Dùng thuốc của người lớn, chỉ giảm liều lượng = nguy hiểm chết người
Hiện nay nhiều chị em truyền tai nhau công thức dùng thuốc cho trẻ là: dùng thuốc giống như người lớn nhưng có giảm liều lượng theo cân nặng của trẻ. Theo PGS.TS Dũng cách dùng thuốc này của các mẹ gây nhiều nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của các bé. Bởi với trẻ, cơ thể còn đang phát triển không phải là người lớn thu nhỏ nên nguyên tắc dùng thuốc hoàn toàn khác. Có những thuốc người lớn sử dụng rất tốt nhưng trẻ lại không sử dụng được, kể cả ở liều lượng rất thấp.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, các loại thuốc có chế phẩm thuốc phiện, người lớn có thể uống nhưng lại chống chỉ định với trẻ vì có thể gây ngừng thở, ngộ độc, thậm chí tử vong. Ví dụ như thuốc loperamind – một chế phẩm của thuốc phiện được dùng để chữa tiêu chảy cho người lớn nhưng lại cấm sử dụng với trẻ dưới 2 tuổi.
Hay như các thuốc ho, có rất nhiều loại có chế phẩm thuốc phiện như terpin codein, dùng cho người lớn, nhưng không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Thậm chí có những loại liều lượng cao còn cấm cả trẻ dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh thì cấm tuyệt đối. Trong bệnh viện, một số trường hợp có thể dùng nhưng phải có chỉ định của bác sĩ và phải kiểm soát, theo dõi nghiêm ngặt.
Ngược lại, có những thuốc người lớn dùng liều lượng thấp nhưng trẻ em phải dùng liều cao hơn rất nhiều mới có tác dụng. Ví dụ như thuốc ngủ gacdenal, người lớn dùng theo cân nặng với liều lượng rất thấp. Thuốc này khi kê đơn cho trẻ phải kê liều lượng cao hơn gấp 2-3 lần của người lớn thì trẻ mới ngủ được. Hoặc thuốc trợ tim digoxin, liều của trẻ cũng gấp 1,5 lần người lớn.
Theo PGS.TS Dũng, ho là phản xạ bảo vệ cơ thể của bé. Không phải lúc nào ho cũng là hại, có những lúc là biểu hiện có lợi cho trẻ.
Việc sử dụng các thuốc ức chế ho bừa bãi sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của các bé. PGS.TS Dũng cho biết thêm, trên thế giới người ta quy định không nên kê các thuốc giảm ho cho trẻ dưới 2 tháng tuổi. Nguyên nhân là các thuốc giảm ho thực chất chỉ là giảm cơn ho, chữa triệu chứng chứ không phải là trị bệnh tật gốc.
Với trẻ nhỏ thường ho rất ít nên việc ho không làm bé mệt. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc ho chủ yếu làm “phiền” các mẹ và người thân trong gia đình nhiều hơn là chính bản thân các bé. Đôi khi ho có thể làm trẻ nôn thứ phát nên càng làm cho các mẹ sốt ruột, vội vàng cho trẻ uống đủ các loại thuốc giảm ho. Tuy nhiên, rất hiếm trẻ bị kiệt sức hoặc không ngủ được vì ho.
Nếu chỉ là ho đơn thuần, trẻ không sốt, không quá quấy khóc thì không cần dùng thuốc, cha mẹ chỉ cân theo dõi và chăm sóc hút mũi, xịt mũi đúng cách trẻ sẽ hết ho.
Bác sĩ cũng lưu ý, với các thuốc nhỏ mũi gây co mạch, các mẹ tuyệt đối không dùng cho trẻ dưới 2 tháng tuổi. Với trẻ nhỏ này chỉ dùng nước muối sinh lý là tốt nhất. “Các thuốc gây co mạch mũi có thể gây tác dụng phụ, không chỉ co mạch mũi mà còn co các mạch khác, làm tăng huyết áp, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Khoa Nhi đã từng cấp cứu một trường hợp bé bị tái xanh toàn thân vì dùng thuốc nhỏ mũi gây co mạch máu dưới da”, PGS.TS Dũng cho biết.
Các mẹ nên thận trọng khi dùng thuốc giảm ho cho trẻ (Ảnh minh họa)
Thận trọng khi dùng một số loại thuốc giảm ho
Do đó, để an toàn cho sức khỏe của bé, PGS.TS Dũng khuyến cáo các mẹ phải thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ. Tốt nhất là sử dụng theo kê đơn của bác sĩ, tuyệt đối không tự kê đơn cho trẻ theo kiểu rỉ tai, truyền miệng của bạn bè, đồng nghiệp. Bác sĩ đặc biệt lưu ý các mẹ nên cân nhắc trước khi cho trẻ uống một số thuốc giảm ho sau:
Chlopheniramin: đây là thuốc đối kháng thụ thể H1 histamin được dùng điều trị trong viêm mũi dị ứng, những triệu chứng dị ứng khác như mày đay, viêm mũi vận mạch, viêm kết mạc dị ứng, viêm da tiếp xúc, dị ứng thức ăn, phù Quincke, côn trùng đốt, ngứa... Hiện nay trên thị trường, chlopheniramin còn được phối hợp trong một số chế phẩm để điều trị triệu chứng ho và cảm lạnh. Chính vì vậy, có rất nhiều chị em cho con uống khi trẻ bị ho. Tuy nhiên, thuốc này rất hay ức chế hô hấp, làm quánh đờm, ở trẻ nhỏ có thể gây co giật, thậm chí tử vong.
Dextromethorphan: Đây là thuốc giảm ho có tác dụng lên trung tâm ho ở hành não. Nó có tác dụng giảm ho nhất thời đối với các trường hợp ho do kích thích nhẹ ở phế quản, thường gặp trong ho cảm lạnh thông thường, không có tác dụng long đờm. Mặc dù độc tính thấp nhưng nếu dùng liều cao có thể gây ức chế hô hấp do ức chế hệ thần kinh trung ương.
Thuốc được chỉ định trong các trường hợp ho cảm lạnh thông thường ở trẻ. Tuy nhiên, thận trọng và không nên dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi và những trường hợp bệnh nặng có ứ đọng nhiều đờm dãi.
Codein: Thuốc có tác dụng giảm đau là chính, ngoài ra có tác dụng giảm ho do tác động trực tiếp lên trung tâm ho ở hành não. Tuy vậy thuốc làm khô và quánh dịch tiết ở phế quản. Ngoài ra, thuốc có thể gây nghiện nếu dùng kéo dài và một số trường hợp có thể gây ức chế hô hấp nếu dùng quá liều.
Theo PGS.TS Dũng, các mẹ phải thận trọng khi dùng thuốc giảm ho cho trẻ, đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi, tránh để hậu quả đáng tiếc.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet