Các bạn cùng tuổi đều chê cháu trẻ con. Từ lúc 3 tuổi đến bây giờ cháu cũng thích chơi với các bạn ít hơn mình từ một đến hai tuổi. Bé sắp vào lớp một rồi mà vẫn trẻ con quá, giao tiếp chỉ như trẻ 4-5 tuổi thôi, vợ chồng tôi rất lo. Xin hỏi làm thế nào để bé có thể giao tiếp, tu duy bằng các bạn cùng tuổi. (Sen).
Ảnh minh họa: trochoi. |
Trả lời:
Theo nhận xét của phụ huynh thì cháu có nhận thức tốt, các bài giảng bé đều hiểu và làm tương đối tốt nhưng về tư duy, giao tiếp bé rất "non" so với tuổi của bé. Thật ra tôi không biết rõ bé “non” trong tư duy, giao tiếp cụ thể là như thế nào. Ở chừng mực mô tả của phụ huynh thì những em khác chê bé “trẻ con”, còn bé thì thích chơi với những em nhỏ tuổi hơn. Về vấn đề này, tôi có ý kiến như sau:
- Việc những bé khác chê cháu là “trẻ con”, tôi không rõ bé sinh tháng nào vì phụ huynh chỉ nói bé vào lớp một năm nay, tuy nhiên chúng ta biết rằng trẻ em cách nhau vài tháng đã khác nhau khá nhiều về tư duy và giao tiếp. Những em sinh đầu năm và những em sinh cuối năm là đã có sự khôn ngoan và khả năng tư duy, giao tiếp khác nhau đáng kể.
Nếu vì bé sinh cuối năm mà có “non” hơn các em khác thì chắc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng vì đó là chuyện bình thường. Trong trường hợp bé sinh đầu năm mà vẫn “non” so với những bé khác thì có thể liên quan đến kỹ năng tư duy và giao tiếp, và tất nhiên điều này là có thể cải thiện được. Trong trường hợp này phụ huynh cần chơi với bé và tập đặt câu hỏi để bé trả lời và rèn luyện tư duy, hay đưa bé tham gia các sự kiện để có dịp gặp gỡ, vui chơi để bé mạnh dạn, tự tin và khôn lanh hơn trong giao tiếp. Ngoài ra phụ huynh có thể cho bé tham gia sinh hoạt, vui chơi với các nhóm trẻ khác trong khu vực, cộng đồng, thậm chí có thể cho bé tham dự các lớp kỹ năng sống để bé phát triển các kỹ năng xã hội tốt hơn và nhanh hơn.
- Con của chị chỉ muốn chơi với các em nhỏ hơn: Về vấn đề này các em cũng có những lý do khác nhau mà phụ huynh cần phải quan sát thêm. Có thể khi chơi với các bạn nhỏ hơn, bé muốn mình được làm “người lớn” hơn, chẳng làm người chị để chăm sóc cho các em nhỏ khác và nếu như vậy thì bé không “quá trẻ con” đâu. Ngoài ra cũng có thể vì lý do là bé “non” như đã đề cập thì trong trường hợp đó phụ huynh có thể giúp bé thêm về các kỹ năng tư duy, giao tiếp như đã nói trên.
Chúng ta biết rằng trẻ em thường học được những kỹ năng từ người lớn, do đó phụ huynh cũng cần rèn luyện kỹ năng và hướng dẫn, làm gương thêm về giao tiếp. Rõ ràng vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc hình thành kỹ năng tư duy và giao tiếp cho con trẻ.
Cuối cùng điều chúng tôi muốn nói là phụ huynh đừng quá lo lắng vì khi vào lớp một bé sẽ phải chơi với bạn cùng lớp, đồng trang lứa thì dần dần bé sẽ quen. Hiện nay cháu có khả năng học tập, nghe hiểu và làm theo được bình thường là tốt rồi, phụ huynh cần dành thêm thời gian để hướng dẫn và tạo điều kiện cho bé tham gia rèn luyện thêm kỹ năng sống, các kỹ năng giao tiếp xã hội như tôi đã đề cập ở trên.
Thạc sĩ Hoàng Thanh Linh
Tác giả Triết lý Giáo dục Thành Nhân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet