Bận rộn đi làm từ tối đến sáng, chị Lan đành nhờ mẹ chồng chăm sóc con gái 6 tháng tuổi. Chị cẩn thận mua rất nhiều thứ, từ bí đỏ, thịt nạc, rau xanh, tôm... cất vào tủ lạnh để khi nào cho cháu ăn, mẹ chị chỉ việc xay ra cho thêm vào bột. Chị đã dặn mẹ rất kỹ là mỗi bữa cho thêm một thìa cà phê dầu ăn vào bột để tăng chất béo, nhưng bà không nghe, sợ dầu ăn pha tạp, cháu dễ bị đau bụng.
Kết quả là 3 tháng sau khi bắt đầu ăn dặm, bé chỉ tăng có 0,5 kg mặc dù ăn bột khá nhiều, mỗi bữa vẫn có đầy đủ rau xanh, thịt... Đưa con đi khám, bác sĩ nói bé bị suy dinh dưỡng , không có bệnh tật gì, nhưng có thể do chế độ ăn uống chưa đảm bảo khiến bé không tăng cân. Sau khi mang về cho mẹ chồng kết quả khám và chế độ ăn được bác sĩ vạch ra với một thìa dầu cho mỗi bữa bột, mẹ chị mới thực hiện. Sau một tháng, cân nặng bé tăng lên rõ rệt, chị Lan mới thở phào.
Cũng rơi vào hoàn cảnh đứng ngồi không yên vì cân nặng của con, nhưng chị Thanh Hoa lại cho con ăn theo một chế độ hoàn toàn ngược lại. Chị tuân thủ việc cho dầu ăn vào bột của bé mỗi ngày, nhưng tuyệt đối chỉ dùng dầu ôliu mà không dùng bất kỳ loại khác. Theo chị, chỉ có dầu ôliu an toàn, có nhiều chất béo giúp bé phát triển trí não tốt và cho bé trái tim khoẻ mạnh.
Chị chỉ cho con ăn loại dầu này đã gần một năm. Đợt đầu bé tăng cân khá nhanh nhưng sau đó dần chậm lại. Lo lắng con gặp vấn đề về tiêu hóa, chị cho con đi khám và nêu rõ chế độ ăn của con mình. Chị được bác sĩ khuyên nên bổ sung cho con cả dầu và mỡ chứ không nên chỉ dùng nguyên dầu ôliu.
Trẻ ăn ít dầu ăn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Ảnh: Lê Anh. |
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho biết, đối với trẻ em dầu mỡ chiếm 40-45% năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày. Trẻ càng nhỏ nhu cầu về chất béo càng cao, vì vậy trẻ ăn ít dầu mỡ sẽ bị thiếu năng lượng dẫn đến suy dinh dưỡng. Thiếu dầu mỡ cũng làm trẻ không hấp thu được vitamin D, A - là những vitamin tan trong dầu mỡ dẫn đến còi xương chậm lớn . Như vậy nguyên nhân trẻ chậm lớn, còi xương là do không ăn hoặc ăn quá ít chất béo nói chung.
Đối với trẻ dưới một tuổi, nên cho vào bột của bé một thìa cà phê dầu ăn mỗi bữa. Với trẻ trên một tuổi, số lượng sẽ tăng gấp đôi. Nên cho bé ăn cả dầu và mỡ, vì cholesterol cũng cần cho trẻ. Hạn chế sử dụng một loại dầu trong suốt thời gian dài dễ gây nên hiện tượng vừa thừa vừa thiếu chất.
Theo bác sĩ Hải, với những bé bị suy dinh chế độ ăn cần tăng cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn đầu nếu bé biếng ăn cần cho ăn nhiều bữa, nấu các loại thức ăn dễ tiêu hóa hấp thu như súp, cháo, cho tăng thêm dầu mỡ vào các bữa ăn để tăng năng lượng, mỗi ngày trẻ cần ăn 4 bữa có tinh bột: cháo, mì, cơm, súp… và uống 500 ml sữa/ngày, ăn thêm sữa chua, hoa quả sau các bữa ăn. Khi chế biến món ăn nên dùng các loại đạm có giá trị sinh học cao như sữa, trứng, thịt, cá, tôm giúp bé hấp thu tốt hơn. Trường hợp bé lười ăn nên đi khám tư vấn bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được bổ sung men tiêu hóa và vi chất dinh dưỡng.
Lê Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet