Hiện nay món heo giả cầy được rất nhiều người ưa thích vì hương vị đặc trưng, ngon miệng, một món ăn bình dân nhưng chỉ tốn công và thời gian chế biến nhiều hơn. Chính khẩu vị nêm nếm của người nấu mới là yếu tố quyết định chất lượng món ăn, hướng dẫn hàm thụ chỉ có giới hạn nhất định. Khi ăn, múc ra dĩa, cho đậu phộng rang lên, trang trí vài nhánh ngò. Dùng với cơm nóng, bún, bánh mì… đều ngon miệng với hương vị rất riêng.
Để ướp nồi giả cầy phải dùng đến hơn chục loại gia vị và ướp khoảng một tiếng cho ngấm
Với cách làm món giả cầy miền Trung (không bỏ mẻ) thì chân giò heo, móng giò, nướng trên bếp lửa than hoặc rơm rạ khô cho da trở vàng sậm, thịt hơi săn lại, nướng kỹ phần móng để có thể đập bỏ vỏ sừng của móng, sau đó cạo và rửa sạch. Thịt cắt miếng bằng bao diêm. Phần móng chẻ đôi, chặt thành khúc nhỏ. Sau đó cho củ sả, củ riềng thái mỏng, càri bột, ngũ vị hương, một ly nhỏ rượu trắng, nước mắm ngon, muối, bột nêm, mắm tôm, đường phèn, tiêu, bột nghệ, hành tỏi giã nhỏ, đảo đều hỗn hợp và ướp khoảng một giờ cho thịt ngấm ngáp gia vị.
Bắc lên bếp lửa rực xào săn thịt, cho một hoặc hai trái nước dừa tươi vào (tuỳ lượng thịt) đun lửa lớn đến khi sôi vớt hết bọt, hãm nhỏ lửa ninh đến khi cạn gần hết nước còn khoảng 1/3 là vừa. Thịt, da và gân vừa mềm tới, nêm nếm lại cho hợp khẩu vị, không nên ninh rục quá sẽ không ngon, dễ đâm ra ngán; nước giả cầy phải sền sệt. Đó là bí quyết và sự độc đáo của món “giả cầy”.
Thường dùng với rau sống nhưng nhiều người miền Trung ăn kèm thịt heo giả cầy với dĩa lá mơ và chén mắm tôm y như ăn với món thịt chó thật thơm, thú vị và ngon miệng. Chính những sự thay đổi thường xuyên từ nguồn thực phẩm, hương vị và cách chế biến sẽ làm cho những bữa ăn luôn được cải thiện; gia đình, bạn bè, đám tiệc cùng ngon miệng qua hương vị là lạ riêng biệt của món giả cầy.
Theo Mỹ Nhân (Sài Gòn tiếp thị)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet