nó là con mình, chính mình đẻ nó ra… nên nhiều lúc không ý tứ trước mặt con. Chẳng hạn ở nhà mặc thiếu kín đáo, mẹ đang tắm nhờ con trai lấy giùm cái khăn lau người, vợ chồng "yêu" nhau khi chung giường với con, bố mẹ tranh thủ tắm rửa cho hai con khác giới cùng một lúc… Những hành động vô ý của bố mẹ này có thể khiến bé tò mò nảy sinh ý muốn khám phá.
Những hành vi sờ ti, sờ chỗ kín lâu ngày sẽ trở thành thói quen không tốt. Để hạn chế những hành vi này của bé, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Đối với việc hay sờ ti của bé, bạn nên dứt khoát với bé. Bé thường hay sờ ti khi bú sữa hoặc ngủ. Vì thế, lúc cho bé bú sữa hoặc ru bé ngủ bạn nên cầm nắm lấy tay để con cũng cảm nhận được hơi ấm từ tay mẹ chứ không cần thiết phải cho trẻ sờ ti. Nếu con bạn đã hơn 3 tuổi, bạn có thể giải thích cho bé hiểu, chẳng hạn bé ngoan là không ai sờ ti mẹ hay giờ bé của mẹ đã lớn rồi, mà người lớn thì không sờ ti mẹ. Bạn nên mặc áo ngực khi ở nhà với bé.
- Nếu thấy con sờ chỗ kín, bạn và người nhà nên làm lơ, không nói gì đến điều đó, không cấm đoán, mà kéo sự chú ý của con đến việc khác. Chẳng hạn bạn đưa những món đồ chơi bé thích để bé cầm, điều này sẽ hướng bé chú ý vào việc chơi với đồ chơi hơn là nhớ cái tật của mình.
- Bạn không nên la mắng để ngăn cản bé, vì như đã nói, tật này có thể liên quan đến tâm lý. Nếu chúng ta cứ la mắng sẽ khiến bé càng sợ và càng khó bỏ tật hơn. Thậm chí điều này có thể khiến trẻ sợ hãi, buồn phiền hơn và càng đi tìm cho mình cảm giác dễ chịu qua hành vi đó. Cấm đoán càng khiến bé tò mò và càng chú ý vào các hành vi và cảm xúc này.
- Để tránh việc bé sờ mó, bạn không để bé cởi truồng, thậm chí có thể cho bé mặc quần chật và dày một thời gian để bé quên hẳn việc sờ mó. Những lúc bé tắm hoặc thay đồ, bố mẹ có thể cho bé cầm một món đồ yêu thích mới lạ, để bé không rảnh tay sờ được.
- Người lớn cần phải lôi kéo bé vào các hoạt động vui chơi lành mạnh khác để bé quên đi cảm giác đó. Bố mẹ cùng vui đùa với bé hay cho bé học nhạc, vẽ... để tránh việc thực hiện những hành vi đó lúc nhàn rỗi.
- Ở nhà, bố mẹ cũng phải nên ăn mặc lịch sự. Bố mẹ không nên yêu nhau trước mặt trẻ, không tắm chung các con khác giới tính với nhau. Người lớn cũng cần tránh âu yếm hôn vào bộ phận sinh dục của bé.
- Ngoài ra, cần vệ sinh bộ phận sinh dục của bé sạch sẽ, tránh để bé bị ngứa ngáy khó chịu, hay gãi và lâu dần tạo cảm giác thích thú không nên đó.
Trong trường hợp của bạn nên xem xét các nguyên nhân để có cách khắc phục phù hợp.
Thân ái.
ThS. Đinh Thị Hồng Vân
Trung tâm tư vấn Tâm lý và Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm Huế
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet