Chị Hoa (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết, vợ chồng chị làm ăn buôn bán lớn, công việc "ngập đầu ngập cổ" nên không có nhiều thời gian quan tâm đến con cái. Trong gia đình chẳng có ai ngoài đứa con trai duy nhất mà vợ chồng luôn tin tưởng nên chuyện cất giữ tiền bạc rất dễ dãi. "Vợ chồng tôi cứ tiện tay chỗ nào là bỏ tiền đó, có khi tiền lẻ cũng có khi là tiền trăm. Giờ nghĩ lại tôi mới thấy có lẽ vì thế mà cháu sinh tật lấy trộm tiền", người mẹ thở dài kể.
Ảnh minh họa: wp. |
Mấy hôm trước, chị tình cờ mở cặp sách của cậu con trai 10 tuổi để xem tình hình học tập thế nào, thấy có rất nhiều tiền, cả tờ mệnh giá 500.000 đồng. Sốc, chị âm thầm theo dõi thì thấy bé thường lấy trộm tiền mang đến trường rủ nhóm bạn ăn sáng, mua đồ chơi….
"Vợ chồng tôi rất lo, nếu cứ tình trạng này thì cháu sẽ hư mất. Đánh con thì thương nhưng ghét cái thói trộm cắp. Thực sự bây giờ tôi rất sốc , không biết giải quyết chuyện này thế nào nữa”. chị Hoa giãi bày.
Bé Thùy con của chị Trâm (Đồng Nai) lại hay nói dối người lớn. Mới 12 tuổi cháu thường xuyên nói dối cha mẹ hết việc này đến việc khác, từ tiền bạc, bạn bè, mua đồ, việc học, đi chơi. Người mẹ bảo: "Tôi đã dùng hết biện pháp từ chửi bới đến khuyên bảo nhẹ nhàng mà nó vẫn không chừa. Biết là những chuyện nói dối của con không phải việc tày trời nhưng tôi lo lắng chuyện này cứ lặp lại thì cháu sẽ hình thành thói quen xấu khi lớn lên".
Từng tư vấn nhiều trường hợp cha mẹ "bó tay" trước thói quen xấu của con tương tự, chuyên gia tâm lý Trần Đăng Thảo, Văn phòng TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM nhìn nhận, khi phát hiện tật xấu của con, đa phần cha mẹ đều cảm thấy sốc, thất vọng về con và lo lắng cho sự phát triển nhân cách của trẻ về sau. Phản ứng chung của người lớn thường là nói chuyện, nhắc nhở, khuyên răn mà trẻ không nghe thì chửi mắng, phạt và đánh. Rất ít phụ huynh bình tĩnh tìm hiểu xem động cơ nào dẫn đến việc trẻ có những thói quen xấu đó.
Trong một khảo sát về cách xử sự khi phát hiện con hư của VnExpress.net, 481 độc giả tham gia ý kiến. Có gần 43% (206 người) cho biết sẽ đánh đòn trẻ, gần 32% phạt trẻ đứng vào góc nhà trong thời gian nhất định, khoảng 20% phạt úp mặt vào tường, số còn lại phạt bỏ đói không cho tiền ăn hoặc nhốt vào toilet.
Kết quả khảo sát trên VnExpress.net ngày 19/10. |
Theo các nhà nghiên cứu về tâm lý, trẻ ở tuổi dậy thì cùng với sự thay đổi và phát triển đột ngột về mặt tâm sinh lý thì đồng thời cũng xuất hiện một số tật xấu điển hình như nói dối, ăn trộm vặt. Mức độ phạm phải nhiều hay ít còn phụ thuộc vào từng môi trường trẻ sống.
Một số nghiên cứu giải thích rằng: Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, tâm ý muốn trở thành người lớn, được thừa nhận, được tôn trọng, muốn khẳng định mình, muốn được tự do làm những gì mình thích. Từ đó chúng nghĩ ra những “chiêu trò” hòng thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Chẳng hạn như: Nói dối cha mẹ là đi học để trốn đi chơi với nhóm bạn, lấy trộm tiền của cha mẹ cho bạn bè để được chơi cùng nhóm và để được bạn bè “nể trọng”.
Đây là nhu cầu muốn khẳng định mình và được thừa nhận. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác tác động làm nảy sinh những tật xấu của trẻ như trẻ sống trong môi trường người lớn hay nói dối, ăn cắp, gia đình quản lý đồng tiền lỏng lẻo…
Trong trường hợp trên, nhà tâm lý Đăng Thảo khuyên, phụ huynh khi phát hiện tật xấu của con không nên vội bực tức, mất kiên nhẫn. Hãy bình tĩnh tìm hiểu động cơ nào mà con có tật xấu đó. Có thể ở tuổi này trẻ thường lấy tiền, nói dối cha mẹ nhằm để có nhiều “chiến hữu” theo mình. Đây là biểu hiện sâu xa của tâm lý muốn khẳng định mình trong nhóm bạn, muốn được thừa nhận và tôn trọng của những bạn bè cùng trang lứa và tự do làm những việc mình thích mà không chịu sự kiểm soát của cha mẹ, người thân.
Vì vậy, thay vì cứ đưa tiền cho trẻ thì cha mẹ nên “khoán” những việc bé có khả năng làm để nó dần hiểu rằng: để có đồng tiền thì phải chính từ mồ hôi, sức lao động mới có. Khi trẻ lớn lên sẽ hiểu được giá trị của lao động. Từ đó có thể giao việc cho bé làm rồi cha mẹ thưởng bằng một số tiền nào đó. Lưu ý không nên thưởng quá nhiều.
Khi phát hiện ra trẻ trộm tiền hoặc nói dối, thay vì trách mắng làm ầm ĩ hoặc làm bẽn mặt con ở nơi có người ngoài thì nên đưa bé vào chỗ riêng để phân tích cho trẻ hiểu rằng đây là hành động xấu, không tốt và rất xấu hổ nếu để mọi người biết. Có thể cho trẻ thấy hậu quả nếu ba mẹ phát hiện chuyện này một lần nữa, đồng thời nhấn mạnh rằng ba mẹ không mong muốn điều ấy sẽ xảy ra nữa và tin rằng con sẽ làm được. Sau đó nên khen, động viên trẻ khi chúng thực hiện được những yêu cầu của mình.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia tâm lý Đăng Thảo, cha mẹ hãy xem lại nơi mình cất giữ tiền bạc. Nếu thấy quá lỏng lẻo thì nên tìm cách khác làm sao để bảo đảm con bạn không thể lấy nữa trong trường hợp mình không có ở đó.
Điều phụ huynh có con ở độ tuổi này nên nhớ là con bạn đã lớn. Chúng cũng có nhu cầu giao tiếp, tâm sự với bạn bè ngoài gia đình. Thay vì cấm cản, khắt khe với con thì nên cho trẻ được đi chơi vào những ngày nghỉ hay cuối tuần với một thời gian cố định do cha mẹ đặt ra. Thường thì trẻ nói dối vì người lớn quá khắt khe, luôn muốn kiểm soát con nên không làm sao được trẻ đành nghĩ ra chuyện nói dối để thỏa mãn nhu cầu của mình.
"Cha mẹ nhiều khi quên rằng mình đang ứng xử và giáo dục một đứa trẻ 'lớn' nên áp đặt con phải theo ý mình. Thay vì vậy, hãy dạy trẻ sự độc lập, tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình, phân tích cho trẻ đúng sai và hãy để con lựa chọn trong sự nâng đỡ, khích lệ, đồng thời cho thấy rằng cha mẹ luôn tôn trọng và lắng nghe con", chuyên viên Đăng Thảo khuyên.
Thi Trân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet