Người Nam bộ thích các món thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, bánh tét, tôm khô củ kiệu…, trước cúng ông bà, sau là ăn ba ngày tết. Trong những món được ưa thích nhất phải kể đến là tôm khô củ kiệu. Những con tôm khô kết hợp với củ kiệu cho ra một món ăn rất ngon miệng với vị chua ngọt lại bùi bùi rất đặc trưng.
Tôm sau khi ướp gia vị được cho lên chảo luộc chín. |
Không như dưa món của người miền Trung dùng để ăn với bánh tét, tôm khô củ kiệu của người miền Nam là một món ăn hoàn toàn riêng biệt. Một đĩa tôm khô củ kiệu ít đường cát trắng cùng vài lát hột vịt bắc thảo là cánh phụ nữ và trẻ em đã có món ăn ngon cho ngày Tết. Riêng với cánh đàn ông, chỉ cần đĩa tôm khô củ kiệu là cũng đủ kéo dài câu chuyện bên những ly rượu mừng xuân. Vì vậy, Tết đến hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị tôm khô để ăn kèm với củ kiệu.
Sau khi luộc chín, đổ tôm ra rổ cho ráo nước và bóc bỏ vỏ. |
Để có món ăn này không khó, vì tôm khô được bán đầy rẫy trong các chợ hay siêu thị. Chế biến tôm khô rất đơn giản, nên thay vì mua tôm khô có sẵn, bạn có thể tự tay làm ở nhà, vừa đảm bảo vệ sinh vừa an tâm về chất lượng. Quan trọng nhất là phải mua được tôm còn tươi sống. Theo kinh nghiệm của người dân miền Nam, tôm ngon nhất là tôm bạc đất (còn gọi là tép bạc) vì thịt dai, ngọt, khi luộc chín lại rất dễ bóc vỏ.
Cho tôm lên sàng, phơi khô là có thể dùng được. |
Dưới đây là cách làm tôm khô:
Nguyên liệu:
- 1 kg tôm bạc đất còn sống.
Cách chế biến:
- Tôm đem về rửa sạch. Cho tôm vào thau, ướp với muối, đường cát, hạt nêm cho vừa ăn. Ướp tôm trong khoảng 30 phút cho thấm gia vị, sau đó cho tôm lên chảo và luộc chín.
- Vớt tôm ra để ráo nước, bóc sạch vỏ. Để tôm lên sàng hoặc nia và phơi khô là được.
Bây giờ bạn đã có một đĩa tôm khô thật ngon, sạch không hóa chất. Ngoài ăn kèm với củ kiệu, tôm khô còn dùng để nấu canh hay xào với rau.
Bài & ảnh: Hữu Tưởng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet