Nhân dịp đọc bài viết Lương 15 triệu, tiếc gì không cho con học trường quốc tế!, tôi có đôi lời chia sẻ suy nghĩ của mình như thế này:
Nhiều năm gần đây, phong trào đưa con vào trường quốc tế đang trở nên phổ biến, như một xu hướng, một thứ “mốt” đang thịnh hành trong những gia đình có thu nhập dư dả hơn bình thường một chút. Gia đình tôi không nằm trong số ấy. Hai vợ chồng đều là công chức, lương tháng đủ ăn nên chỉ có thể gửi con vào trường công. Tự hào mà nói, không tốn đến chục triệu học phí hàng tháng, không cần ở lớp có hồ bơi, điều hòa, không học với giáo viên nước ngoài, bạn bè quốc tế, hai đứa con tôi, một đứa học lớp 2, một đứa lớp 10, đều ngoan ngoãn và học tốt, năm nào cũng được học sinh giỏi cả. Thú thực, kể cả gia đình có tiền, tôi cũng nhất quyết không cho con học trường quốc tế.
Với tôi, tình trạng nhà nhà người người đua nhau gửi con vào trường quốc tế, chả khác nào một dạng “sính ngoại”. Học trường quốc tế để nói tiếng Anh chuẩn ư? Tôi không rành tiếng Anh chuẩn là như thế nào, nhưng nhìn bé Kem nhà hàng xóm mới 6 tuổi, về nhà nói chuyện với ông bà bố mẹ bằng tiếng Việt mà câu nào cũng phải chêm vài từ tiếng Anh vào, có những câu bé nói toàn từ tiếng Việt nhưng lại chẳng ai hiểu ý bé định nói gì, tôi hãi quá. Quen kiểu giao tiếp bằng tiếng Anh ở trường không có kính ngữ nên ở nhà cháu nói chuyện với người lớn cũng không có “vâng”, “dạ” gì hết. Hậu quả của việc học tiếng Anh là chính nhưng tiếng Việt lại chỉ được coi là ngôn ngữ phụ ở các trường quốc tế đấy. Chưa biết các con giỏi tiếng Anh đến đâu, nhưng sống ở ngay trên quê hương mình mà tiếng Việt còn không sõi thì đúng là thảm họa.
Chưa biết các con giỏi tiếng Anh đến đâu, nhưng sống ở ngay trên quê hương mình mà tiếng Việt còn không sõi thì đúng là thảm họa. (Ảnh minh họa)
Sợ nữa là trẻ con cho đi học trường quốc tế có lối sống “thoáng” hơn các bạn khác rất nhiều. Có lẽ vì được học theo chương trình đào tạo của nước ngoài, tiếp xúc với bạn bè quốc tế hàng ngày nên các cháu cũng mang một tư duy khá “Tây”. Cô em chồng tôi than thở, từ ngày cho con đi học trường quốc tế, bé cứng đầu hơn hẳn. Không biết thầy cô ở trường dạy bé ý thức tự tôn cá nhân với tư duy phản biện thế nào mà về nhà, bố mẹ nói hơi một tí là phản kháng, lúc nào cũng tự cho mình là giỏi nhất, đi ngang qua trước mặt người lớn không thấy bé nhún nhường hay cúi đầu. Chỉ sợ vài năm nữa bé lớn, cứ theo đà này lại “nổi loạn”, đầu tóc quần áo không còn theo nền nếp truyền thống Việt Nam, đi bar, đi vũ trường, quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử như lối sống Âu Mỹ thì bố mẹ không cản nổi.
Một điểm nữa là giờ con mình còn nhỏ, cả một đoạn đường tương lai dài phía trước, không ai đoán được sau này con hợp với đi du học hay học đại học trong nước mà phải dựa vào cả quá trình con học tập, phát triển lâu dài. Thế mà giờ đã tất tả tống con vào trường quốc tế với cái kiểu chương trình học nhẹ nhàng, bài tập về nhà cũng không có, sau này có muốn thi đại học cũng khó lòng mà đỗ nổi. Chưa kể chương trình học ở các trường quốc tế luôn xem nhẹ môn Văn, Sử, nguy cơ các con bị mất gốc, không rành lịch sử nước nhà, không hiểu văn học Việt Nam hay các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam là rất cao. Còn gì đáng sợ hơn việc con mình vẫn đang sống ở Việt Nam mà Tây chả ra Tây, Ta chả còn Ta!
Phương châm của tôi là cứ yên chí cho con học ở trường công hết 12 năm phổ thông đi đã. Đến khi muốn đi du học thì dù học trường Ta hay trường Tây vẫn phải thi chứng chỉ tiếng Anh như SAT, IELTS, TOEFL,..., vẫn phải tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội,... để làm đẹp hồ sơ mới kiếm được học bổng, trừ khi gia đình cho con du học theo kiểu tự túc 100%. Như vậy, chi bằng để các con có thời gian rèn giũa trong môi trường truyền thống của Việt Nam, không bị quên đi cái “gốc” của mình, sau này lớn rồi muốn bay nhảy ở đâu thì tùy. Mỗi lần nhìn hai đứa con ngoan ngoãn, lễ phép, học hành giỏi giang, tôi lại cảm thấy tự hào và tin tưởng vào quyết định mà mình đã lựa chọn.
Chia sẻ của độc giả Bình Nguyên (Hà Nội)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet