Làm công việc kinh doanh nhưng chị Nguyễn Thu Trang (Hà Nội) vẫn thường xuyên vào bếp để "lọ mọ” nấu những món ăn mình thích. Mỗi ngày chị lại khám phá, chinh phục một vài món mới. “Vui nhất là làm xong khoe lên cho các bạn cùng làm. Ai làm xong gửi kết quả cho xem vui lắm. Có bạn ở nước ngoài, có bạn ở tỉnh xa. Cùng nhau làm cùng nhau chia sẻ sản phẩm. Cảm giác cực thích”. Chị Trang chia sẻ.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên có nhiều món chị đều tự làm tại nhà, trong đó có đậu phụ. Chị học hỏi công thức của nhiều chị em nấu ăn trên facebook rồi tự học ở các clip trên mạng và làm thử. Sau đó, lại cùng nhau các chị em khác chia sẻ các lỗi mắc phải để rút kinh nghiệm. “Lần đầu tiên mình làm cũng bị chua và cứng. Sau đó lục tung youtube lên xem lại. Và xem lỗi mọi người mắc phải, từ từ rút ra kinh nghiệm biết sai ở chỗ nào. Làm lại mẻ thứ 2 thành công luôn. Mừng ơi là mừng”, chị Trang nói.
Thành phẩm đậu phụ béo và mềm mịn của chị Trang
Theo chị Trang, món đậu phụ ngon quan trọng nhất là pha nước chua. “Khi mình khoe thành phẩm lên mạng cũng có bạn bảo nhà bạn ấy bán đậu gần 20 năm rồi các khâu bạn ý đều làm được hết. Trừ khâu pha nước chua cả nhà chả ai làm thay được mỗi mình mẹ bạn ấy làm được. Vì nước chua phải pha loãng, xuống từ từ và chờ kết tủa tầm 10-15 phút. Khâu này không được vội vàng. Lần đầu mình làm thấy nó chưa kết tủa cho thêm nước chua thành ra bị quá. Đậu sẽ bị chua và cứng”.
Nước chua có thể dùng chanh, dùng dấm, hay nước chua cũ của mẻ đậu trước đều được. Pha thêm với nước lã cho loãng ra. Như dấm ăn thì dùng 3 thìa với 300ml nước rồi rót xuống nồi nước đậu từ từ. Đậy vung đợi 15 phút thấy chưa kết tủa hết thì cho thêm 1 chút. Tránh cho tất cả vào một lúc đậu sẽ bị cứng. Phải cho từ từ vì độ chua của nhiều loại dấm là khác nhau. Quan trọng là nhìn nước đậu kết tủa hết là đạt.
Ngoài ra, chị Trang cho biết, để làm đậu ngon thì nên chọn loại đậu tương nhỏ. Ngâm nở mềm. Tuỳ thời tiết, mùa đông thì ngâm nước ấm, hoặc nước thường để qua đêm. Còn mùa hè thì ngâm 3-4 tiếng thôi. Ngâm lâu quá đậu tương sẽ sủi bọt và bị chua.
Lưu ý, khi xay đậu tương thì phải xay mịn. Công thức của chị là 300g đậu thì xay với 3 lít nước. Xay kĩ cho mịn sau đó bỏ ra vắt thật kĩ. Chỗ bã còn lại cho thêm 500ml nước bóp cho ra hết sữa còn dư trong đậu rồi bỏ bã hoàn toàn. Toàn bộ chỗ sữa đó cho vào túi lọc lại 1 lần nữa. Sẽ ra được một nắm bã nữa. Nếu không lọc chỗ bã này sẽ lẫn trong đậu ăn không được béo, mềm mịn.
Tham khảo cách làm đậu phụ của chị Thu Trang:
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet