“Bé nhà mình được 6 tháng 8 ngày tuổi. Bé phát triển khá tốt về thể chất và tinh thần – biết lẫy và biết trườn khá sớm so với bạn đồng lứa. Duy có điều này mình thấy khá lạ về bé. Chả là lúc bé 4 tháng tuổi, mình hay dạy bé nói ‘ba ba’. Mới đầu bé không phản ứng gì hết, chỉ nhìn mồm mẹ và mấp máy môi thôi. Sau rồi mình cũng quên luôn chuyện dạy con nói vì nghĩ rằng bé chưa hiểu gì. Bỗng một hôm, lúc bé gần 5 tháng tuổi, bé đang nằm chơi trong nôi và hét lên 2 từ ‘ba ba’ khiến mình quá đỗi bất ngờ. Mình thử dạy tiếp từ ‘bà bà’ thì mấy ngày sau bé bắt đầu bi bô ‘ba ba’, ‘bà bà’... Mình tiếp tục dạy ‘mẹ mẹ’, bé cũng bắt chước theo nhưng không nói rõ từ ‘mẹ’ mà thành ‘mệ mệ’. Hôm qua bé nói thêm từ ‘òa’ vì 2 mẹ con chơi ú òa. Mình không nghĩ con thông minh hay gì cả, đơn giản là thấy bé sáng dạ và nhanh nhẹn quá”, tâm sự của bạn hamilk trên diễn đàn Webtretho.
Ngay từ trong bụng mẹ, bé đã nghe được âm thanh bên ngoài. Khi chào đời, càng tiếp cận với ngôn ngữ nhiều, bé càng nhanh biết nói. Do vậy, để sớm phát triển ngôn ngữ cho bé, cha mẹ có thể áp dụng một số 'bí kíp' dưới đây:
1. Phản hồi tiếng khóc của bé
Bé sẽ học giao tiếp thông qua tín hiệu khóc. Trong năm đầu đời, khóc là phương tiện giao tiếp quan trọng ở bé. Bé khóc có thể do mệt mỏi, bị đói, muốn được mẹ chú ý, thích được ra ngoài chơi… do đó, mẹ hãy tích cực phản hồi lại tiếng khóc của bé nhé!
Dù bé mới bập bẹ, ê a… thì cha mẹ vẫn nên nói chuyện liên tục cùng bé. (Ảnh minh họa).
2. 'Tám' nhiệt tình với bé
Dù bé mới bập bẹ, ê a… thì cha mẹ vẫn nên nói chuyện liên tục cùng bé. Khi còn nhỏ, việc bé tăng vốn từ vựng và dần biết nói sẽ thông qua một cách duy nhất là lắng nghe người lớn nói chuyện với nhau.
Giao tiếp với bé đôi khi giống như độc thoại bởi bé chưa nói được, vốn từ còn quá ít nên phản ứng với những câu hỏi của cha mẹ thường bị chậm. Nhưng chỉ cần có niềm tin rằng nói chuyện nhiều bé sẽ nhanh biết nói, cha mẹ/người thân sẽ có động lực để ‘tám’ với bé nhiều hơn. Đôi khi chỉ một câu nói bâng quơ, phiếm chỉ: “Để mẹ bế con nào” hay “Con yêu mẹ không?”… cũng có tác dụng lớn với khả năng ngôn ngữ của bé.
3. Mô tả và hướng dẫn bé thực hiện
Khi bé chạm tay vào mũi của mẹ, thử nói với bé: “Đây là mũi của mẹ”; khi mở cửa số, bạn nên hỏi bé: “Con nghe thấy tiếng cửa sổ mở không? Cùng mẹ đẩy cửa ra nào”. Khi bé chạm tay vào vật nào đó, mẹ có thể mô tả sự vật để bé hiểu và hứng thú.
4. Hát và kể chuyện cho bé
Đây được coi là hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở bé. Bởi vì, hát và kể chuyện là công việc lặp lại nhiều lần, thông qua đó, bé sẽ ghi nhớ và tập “ê, a” theo. Nếu bé đã đến tuổi biết vỗ tay và nhún nhảy, mẹ nên kết hợp việc cho bé nghe mẹ hát với hoạt động thể chất là vỗ tay hoặc nhún nhảy.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet