Ảnh minh họa: Firststeppreschoolnj.com |
Sarah Fernandez, một bà mẹ 2 con ở bang Rhode Island, Mỹ, tác giả của nhiều bài báo viết về trẻ em trên Parentables đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế dưới đây trong việc tìm ra nguyên nhân khiến đứa con 3 tuổi của chị bướng bỉnh và có những hành vi khiến bố mẹ bực bội.
Giống như những đứa trẻ 3 tuổi khác, con gái tôi rất khó bảo. Bé có phong cách cũng như ý kiến của riêng mình. Bất cứ điều gì cần phải làm, cháu có thể tự làm điều đó một mình, từ mặc quần áo đến gắp món ăn cho mình, hay xếp ghế trèo lên lấy chiếc muỗng trên giá bát, bất cứ điều gì bé cũng nghĩ rằng mình có thể tự làm được. Trong khi đó tôi muốn con tự tin, đồng thời cũng hiểu rằng vẫn có những giới hạn nhất định dành cho bé. Tôi cũng biết rằng những gì thể hiện sự tự tin ở bé thực chất là tính bướng bỉnh. Rõ ràng có sự khác biệt giữa việc biết cách phải làm một việc gì đó như thế nào và không làm những gì mà mình được yêu cầu. Gần đây, hai mẹ con tôi gần như đối đầu nhau.
Trong một ngày bé bộc lộ rất nhiều hành vi xấu, tôi nói với nó rằng tôi không còn chịu nổi sự bướng bỉnh của con nữa và nó cần phải thay đổi. Đó là khi bé “lật bài ngửa” (giống như những đứa trẻ tuổi teen nằm dài trên giường và bĩu môi khi không đồng ý với người lớn). Bé không nhận ra mình đang làm gì nhưng lời nói của cháu đã tiết lộ nhiều điều: “Mẹ luôn bắt con phải làm cái này cái kia”.
Cuối cùng, hai mẹ con tôi đã xảy ra chiến tranh, bé liên tục la hét: “Đừng nói với con phải làm gì nữa” và “Mẹ không phải là bà chủ”. Tất nhiên, tôi phải nói với bé, dạy dỗ con là công việc của tôi. Tuy nhiên bé mới chỉ ba tuổi. Vì thế tôi đã phải mất rất nhiều ngày để nhắc con thu dọn đồ chơi, đóng cửa lại, đánh răng và vô số thứ khác cần được thực hiện mà phần lớn trong số đó bé không tự ý làm. Vốn là một đứa trẻ độc lập, bé cảm thấy rất thất vọng vì cảm giác không được tự mình quyết định.
Vì thế, tôi lại phải nói chuyện với bé. Tôi nói với con rằng nó làm tất cả những việc đó vì trách nhiệm của bé với gia đình, bé là một phần trong gia đình của mình nên phải có nhiệm vụ giữ nhà sạch sẽ, gọn gàng, phải đóng cửa khi ra hoặc vào nhà, phải treo áo khoác của mình lên, phải chải đầu tóc gọn gàng… Tôi thường xuyên nhắc đi nhắc lại đây là trách nhiệm của con. Khi tôi hỏi, liệu con có nghĩ sẽ tự mình làm mọi thứ, bé nói “không”. Vì thế, tôi nói tiếp, tôi sẽ tiếp tục phải nhắc bé làm việc gì đó.
Mặc dù bé không đạt được quyền lực nào trong cuộc đấu tranh với mẹ nhưng kể từ cuộc nói chuyện đó, chúng tôi có thể giải quyết vấn đề thái độ của bé nhanh hơn rất nhiều. Tôi đã nhìn nhận tình hình từ những quan điểm khác nhau thay vì chỉ hoàn toàn thất vọng với hành vi của bé. Tôi cũng hiểu rằng bé không cố tình chống đối tôi khi không chịu thu dọn đồ chơi của mình, chẳng qua là cháu không có ý tưởng thu dọn. Còn bé khi được gắn mình với trách nhiệm, nó dường như dễ dàng làm những công việc được yêu cầu hơn.
Trẻ em hành động và hành động nào cũng có lý do của nó. Nếu hành vi này trở nên định kỳ thì vấn đề sẽ phức tạp hơn là thỉnh thoảng chúng mới hành động như thế. Tìm ra gốc rễ của các hành vi sẽ giúp bạn dễ dàng giải quyết vấn đề và vui vẻ với con mình hơn, dù bé mới 3 tuổi hay thậm chí đã 21 tuổi.
Kim Kim (Theo Parentables)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet