Nội dung

Chị Tuyết (làng Phú Đô, Mỹ Đình, Hà Nội) kể, bé trai nhà chị đã 10 tháng tuổi, hay ốm, lười uống sữa nên tăng cân chậm. "Đợt vừa rồi mọc răng con lười ăn nên lại sút mất 200g", người mẹ trẻ than thở. Bế con đi đâu nhìn thấy những bé trạc tuổi con mình mà bụ bẫm, tròn tròn là chị lại đến nắn tay, sờ chân ao ước "giá mà thằng này được như bạn thì tốt biết mấy. Mẹ khổ vì con quá".

Mong con to khỏe, chị Tuyết cũng chịu khó tìm hiểu các loại sữa giúp trẻ tăng cân, phát triển tốt, mua các loại thực phẩm ngon, bổ chế biến cho con. Dù thế, cậu nhóc nhà chị không thích sữa và ăn cũng không được nhiều. "Thằng em con nhà dì nó kém mấy tháng mà ăn bát bột to gần gấp đôi của con. Con chị cơ quan cũng 10 tháng, mỗi bữa uống được 180ml sữa, trong khi con mình thì đút thìa mãi mới được có 60ml", chị Tuyết kể.

Nghe người này mách, người kia chỉ, chị mua thuốc bổ, thực phẩm chức năng bổ sung kẽm, canxi... cho con uống để bé đủ chất, ăn ngon hơn... "Con hay phải uống thuốc nên cũng sợ uống mấy thứ này luôn, nhưng kệ con khóc, con lắc cũng vẫn phải cố gắng bổ sung cho bé. Thời đại này mà thấp bé nhẹ cân  thì làm nên trò trống gì", chị Tuyết nói.

Nỗi ám ảnh nuôi con béo mẹ mới đạt chuẩn
Ảnh minh họa: MT.

Một tay cắp nách con, một tay bưng đĩa bột sang nhà hàng xóm chơi cho con ăn được nhiều, chị Bình (khu đô thị bắc Linh Đàm, Hà Nội) phân trần: "Thằng này nhà em còi quá nên bữa nào cũng phải ép cho ăn hết đầy bát mới thôi". Khi một người cùng khu nhà nhìn bé nói "cháu bụ bẫm thế này, còi gì", chị Bình xua tay "7 tháng mà mới được 8,5kg thôi. Bạn Bi nhà bên cạnh 5 tháng đã được gần 9 kg rồi. Bọn trẻ mọc răng, hay ốm, dễ sút cân, giờ phải chăm cho đẫy, sau này có bị giảm chút còn đỡ xót".

Mỗi lần con vừa ốm xong, gầy hơn là chị Bình không muốn đưa con đi đâu vì ngại mọi người chê. "Em sợ nhất là đưa bé về quê. Thể nào bà nội và các bác cháu cũng mắng em là không biết chăm con", chị nói. Thực tế, khi bế con đi chơi, câu mà các bà mẹ có con nhỏ hay hỏi nhất là "cháu bao nhiêu cân". Và nhiều người chia sẻ, câu họ sợ nghe nhất là "hơi bé nhỉ" hay "Còi rồi, mẹ nó cho ăn uống thế nào mà lại vậy".

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Hoa, đường dây tư vấn 1088 TP HCM, nỗi ám ảnh sợ con gầy, nhẹ cân của các bà mẹ thường bắt nguồn từ sự so sánh con mình với trẻ khác. Thậm chí, một số người vẫn than con còi, trong khi bé đã ở ngưỡng sắp béo phì, thừa cân.

Tâm lý của người Việt nói chung và các bà mẹ nói riêng là vẫn thích trẻ bụ bẫm, mập mạp. Một số trẻ có thể chất khỏe mạnh bình thường nhưng không bụ có thể khiến người lớn lo lắng. Họ cũng nghĩ nuôi con béo khỏe mẹ mới đạt "chuẩn". Đôi khi chính những lời bình luận, thậm chí chì chiết của những người xung quanh tạo áp lực lên người mẹ. "Nhiều lúc mình ứa nước mắt khi nhận những lời trách móc của người nhà, họ hàng, kiểu như 'Cứ bỏ bê con, không chịu chăm đến nơi đến chốn, không ép cho con ăn nên nó mới còi cọc thế này", một người mẹ thổ lộ.

Theo nhà tâm lý, sự quan tâm, chăm bẵm của mẹ là tốt, nhưng khi quá ám ảnh, lo lắng các bà mẹ dễ đẩy áp lực cho trẻ, dẫn đến việc ép bé ăn, khiến con sợ ăn và việc cho ăn trở nên phản tác dụng. 

Thực tế, mỗi trẻ có cơ địa, khả năng hấp thụ thức ăn khác nhau hay do gen nên thể trạng cũng khác nhau. Nếu con vẫn ăn uống tốt, tăng cân đều, cân nặng trong chuẩn (theo bảng chuẩn quốc tế) thì mẹ không nên lo lắng. Thậm chí, ngay cả khi con lên cân chậm hơn, thậm chí sút cân trong một số thời điểm, như khi bắt đầu mọc răng, bị bệnh... thì cũng là bình thường. Sau đó, chăm sóc, cho ăn đúng cách, trẻ sẽ lại khỏe mạnh và phát triển đúng nhịp.

"Quan trọng là tạo cho con sức đề kháng tốt, thói quen ăn uống khoa học, thấy ăn uống là niềm vui chứ không phải nỗi sợ, và đặc biệt là tinh thần bé vui vẻ, thoải mái", nhà tâm lý chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, việc các bà mẹ quan tâm đến sự thấp còi, muốn tăng cân nặng, chiều cao cho con là tốt. So với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản... thanh niên Việt Nam vẫn thấp hơn 8-12cm. Tuy nhiên, theo bà, bố mẹ quan tâm để biết cách chăm sóc con phát triển toàn diện, chứ không phải vì những áp lực bên ngoài.

Bà Lâm cho rằng, để trẻ phát triển tốt nhất còn nuôi dưỡng đúng từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ, tức là ngay khi mang thai mẹ cần ăn uống tốt, bổ sung đủ vi chất... Trẻ chào đời cần được bú mẹ càng sớm càng sớm, được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ và sau đó ăn dặm cân đối, đầy đủ các nhóm thực phẩm. "Thời kỳ bào thai, 3 năm đầu đời và trước dậy thì thì những thời điểm cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển thể chất ở trẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý để trẻ phát triển tối đa tiềm năng thể chất", bà Lâm chia sẻ. 

Chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, các bà mẹ không nên so sánh con mình với trẻ khác, mà cần căn cứ theo tiêu chuẩn cân nặng, chiều cao cụ thể của quốc tế. Nếu trẻ không đạt theo chuẩn đó, kèm theo các dấu hiệu như biếng ăn, chậm tăng cân (2-3 tháng không tăng) thì nên đưa bé đi khám để tìm nguyên nhân và tư vấn các biện pháp khắc phục. 

Quan trọng là làm sao đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt để bé ít nguy cơ mắc bệnh, có như vậy mới phát triển chiều cao tốt được.

Vương Linh

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm