Bé Nguyễn Bạch Hải Phong mắc sởi biến chứng viêm phổi, cấp cứu ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (Hà Nội). Bé Phong sinh năm 2011, tên ở nhà là Ong, còn người mẹ tên Nguyệt Ca, một giảng viên tiếng Anh và là ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh. Dưới đây là nhật ký những ngày cùng con vật lộn với bệnh sởi giữa tâm dịch của chị.
Mẹ vừa tạt về nhà sau hơn 2 ngày quần thảo cùng con trong bệnh viện. Mẹ ghi nhanh lại vài dòng để sau này con đọc lại, biết được gã sởi đáng ghét đã ghé thăm nhà mình và làm con khó chịu như nào.
29 tháng tuổi con chưa được tiêm phòng sởi, không phải vì mẹ con chủ quan, hay sợ hãi khi có nhiều ca tử vong do tiêm chủng gần đây. Chỉ vì hiếm có lúc nào con khỏe để đi tiêm.
Ngày 15/4
Chiều 15/4, sau khi đi học về con bị sốt, tai trái chảy dịch. Mẹ chỉ nghĩ con sốt vì viêm tai trái như mọi lần. Chiều 16/4, mẹ đặt được lịch hẹn với bác sĩ vẫn khám cho con ở Bệnh viện Việt Pháp. Bác sĩ kiểm tra tai mũi họng và kết luận con vẫn bị viêm tai trái như mọi lần. Mẹ cũng lo lắng tâm sự với bác về bệnh sởi, sợ con bị viêm tai thế này, miễn dịch kém. Bác sĩ động viên mẹ không phải lo lắng. Bác kê loại kháng sinh, long đờm, thuốc nhỏ tai, với thuốc hạ sốt. Ngay lập tức, mẹ khuân về một cân hạt mùi già để tắm cho con và cả nhà, chỉ cốt để yên tâm.
Hai đêm tiếp theo con vẫn tiếp tục sốt cao. Trên mũi con bắt đầu xuất hiện các nốt đỏ li ti, lan xuống cằm. Mẹ cố gắng lạc quan nghĩ rằng con chỉ bị sốt phát ban.
Bệnh viện quá tải với số lượng bệnh nhân nhiều. |
Ngày 18/4
Sáng 18/4, mẹ hoàn toàn lạc quan khi thấy các nốt đỏ mờ đi. Chiều hôm đó, mẹ yên tâm đến công ty giải quyết công việc. Đến 18h, bố gọi điện báo con đã mọc thêm nốt sau tai, vùng da quanh mắt đỏ ửng, hơi chảy nước mắt. Mẹ hốt hoảng nhờ cô giáo khác dạy thay để về với con. Con vẫn sốt cao, cáu kỉnh, khó tính và bám riết lấy mẹ.
Mẹ chưa nghĩ là sởi nên không dám cho con đi viện vì sợ lây chéo, cố gắng tìm kiếm thông tin bác sĩ nhận khám tại nhà. Mẹ gọi điện cho một người bạn là bác sĩ, kể triệu chứng và xin lời khuyên. Cô bảo 80% con bị sởi rồi.
Tới 23h đêm hôm đó, con sốt 40 độ. Mẹ cho uống hạ sốt, rồi không thể chờ thêm, đưa con vào Bệnh viện Việt Pháp. Bình thường Bệnh viện Việt Pháp lúc 23h vắng hoe, nhưng hôm ấy đông bất thường. Ai cũng đeo khẩu trang, còn nhân viên y tế thì lắc đầu ngán ngẩm "Lại sởi à?". Y tá nói trước với mẹ: "Chị ơi bệnh viện hết sạch giường rồi, nếu cháu bị sởi thật, chúng em phải cho chuyển viện sang Bệnh viện Nhiệt đới". Từ lúc con sinh ra, chưa bao giờ ở đây hết giường. Mẹ thực sự lo lắng và nhận ra sự bùng phát kinh khủng của dịch sởi , gấp nhiều lần những gì đọc thấy trên Internet 3 tuần nay.
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ kết luận 100% con bị sởi. Bác bảo phổi con vẫn bình thường, không cần nằm lại. Cả nhà lại đi về. Con thậm chí còn nô đùa như giặc, vít cổ mẹ xuống bắt thổi vào bụng, cù con và cười sằng sặc cả tiếng đồng hồ sau đó, khiến mẹ khá yên tâm.
2h sáng con mới chịu ngủ. Bố mệt quá, cũng thiếp đi. Mẹ thao thức, vào mạng tìm thêm thông tin để chăm sóc con những ngày tới. Bỗng chừng 10 phút sau khi con bắt đầu ngủ, mẹ thấy toàn thân con run cầm cập, hơi thở gấp và phát ra những tiếng nấc, môi tím tái. Mẹ lay bố dậy, bố còn bảo: "Đâu, lần nào nó sốt cao chẳng thế, mình không để ý thôi". Nhưng bản năng người mẹ mách bảo có gì đó rất không ổn. Mẹ vơ vội ít đồ, gọi taxi vào thẳng Bệnh viện Nhiệt đới.
Tới phòng cấp cứu cỡ gần 3h sáng, mở chăn ra thì toàn thân con tím ngắt, vẫn run. Bác sĩ trực nói có khả năng con bị sởi biến chứng sang phổi. Con được đưa vào chụp X-quang, rồi nhập viện ngay trong đêm. Trong lúc chờ, mẹ gọi đến Bệnh viện Vinmec, Hồng Ngọc, nơi đâu cũng báo hết giường vì bệnh nhân sởi quá đông, kể cả khoa khám chữa theo yêu cầu của bệnh viện nhiệt đới cũng phải đăng ký tên xếp hàng. Lúc này có tiền cũng không giải quyết được việc gì.
Nhìn vào khoa Nhi nơi con sắp vào nằm, thấy la liệt chiếu ngoài hành lang chật chội. Trong phòng mỗi giường có 2-3 cháu nhỏ, mỗi cháu một mẹ nằm bên, bố hoặc bà nằm hành lang hoặc bất kỳ chỗ nào trống trong phòng. 4h sáng, con chính thức được đặt lưng xuống giường, được truyền nước, hạ sốt. Thoáng cái trời đã sáng, rồi trưa, rồi chiều... Cuộc chiến của cả nhà mình với bệnh sởi giờ mới chính thức bắt đầu.
Căn phòng 60 m2 nhưng có tới 40-80 bệnh nhân, người nhà chen chúc. |
Ngày 19/4
Con trai mình đang nằm ở một trong những bệnh viện là trung tâm của dịch sởi. Hơn 300 ca, không ít là người lớn. 3-4 cháu ghép một giường, cộng thêm 1-2 bố mẹ đi cùng. Phòng 7 giường, vị chi 40-80 con người chen chúc thở chung và có khả năng lây chéo bệnh trong một căn phòng chừng 60 m2.
Đêm qua ngoài con còn có một bạn mới, sáng nay 3 bạn mới. Và mẹ vừa chứng kiến một bạn chỉ mới hơn 2 tháng tuổi ngừng thở, được chuyển sang Bạch Mai. Mẹ phải chạy ra ngoài giấu nước mắt xót xa và sợ hãi.
Ngày 20/4
Hôm nay, Ong của mẹ ho nhiều hơn, nhịp thở nhanh và bị trớ mấy lần. Bác sĩ nghe phổi bảo không đáng ngại, tiếp tục điều trị kháng sinh.
Con vào viện lúc 4h sáng thứ bảy, tức là thời gian đầu, con nằm đúng vào 2 ngày cuối tuần. Lực lượng y tế mỏng và kiệt sức, đến nỗi cũng không thể thông báo chính thức cho phụ huynh là con họ bị sởi bội nhiễm sang đâu và mức độ nghiêm trọng như nào, mà chỉ cho phác đồ điều trị và thuốc.
Bệnh viện có 3 máy khí dung thì bị hỏng một. Tối qua 1h, Ong đang ngủ còn bị dựng dậy chạy khí dung vì lúc đó mới tới lượt. Hôm đầu vào viện, có một cháu bé 2-3 tháng tuổi bị sởi biến chứng sang viêm não, bị ngừng thở, lúc mọi người đang cuống cả lên cấp cứu, ngó vào phòng thuốc còn thấy các điều dưỡng vây quanh một bình ôxy bị hỏng van, mãi không mở được. Bác sĩ, y tá mệt mỏi vì quá tải, 14h còn chưa được ăn cơm trưa...
Bé Ong lúc khỏe mạnh (trái) và khi mắc sởi. Từ lúc bé Ong vào viện, chị Nguyệt Ca chưa nhìn thấy nụ cười của con. |
Từ hôm qua đến giờ, Bệnh viện Nhiệt đới tiếp nhận cỡ 15 ca sởi mới. Số các cháu được ra viện hoặc tự xin về ngoại trú không đáng kể. Phòng này thì cỡ 30 ca sởi, phòng bên cạnh thì toàn bệnh nhân cúm và có xu hướng tăng nên các bố mẹ lại có thêm mối bận tâm về bệnh mới: Cúm. Dù riêng phòng nhưng chung hành lang, chung toilet nên có thể sởi lây cúm, cúm lây sởi. Ngay trong phòng Ong cũng có trường hợp đã tiêm đủ mũi nhưng vẫn mắc sởi, còn bị biến chứng sang phổi.
Số bệnh nhân trên một giường đã đến 4-5 người. Các bệnh nhân đang điều trị viêm phổi và các biến chứng khác sau sởi được vận động sang phòng bên cạnh, nơi có các bệnh nhân điều trị viêm phổi sau cúm để dành chỗ cho số bệnh nhân sởi mới vào. Dù biết bệnh viện chỉ có ngần ấy giường, nhưng ai cũng hoang mang, lo con mình vừa dứt sởi, hệ miễn dịch kém, lại sang chung phòng bệnh nhân cúm.
Phòng sởi vừa có một bạn mới vào. Vậy giường Ong là 4 bạn rồi. Bạn này lên sởi, sốt, lặn ban ở nhà. Cả nhà chăm, kiêng rất kỹ, tưởng đã đẩy lùi sởi rồi. Hôm nay lại lên cơn co giật, run lẩy bẩy và ho nhiều nên cả nhà cấp cứu. Virus biến chứng nhiều lắm các bố mẹ ạ. Không phải lặn ban đã là an toàn đâu ạ.
Ngày 21/4
Vào viện từ rạng sáng thứ bảy, tới sáng thứ hai, Ong mới được bác sĩ điều trị khám cặn kẽ và cho biết: "Con bị viêm cả phế quản và phổi", đúng như mẹ dự đoán. Bác sĩ bảo: "Phổi con đang tiến triển tốt", cũng làm mẹ bớt lo phần nào.
Con đang là bệnh nhân có khuôn mặt "kinh dị" nhất phòng, vì các bạn khác đều mọc ban, rồi lặn ban gần xong mới biến chứng sang phế quản, phổi. Còn Ong thì mọc ban chậm, sang ngày thứ 5 rồi mặt vẫn sưng vù, đỏ lựng, da mặt và môi khô nứt nẻ đóng thành từng tảng vẩy.
Bản năng nghề nghiệp của một người luôn tha thiết tâm huyết với những hoạt động thiện nguyện, đang chăm con mà mẹ vẫn đau đáu nghĩ mãi không biết có giúp gì được cho chính mình và cho những bà mẹ khác đỡ khổ hơn trong giai đoạn "tâm bão" này không? Ví như ở viện Nhiệt đới đây thôi, cũng có rất nhiều thứ mà cộng đồng có thể chung tay giúp bệnh viện kiểm soát và hạn chế dịch như tăng cường thùng rác trong nhà vệ sinh. 200 con người dùng chung một toilet ngăn 2 khu, thậm chí còn không có biển chia khu nam - nữ, luôn trong tình trạng tắc, hỏng, nhớp nháp vì người dùng thiếu ý thức vứt giấy cứng, nilon gây tắc trong khi toilet không có thùng rác, cũng không có các biển báo nhắc nhở, hướng dẫn.
Hoặc cần đặt các giỏ đựng khẩu trang y tế ở hành lang công cộng để bệnh nhân lấy miễn phí, tự bảo vệ mình. Rồi bệnh viện cần có các máy khí dung để các cháu thở, chưa nói đến khả năng có thể bị thiếu các thiết bị khác mà mình không được biết. Y bác sĩ đã hết sức hết mình rồi, nên đôi lúc thấy họ hơi cao giọng với bệnh nhân, mình cũng thấy xót xa thông cảm giùm. Mẹ đã nghĩ sẽ lên xin gặp bác sĩ trưởng khoa hỏi thăm xem bệnh viện thiếu gì, cần hỗ trợ gì từ cộng đồng...
Ngày 22/4
Ngày thứ 4 trong tâm bão sởi. Hôm qua Bộ trưởng Y tế đi vi hành bệnh viện. Hôm nay một số bệnh nhân được phát survey 3 trang về sởi. Một động thái không tệ tuy đã khá muộn.
Các nốt ban của Ong đã mọc xuống chân, vẫn sốt 40 độ mấy, nhưng mặt đã bớt đỏ, môi bớt khô nứt, các nốt sởi một số đã khô se, đóng vảy nâu. Chàng ngứa ngáy cứ lấy tay sờ vảy như sờ râu, mặt rất suy tư. Sáng nay bác sĩ khám nói phổi con tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn cho thêm thuốc kháng sinh truyền. Nếu ban mọc hết xuống chân mà chưa hết sốt thì tức là có biến chứng.
Sáng nay ông ngoại đã đem máy khí dung của Ong vào cho con dùng, đồng thời cho các bạn khác trong khoa mượn dùng chung. Bệnh viện hai hôm nay chỉ có một máy vì 2 máy kia hỏng, nên các bạn phải xếp hàng, Ong tới 1h đêm mới tới lượt. Có thêm máy của Ong là giảm tải cho các cô y tá đi một chút.
Trưa nay các bác sĩ lãnh đạo khoa hẹn mẹ Ong lên họp sau khi mẹ đề xuất gây quỹ cho khoa mua thêm trang thiết bị đang thiếu: máy khí dung, máy thở, bơm tiêm điện... Có thêm thiết bị, bác sĩ cũng đỡ quá tải. Có nhiều tiền, ta còn có thể hỗ trợ thêm cho các gia đình nghèo có con bị sởi biến chứng nặng, mà mẹ Ong chứng kiến không ít trong viện Nhiệt đới này. Biết rằng trách nhiệm này lẽ ra thuộc về Bộ Y tế, nhưng cứu người như cứu hỏa, chi bằng ta cứ tự lo cho con cháu mình trước, các bố mẹ nhỉ?
Mẹ Ong sẽ tìm thêm một cộng sự giúp trong việc gây quỹ này, và sẽ thông tin cho các bố mẹ sớm. Mong nhận được sự ủng hộ của các bố mẹ. Mong các con mạnh mẽ vượt qua đại dịch này.
Viết cho Ong tồ và mong con mau khỏe, mau cười. Từ lúc con vào viện đến giờ, mẹ chưa nhìn thấy nụ cười của con...
Nguyệt Ca
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet