Tủ lạnh là nơi mà bọn trẻ rất thích,, đặc biệt trong ngày nóng nực, chui vào đó vừa mát vừa có thể ăn vụng. Ảnh: Alamy. |
Tôi dạy con tránh xa ổ điện bằng cách chủ động cầm tay con nhét vào ổ điện, dĩ nhiên là không vào tới nơi, cách xa cả chục cm. Bị mẹ cầm tay và nhét vào đó đột ngột, phản ứng tự vệ của bé là kéo ra. Đồng thời, tôi hét thật to: "Nhét tay vào đó đi cho nó giật cho đứt tay". Con tôi giật thót mình, vừa kéo tay ra vừa khóc váng lên. Lúc đó, thật sự tôi cũng sợ nữa. Cứ nghĩ đến cảnh mình lơ là, con bị giật điện là sợ. Thế là hai mẹ con cùng khóc. Sau đó con tôi không dám lại gần cái ổ điện nữa.
Với lan can ban công, tôi cũng cầm vai con, vừa đẩy ra ngoài ban công vừa hét khiến con bé sợ cả cái ban công lẫn lan can, không dám ra đó. Mãi sau này hơn 10 tuổi, bé mới dám lại gần.
Cha mẹ tuyệt đối không hét khi con lại gần những nơi nguy hiểm trong nhà ổ điện, quạt, tủ lạnh, máy giặt, lan can, ban công cầu thang đến những thứ nhỏ lặt vặt như kim, dao kéo... Thứ nhất, cha mẹ hét và cấm sẽ khiến con càng tò mò, thứ hai có thể con giật mình, ngã và còn nguy hiểm hơn.
Bên cạnh việc dạy con tránh xa các thiết bị nguy hiểm trong nhà, cha mẹ cần chủ động lắp đặt các thiết bị phòng chống, để những thiết bị này ở xa tầm với của các con nhỏ.
Ví dụ: Các ổ điện đều có những cái thanh ngăn cản điện giật. Cha mẹ cần lắp toàn bộ các ổ điện an toàn, không nên để chừa lại bất kể cái nào. Trẻ thường rất tò mò và muốn thử làm theo khi thấy cha mẹ bật tắt các công tắc và rút ra cắm vào các ổ điện.
Ở các lan can ban công, các cha mẹ nên lắp lưới chống muỗi. Lưới này đủ sức ngăn các con lao mình ra ngoài ban công nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, cần cứu người qua lối đó, nhân viên cảnh sát chữa cháy có thể cắt nó dễ dàng bằng kéo.
Về máy giặt, tuyệt đối không được để các vật gì gần đó thấp mà con có thể trèo lên. Máy giặt nên để ở khu vực xa phòng ngủ của bé, và tốt nhất là để trong một khu vực có cửa khóa. Khi nào cha mẹ giặt thì mở khóa, không thì khóa lại.
Cha mẹ cũng lưu ý tuyệt đối không bế con khi đang thao tác với các thiết bị này. Bế con khi làm những việc này rất nguy hiểm. Đã có trường hợp trẻ bị rơi vào nồi nước sôi do mẹ vừa bế con vừa nấu ăn.
Với con dưới hai tuổi, trong nhà nên có cũi. Khi cha mẹ bận rộn, khó có thể để mắt tới con, có thể cho con vào cũi. Trong đó con có thể khóc vì không được thoải mái nhưng con thực sự an toàn lúc cha mẹ bận rộn.
Hạn chế tối đa việc để con một mình. Điều này cần chú ý khi con dưới 4 tuổi, không để con ngủ một mình, khóa cửa đi đâu đó. Con luôn phải được để mắt đến mọi lúc mọi nơi.
Con từ 4 tuổi trở lên, hãy dạy con sử dụng các thiết bị và cách sống an toàn với mọi vật dụng. Ban đầu, cha mẹ hãy chỉ con cách dùng kéo, dao, kim, rồi nâng dần các loại thiết bị khác, tùy thuộc vào khả năng tiếp thu và kỹ năng của con. Khi mới thực hành với các vật dụng đó, hãy chọn thứ an toàn nhất cho con.
Kéo đầu tù, nhỏ xíu bằng bàn tay của con, dao nhựa hoặc dao ăn, kim khâu len là những vật dụng có khả năng gây sát thương ít nhất. Hướng dẫn con thật cẩn thận để con có thể sử dụng tốt nhất mà không bị thương tích.
Dạy xong, đừng quên kiểm tra lại cho đến khi yên tâm là con thực sự an toàn mới rời mắt ra khỏi con độ nửa tiếng mỗi ngày. Tăng dần thời gian lên theo khả năng thành thục các kỹ năng và ý thức của con.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên khoa Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet