Từ khi Đỗ Nhật Nam còn ẵm ngửa, chị phan hồ điệp đã dạy con bằng sự nhẹ nhàng, tinh tế theo kiểu "lạt mềm buộc chặt" và những thành tích đặc biệt mà em đạt được ngày nay đã chứng minh phương pháp của chị hiệu quả. Dưới đây là chia sẻ của chị Điệp về cách ứng xử hài hước để con nhận ra và tự sửa lỗi.
Chuyện 1
- Chị ơi, hôm qua Nam không làm bài tập Toán về nhà chị à. Em hỏi con là tại đề khó hay tại con không thích làm. Nam bảo: Cô ơi, không phải cả hai, chỉ vì con muốn vào mạng để đọc sách nên không còn thời gian để làm bài.
- Ôi vậy hả, chị cảm ơn em đã thông báo. Chị sẽ nhắc nhở Nam em nhé.
.........
- Mẹ ơi, sao em không mở được wifi nhà mình thế mẹ?
- À mẹ đổi mật khẩu rồi, mật khẩu mới mới đây em này.
- Cái gì thế mẹ? Mẹ đùa em à?
- Không, mẹ không đùa đâu. Mật khẩu là đề bài toán mà hôm qua em "quên" không làm đó. Em giải xong, kết quả chính là mật khẩu luôn đó em à.
- Mẹ đúng là bà mẹ "bá đạo" đấy!
Chị Phan Hồ Điệp và con trai Đỗ Nhật Nam. Ảnh: NVCC. |
Chuyện 2:
- Mẹ ơi, mẹ mua giày cho em nhé. Mà phải hãng giày "xịn" mẹ nhé. Hãng Nike đấy, em thích lắm.
- Ừ, mẹ mua. Em thích hãng đó thật hả, em đã đi bao giờ đâu nhỉ?
- Cần gì phải đi mẹ ơi, em thấy các bạn trong lớp đi, đẹp lắm mẹ ạ. Các bạn toàn dùng hàng xịn thôi.
- Ừ, thế hả em. Mà em ơi, ngày mai mẹ đi thẩm mỹ đấy.
- Khiếp, mẹ lại còn đi thẩm mỹ nữa. Thế mẹ định làm gì?
- Mẹ đọc trên báo, thấy nhiều cô gái đi thẩm mỹ nâng mũi, gọt cằm xong đẹp lung linh. Mẹ định đi thẩm mỹ... não. Chứ dạo này mẹ hay quên lắm.
- Ái chà, mẹ cao tay đấy. Em biết thừa rồi, mẹ lại muốn nói nội dung hơn hình thức chứ gì. Thôi, mẹ mua giày gì cho em cũng được.
Chuyện 3:
- Mẹ ơi, em chán học lắm rồi. Cứ ngồi viết viết, chép chép chả có gì hay. Sau này khi học đến cấp ba, em sẽ nghỉ học một năm để đi khắp đó đây mẹ ạ.
- Thế cơ á, cho mẹ đi cùng nhé.
- Vâng tất nhiên rồi mẹ. Mà mẹ ơi, bây giờ em nghỉ học, mẹ chơi cùng em nhé. Chơi một mình chán lắm.
- Ừ, chơi một mình chán thật. Nhưng em đợi mẹ nhé. Mẹ đang làm dở tí.
- Mẹ làm gì thế, có lâu không?
- À, chả là kể từ lúc em ra tuyên bố chán học, phần mềm "nỗi buồn" tự download vào lòng mẹ, nên mẹ phải ngồi yên, khéo mà được 95% rồi em à.
- Hí hí, thôi thôi mẹ ơi, mẹ hủy cái phần mềm đó đi, em học tiếp đây.
Kể lại một vài đoạn hội thoại của mình và Nam, để thấy Nam không phải lúc nào cũng ngoan, lúc nào cũng nghe lời. Có rất nhiều lần Nam cũng mắc lỗi. Thông thường trước mỗi tình huống đó, mình hạn chế đến mức tối đa sự nóng giận, bắt bẻ (nhiều lúc cũng khó lắm). Và mình "xử lý" những tình huống gặp phải bằng cách:
- Không bao giờ phủ định ngay ý kiến của bạn ấy. Ví dụ khi Nam kêu chán học, mình không lên giọng: Sao lại chán học, phải học thì mới nên người được chứ... Bao giờ mình cũng hỏi lại chính ý kiến của bạn ấy vừa nêu ra, như một cách để thăm dò: Ừ, con chán học à, vì sao thế?... Mình nghĩ, việc đặt câu hỏi này như một sự chờ đón để nghe những giãi bày tiếp và duy trì cuộc hội thoại trên tinh thần hợp tác.
- Cố gắng để hài hước. Trong mọi tình huống khó khăn, hài hước bao giờ cũng là cách để "hóa giải" mọi việc nhẹ nhàng nhất (kể cả lúc cãi nhau với chồng). Nên mình cố gắng tìm cách nói để Nam thấy vui vẻ mà vẫn hiểu ra vấn đề.
Thực ra, mình nghĩ nuôi bất kỳ một đứa trẻ nào cũng như đi trên một quãng đường. Không ai hứa sẽ cho bạn một hành trình hoàn toàn bằng phẳng. Cứ vui vẻ, bình tĩnh đón nhận những thử thách mà con bạn đem lại. Chỉ khi nào chúng ta nghĩ rằng con đường lúc nào cũng phải phẳng thì khi ấy mỗi cục đá chúng ta gặp sẽ đều như "một cuộc tấn công".
Trong mọi lúc, mình luôn nhớ đến câu này: Dí dỏm mang đến sự sáng suốt và lòng khoan dung. Và mình luôn tin, điều đó đã nằm sẵn trong trái tim mỗi người mẹ.
Phan Hồ Điệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet