Nội dung
Thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) nằm dọc hai bên quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn, Bờ Đậu là làng bánh chưng nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được bè bạn nước ngoài ưa chuộng, đã tồn tại và phát triển từ những năm 1980 đến nay.

Cả trăm hộ trong làng theo nghề

Đến đầu làng Bờ Đậu, chúng tôi đã thấy không khí khác hẳn. Ngôi làng như ấm hẳn lên bởi lúc nào, giờ nào cũng đều có bếp lửa đỏ rực luộc bánh. Ở đầu làng, gắn biển: “Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu kính chào quý khách”. Thương hiệu làng nghề đã được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận.

Cụ bà Nguyễn Thị Tâm gói bánh chưng đầu tiên ở Bờ Đậu, đến nay đã theo nghề 30 năm, kể: “Khi xưa, Bờ Đậu còn hoang vu nghèo lắm, đói kém và loạn lạc nhưng dân làng chúng tôi vẫn giữ được nghề của cha ông, không bỏ một ngày nào”. Theo ông Nguyễn Văn Luận, trưởng thôn Bờ Đậu thì làng bánh chưng này đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước và phát triển, tồn tại cho đến ngày nay. Hiện cả làng có gần 100 hộ dân theo nghề và mưu sinh bằng công việc này.

Làng bánh chưng quanh năm đỏ lửa

Người làng nghề gói bánh chưng lâu năm nên thành thục, không cần khuôn mà bánh luôn vuông vức và đều đặn

Gia đình anh Bùi Văn Bình nối nghiệp làm bánh chưng đến nay là đời thứ ba rồi. Anh Bình cho biết, gia đình anh có bốn người và nhờ thêm ba người nữa hàng ngày gói bánh cho kịp bán. Thu nhập từ làm bánh chưng cũng kha khá, đủ trang trải cho cuộc sống.

Muốn có bánh ngon, dân làng Bờ Đậu phải lên mãi Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Định Hoá (Thái Nguyên) để mua gạo nếp về. Thứ gạo nương, dẻo, hạt mẩy tròn, trắng tinh được họ chọn về gói bánh. Lá gói bánh phải là lá rong to bản, tươi xanh ngắt, rửa sạch bóng, được ngắt từ những đỉnh núi cao của Định Hoá, nước luộc bánh chưng phải là nước suối nguồn lấy từ trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu.

Làng bánh chưng quanh năm đỏ lửa



Thương hiệu làng nghề được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận



Bánh xanh thơm nhờ nước suối đá

Cho bánh ngon còn ở cách chế biến, gạo nếp gói bánh được ngâm, đãi, lọc qua ba lần nước, sau đó để ráo. Đỗ làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi đãi sạch và đồ chín, sau đó nắm tròn thành từng chiếc nhỏ cho từng cái bánh. Nhân thịt lợn ba rọi tươi, luộc mềm, thái dày, trộn hạt tiêu Bắc. Chúng tôi thắc mắc tại sao lại không gói bằng đậu và thịt sống? Dân làng bảo, như thế bánh sẽ nhanh ôi thiu dưới nhiệt độ hanh nồm. Thế mới biết vì sao bánh chưng Bờ Đậu để được tới 4 – 5 ngày mà vẫn dẻo thơm.

Người Bờ Đậu gói bánh chưng chẳng cần khuôn mà bánh vẫn vuông vắn, cái nào cũng giống nhau như cùng một khuôn. Ngay cả khâu làm nhân bánh cũng phải khéo lắm mới đều đặn được. Miếng thịt nửa nạc, nửa mỡ luộc mềm, thái to bản gập đôi nhét vào giữa lòng đỗ vàng ươm.

Sau khi bánh gói xong, người ta dùng những nồi phi to luộc bánh. Họ bảo, phải luộc bằng nước suối đá thì bánh mới xanh và thơm ngon, nếu luộc bằng nước giếng, bánh sẽ bị vàng và chín không đều. Dân làng luộc bánh cả đêm, canh chừng châm thêm nước đều đặn cho bánh chín đều. Thời gian 8 – 10 tiếng đủ cho bánh chín đều từ trong lõi ra ngoài, thịt mỡ ngấm đều thân bánh tạo độ béo.

Chiều nào cũng vậy, những hộ dân ở hai bên đường làng Bờ Đậu lại đồng loạt gói bánh. Đâu đâu cũng xanh tươi một màu lá dong, trắng mẩy hạt gạo nếp... Rồi tối đến, những nồi phi đưa lên bếp than đỏ rực, sôi sình sịch cả đêm. Sáng hôm sau, những mẻ bánh thơm phức được vớt ra. Cứ như thế, nhịp sống ở Bờ Đậu từ lâu vẫn theo làn khói nghi ngút của những nồi bánh chưng mà đi lên.

Người qua đường từ Hà Nội, Cao Bằng, Tuyên Quang qua Bờ Đậu không quên dừng lại mua vài cái bánh chưng về làm quà. Ngày tết thì đông hơn bởi các chủ nhà hàng ở Hà Nội lên đặt hàng số lượng nhiều để phục vụ tết. Theo những dân làng ở đây, trước tết Nguyên đán hàng năm, Việt kiều đặt hàng ngàn chiếc bánh mang sang phục vụ cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Làng bánh chưng Bờ Đậu đã làm ấm lòng du khách bằng những bếp lửa hồng trong mỗi gia đình không lúc nào tắt.

Theo Nguyễn Thế Lượng (Sài Gòn tiếp thị)

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Bún ốc

Bún ốc là món ngon của đất Hà thành. Bớt chút thời gian, bạn có thể tự nấu món này tại nhà vào ngày nghỉ cuối tuần.

Xem thêm  

Sò huyết Ô Loan

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) từ lâu nổi tiếng là thắng cảnh của miền trung. Nơi đây cũng nổi danh với món sò huyết ngọt, béo làm say lòng bao du khách.

Xem thêm  

Cá ám rau cần

Cá ám là món ăn truyền thống của nhân dân vùng Nam Trực, Trực Ninh. Để có món ăn này, cần chuẩn bị cá quả tươi, rau cần và một số gia vị khác.

Xem thêm