Nghe bạn nói úp mở, trí tò mò của tôi càng thôi thúc. Thế là, đúng hẹn chủ nhật, tôi lên xe về quê bạn. Gặp nhau qua vài câu hàn huyên tâm sự xong, cả hai, cùng xách túi xốp xuống bãi biển ba động bắt ốc viết. Theo bạn, ốc viết mỗi năm chỉ xuất hiện một lần vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 âm lịch (nhiều nhất vào mùa lạnh).
Đúng như tên gọi của nó, ốc có hình dáng thon dài trông tương tự như cây viết (cây bút) trẻ em. Ốc viết có vỏ cứng, màu vàng nhạt pha nâu, thân dài cỡ 7 – 8 cnm. Lúc thủy triều dâng, ốc bị sóng đánh dạt lên bờ. Khi thủy triều rút, ốc nằm trơ lại trên bãi. Thế là, người dân nơi đây chỉ việc xách bao lượm.
Vào mùa rộ, một người trong ngày có thể bắt được 10 - 20 kg ốc (giá thu mua tại chỗ của thương lái hiện khoảng 20.000 đ/kg). Sau một hồi quần thảo trên bãi biển, tôi và bạn bắt được chừng hơn 5 kg đem về nhà nhờ má bạn chế biến món ăn.
Sở dĩ ốc viết được mọi người ưa thích vì hương vị thơm, béo, ngọt, giòn. Ốc có 2 cách chế biến là: Luộc sả chấm muối tiêu chanh, và hầm dừa.
Ốc viết luộc sả. |
Món ốc viết luộc sả là món ăn “dã chiến” dễ làm và nhanh nhất. Ốc cho vào thau rửa sạch cát và sau đó cho vào xô ngâm với nước vo gạo (hay nước lạnh có pha ớt giã giập) trong vài giờ cho ốc nhả sạch nhớt và chất thải. Tiếp đến vớt ốc ra rổ và dùng dao bén chặt 1/3 trôn ốc, và cho ốc vào nồi luộc cùng với một ít nước lạnh, dưới đáy nồi cho thêm vài tép sả đập giập (hoặc lá ổi, lá chanh) cho có mùi thơm.
Độ khoảng 30 phút sau thì ốc chín, vớt ra dĩa. Dùng gai nhọn (gai quýt) lể ốc chấm vào chén nước mắm sả ớt, thế là xong! Vị béo, dai, giòn và mùi thơm đặc trưng của ốc thấm vào vị giác… Thêm một chút men cay vào nữa, thật là trên cả tuyệt vời!
Ốc viết hầm dừa. |
Riêng, món ốc viết hầm dừa quả là “tuyệt cú mèo”. Công đoạn đầu của việc chế biến cũng giống như ốc viết luộc sả (Lưu ý: Chặt trôn ốc phải nhiều, khoảng từ 1/3 đuôi ốc trở lên, để ốc khi chín, dùng miệng hút thịt ốc được dễ dàng).
Nhưng để cho hương vị món ăn “thăng hoa” hơn, việc chế biến phải dụng công một chút nghĩa là phải thêm một ít gia vị khác vào như: dừa khô nạo (200 gram, ít nhiều tùy khẩu vị và số lương người ăn), muối, đường, bột ngọt. Trước hết, cho ốc viết (đã sơ chế) vào nồi có lót vài tép sả đập giập ở dưới. Kế đến, cho nước cốt dừa nạo vào ngập xâm xấp với ốc và đặt nồi lên bếp với ngọn lửa liu riu. Khoảng 15 phút sau khi nước trong nồi sôi già, cho gia vị muối, đường, bột ngọt vào. Nêm nếm cho vừa ăn là nhắc xuống, múc ra dĩa.
Cầm một con ốc viết hầm dừa đưa lên miệng, hút nhẹ một cái, phần thịt ốc lọt thỏm vào miệng, ta cứ việc chậm rãi “ngậm mà nghe” cái vị béo, ngọt, dai, thơm của ốc viết pha lẫn vị mằn mặn len vào khẩu vị,…, thêm một chút “men cay” vào, và dùng muỗng múc một miếng nước hầm húp nhẹ một cái. Du khách sẽ bị mê hoặc bởi “mùi vị đặc trưng” đầy luyến nhớ của quê hương duyên hải Ba Động - Trà vinh,
Bài và ảnh Hữu Tưởng
Mời bạn đọc chia sẻ các món ăn ngon, lạ ở các vùng miền về doisong@vnexpress.net. Bài viết có nhuận bút.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet