Thạc sĩ Doãn Tường Vi, trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198 cho biết, những thói quen như mua thịt ở chợ đựng trong túi nilong về quẳng luôn vào tủ lạnh, ngay cạnh hộp sữa chua hay bát đựng thịt ăn thừa bữa trước; rồi trứng mang ở chợ về cất ngay vào tủ... khá phổ biến trong các gia đình. Thực tế, trong tủ lạnh vẫn là vòng tuần hoàn, dễ nhiễm khuẩn chéo. Nguy cơ ngộ độc có thể xuất phát từ tủ nếu không biết cách bảo quản.
"Thịt sống, trứng dập, sữa (đã mở, không đậy kín) là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Vì thế, nếu tùy tiện có gì cũng tống vào tủ lạnh, bạn có thể biến nơi bảo quản thức ăn thành ổ vi khuẩn, gây bệnh", bác sĩ nói.
sử dụng tủ lạnh đúng cách để bảo quản thực phẩm tốt cho gia đình. Ảnh minh họa: VL. |
Theo bà, thực phẩm dù sống hay chín cần được cho vào túi hay hộp kín trước khi để vào tủ lạnh. Đồ sống và chín cần để ở các ngăn riêng biệt.
Đồ sống trước khi cho vào tủ lạnh cần được rửa sạch, cho vào túi, hộp sạch, kín. Thịt cá nên bảo quản trên ngăn đá, ngăn mát chỉ nên để 1-2 ngày.
Nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, tốt nhất cứ 2-3 ngày một lần, nếu lỡ để đồ ăn, nước từ thực phẩm rớt ra tủ lạnh thì cần lau sạch ngay. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra đồ trong tủ lạnh, sử dụng những đồ dễ hỏng trước, loại bỏ các thực phẩm không thể dùng được nữa.
Với rau, dùng rau ăn lá trước vì dễ nát, hỏng, củ quả dùng sau. Đồ ăn cũng vậy, cái gì dễ ôi thiu ăn trước, chẳng hạn như cá, hoặc nếu chưa muốn dùng ngay nên rán hoặc kho qua rồi cất, sẽ kéo dài được thời gian bảo quản hơn. Trứng đã dập cần bỏ ra ngoài, chế biến luôn. Lòng đỏ trứng là môi trường dể vi khuẩn phát triển.
Một số lưu ý khi bảo quản một số loại thực phẩm cụ thể:
Sản phẩm từ sữa
Để phô mai, sữa chua, sữa uống và kem trong các vật chứa khi đưa vào tủ lạnh. Nếu đã đổ sữa tươi ra cốc hay bát, bạn không nên đổ lại vào bình hay chai đựng ban đầu rồi mang cất. Thay vào đó, đậy chặt miệng bát hay cốc bằng màng bọc nilong.
Khi bảo quản sữa tươi, những chai nhựa đựng sữa tươi sẽ tốt hơn là hộp carton, vì vi khuẩn có thể sinh sôi gần vòi hút của hộp và đi theo vào cốc sữa mỗi lần bạn rót ra.
Rau quả
Bảo quản quả và rau ở ngăn riêng biệt và trữ theo cùng loại như: táo với táo, cà rốt với cà rốt... Trái cây và rau quả phả các khí gas khác nhau vì thế nếu để chung loại này có thể khiến loại kia nhanh hỏng hơn.
Trữ quả và rau khô trong các túi nilong đục lỗ hay các túi nhựa hở để duy trì môi trường không bị ẩm nhưng vẫn cho phép không khí lưu thông. Rửa rau, quả rồi để ráo hẳn nước trước khi cất vào tủ lạnh vì sự ẩm ướt có thể làm chúng dễ mốc và thối nhanh hơn.
Những đồ ăn thừa
Trữ đồ ăn thừa trong vật chứa sạch, có nắp đậy kín hoặc bọc kín bằng màng nilong.
Nên chia đồ ăn thừa vào các hộp đựng nhỏ, nông để chúng được làm lạnh nhanh hơn. (Một số bào tử vi khuẩn tồn tại trong quá trình nấu nướng và có thể sinh sôi nếu thức ăn ở nhiệt độ phòng lâu). Nên trữ lạnh thức ăn thừa trong vòng 2 tiếng sau khi nấu, và không cần đợi đến khi thức ăn nguội mới cất vào tủ, vì những loại tủ lạnh hiện đại có khả năng xử lý nhiệt.
Không nhồi nhét quá đầy tủ lạnh. Không khí lạnh cần được lưu thông để giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
Thời gian bảo quản thực phẩm an toàn trong ngăn mát và ngăn đá tủ lạnh:
Loại thực phẩm | Trữ lạnh (4 độ C) | Trữ đông (-18 độ C) |
Trứng tươi | 3-5 tuần | Không cấp đông |
Sữa tươi | 2-3 ngày Theo hạn sử dụng | Không cấp đông |
Thịt lợn xông khói | 7 ngày | 1 tháng |
Nước sốt chưa nấu | 1-2 ngày | 1-2 tháng |
Thịt lợn, bò, cừu tươi sống | 3-5 ngày | 6-12 tháng |
Tôm, sò điệp, mực, nghêu, trai (đã bỏ vỏ) | 1-2 ngày | 3-6 tháng |
Gia cầm tươi sống | 1-2 ngày | 6-12 tháng |
Trai, hến, cua, tôm hùm, hàu tươi sống | 2-3 ngày | 2-3 tháng |
Động vật có vỏ đã nấu chín | 3-4 ngày | 3 tháng |
Vương Linh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet