Trẻ mong muốn được phân biệt cái tốt cái xấu bằng chính năng lực của mình - Ảnh: flickrhivemind.net. |
Cậu bé Christophe rất buồn và tủi thân, bởi cậu đã phải bỏ cuộc dạo chơi ngoài đồng để làm cái công việc đáng chán này. Cậu đã bày đồ chơi cho em, trò chuyện với chúng giống kiểu mẹ hay làm, rồi bế em trên tay. Mình cậu không thể quản nổi mấy đứa nhóc, chúng khóc khi không được bế, chúng nghịch ngợm, phá phách đồ đạc trong nhà, thậm chí chúng còn biến cậu thành đồ chơi. Cậu suýt mấy lần định đánh chúng nhưng với lòng cao thượng của anh cả, cậu nín nhịn và để cho chúng cấu véo mình. Tuy nhiên, mong ước được mọi người nhìn như một người đàn ông trong gia đình của cậu bé đã không thành, thậm chí những cố gắng của cậu vẫn khiến mẹ phiền lòng.
Đó là một câu chuyện trong sách dạy đạo đức cho trẻ tiểu học Pháp được thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, Giám đốc đào tạo trường ngoại khóa Tomato, dẫn ra trong tọa đàm "Giúp con sống vững vàng" tại TP HCM. Theo đó cuộc sống của trẻ mầm non và tiểu học tưởng như toàn màu hồng nhưng thực tế đôi khi cũng mang đến cho các bé nhiều tình huống ngang trái. dạy trẻ nhỏ trong một xã hội bề bộn những điều tốt - xấu như hiện nay là một điều không hề đơn giản với các bậc phụ huynh.
Nếu chỉ đặt ra trước mắt con mình toàn màu hồng mà không cho con thấy những khía cạnh khác của cuộc sống, việc trẻ bị sốc tâm lý khi đứng trước những điều không như mong đợi là hoàn toàn có thể xảy ra. Thạc sĩ Uyên Phương cho biết, trong quan điểm giáo dục hiện đại, các nhà giáo dục hướng đến việc dạy trẻ biết đối mặt và chấp nhận thực tế nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin vào những điều tốt đẹp. "Điều này không dễ nhưng cần thiết cho trẻ thơ trong bối cảnh xã hội ngày nay", bà nói.
Trong những câu chuyện dạy đạo đức cho trẻ tiểu học Pháp, các nhà giáo dục luôn đưa ra mặt trái của vấn đề, đưa cả những mặt tốt - xấu, những hệ lụy. Họ không áp đặt một kết luận duy nhất, nhưng cuối cùng đều khẳng định những điều tốt đẹp nhất vẫn nên được lựa chọn.
Với câu chuyện "Christophe trông em" minh họa cho chủ đề trách nhiệm, bà Uyên Phương cho rằng có thể rút ra những bài học giúp trẻ nhận biết:
- Chịu trách nhiệm nghĩa là có khả năng để bảo đảm cho ai đó hoặc điều gì đó.
- Mọi hành động đều gây ra hậu quả, không làm bài thì sẽ bị điểm kém…
- Hành động của ta thì hậu quả gây ra cũng của ta. Ai đã nhận trách nhiệm thì phải đảm đương nó tới cùng
- Người nào chỉ biết hứa suông thì sẽ bị coi là kẻ vô trách nhiệm.
- Có những khi ta phải có trách nhiệm với nhiều điều mà ta không chọn lựa.
- Luôn sống có trách nhiệm và chịu trách nhiệm là một điều khó khăn, đôi khi là mệt mỏi nhưng đó là một điều dũng cảm đáng để tự hào
Đây cũng chính là một cách để dạy trẻ tư duy đa chiều , giúp trẻ hy vọng vào những điều tốt đẹp nhưng vẫn vững vàng trước những điều không tốt đẹp.
Để giúp trẻ có tư duy đa chiều, thạc sĩ Uyên Phương khuyên cha mẹ nên tôn trọng và lắng nghe những quan sát, nhận định riêng của trẻ. Đừng vội vã phủ nhận cắt ngang lời hay gạt phăng đi một ý kiến có vẻ không đúng của con. Hãy hỏi tại sao con lại suy nghĩ như vậy? Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ đưa ra các so sánh, các ví dụ đối lập nhau. Gợi mở để trẻ mô tả những tình huống tương tự và đối nghịch với điều mà trẻ quan sát thấy. Khuyến khích trẻ bộc bạch những suy nghĩ khác (mà trẻ chưa nói ra dù quan sát thấy).
Cha mẹ có thể đưa ra nhiều kịch bản khi thảo luận và phân tích thông tin bằng cách khuyến khích trẻ hình dung và kể lại thành một câu chuyện bằng ngôn ngữ của trẻ, dựa trên những gì con quan sát và cảm nhận. Hãy hỏi trẻ còn kịch bản nào khác cho các câu chuyện không? Nếu muốn làm rõ một thông tin nào đó trong câu chuyện của trẻ, hãy hỏi những câu hỏi trung tính, ví dụ "Con thấy hành động đó như thế nào", thay vì "Con thấy như vậy là sai phải không?".
Cha mẹ nên nhớ trẻ con hay men theo thái độ của người lớn để bộc lộ suy nghĩ của mình, nếu đặt câu hỏi trung tính thì trẻ sẽ thoải mái bộc lộ chính kiến của mình. Nếu con không kể được, cha mẹ có thể tự mình kể chuyện một cách trung tính để đặt câu hỏi cho con.
Cha mẹ nên ghi nhớ nguyên tắc đồng xu hai mặt: Không vội vã áp đặt một kết luận, một định kiến nào lên câu chuyện của trẻ. Hãy hỏi trẻ: “Những thông tin con đang có đã đủ và đáng tin hay chưa?”, “Con tin vào kịch bản nào hơn?”. Con chọn tin vào điều gì, điều đó sẽ làm nên chính con, vì thế nếu suy nghĩ của con quá tiêu cực, cha mẹ nên hướng sao cho trẻ suy nghĩ tích cực hơn.
Nhà giáo dục trẻ em Maria Montessori từng nhận xét, khi các bài học đạo đức diễn ra, trẻ muốn tự đưa ra các đánh giá của mình và thường là khác biệt so với người lớn. Không gì khó hơn là dạy bài học đạo đức theo kiểu một chiều cho trẻ ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, vì các con sẽ bắt bẻ ngay những gì mà ta nói. Một sự thay đổi đang diễn ra bên trong trẻ. Bé khao khát được hiểu biết nhưng cũng đòi hỏi được độc lập về tinh thần, mong muốn được phân biệt cái tốt cái xấu bằng chính năng lực của mình và kháng cự lại những áp đặt bằng quyền lực tùy tiện.
Trẻ dễ có tư duy đa chiều khi các ý kiến của bé được cha mẹ tôn trọng. Từ đó, chúng sẽ có chính kiến, góc nhìn riêng của mình, sẽ trở thành người có bản lĩnh. Nói như nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, tư duy đa chiều giúp trẻ lớn lên trở thành người có kỹ năng "khiêu vũ với bầy sói", tức là làm sao để "không bị sói ăn thịt nhưng cũng không trở thành... sói".
Kim Kim
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet