Nội dung

"Có nên cho trẻ học viết chữ và tập đọc trước khi vào lớp 1 không? Bạn bè tôi có người cho rằng nên vì khi vào lớp 1, giáo viên không dạy rèn viết và tập đọc nên trẻ không theo kịp bạn, bị hụt hơi. Cũng có người lại cho rằng không nên vì học trước khi vào lớp 1 trẻ sẽ lười học, và quan trọng hơn là làm cho trẻ sợ học vì hè phải lo đi học thêm?".

Câu hỏi này của một độc giả cũng là thắc mắc chung của nhiều bậc cha mẹ. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc đó.

Ép con học chữ sớm là làm hại trẻBé có thể rèn luyện sự khéo léo của đôi tay qua tô màu - Ảnh: B.T

Muốn con học hòa đồng được cùng các bạn đồng thời con thích học, chăm học là một mong muốn rất đáng trân trọng của các bậc cha mẹ.

Trong trào lưu cho trẻ học trước khi vào lớp 1 hiện nay, nhiều cha mẹ đã không cân nhắc kỹ, bắt con học sớm, chạy đua vào lớp 1… Và kết quả thực tế là trẻ học giỏi đâu chưa thấy, chỉ thấy phổ biến tình trạng thầy cô và cha mẹ kêu trẻ chủ quan, chán học vì đã học trước rồi, sợ học vì thấy học căng thẳng từ bé. Mỗi ngày đi học làm mệt mỏi cả cha mẹ và con chứ không thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Cho đi học trước chương trình lớp 1 với một mô hình lớp học và cô giáo như khi trẻ vào lớp 1 là không cần thiết, thậm chí còn gây hại cho trẻ.

4-5 tuổi là giai đoạn trẻ có nhu cầu vui chơi, khám phá thế giới xung quanh… Trẻ chưa đủ trưởng thành để ngồi yên một chỗ quá lâu, tay trẻ chưa đủ khéo để uốn cây bút viết chữ theo ý muốn. Không phải ngẫu nhiên mà có quy định 6 tuổi mới cho trẻ đi học. 6 tuổi là mốc tuổi trẻ đã có sự phát triển toàn diện về nhân cách, thể chất, tinh thần, độ khéo léo… thích hợp nhất cho việc học theo một chương trình đào tạo. Với trẻ dưới 6 tuổi, học trước sẽ gây hại cho trẻ về nhiều mặt: trẻ mất cơ hội vui chơi để rèn luyện cơ thể, rèn luyện kỹ năng sống, độ khéo léo của bàn tay, sự tập trung của tư duy... Các cha mẹ thường đánh giá thấp các trò chơi của trẻ, vì vậy đã tước mất cơ hội vui chơi của con mình. Vui chơi là quyền của trẻ em. Vui chơi là cơ hội vàng cho trẻ em phát triển toàn diện cả ba mặt: trí tuệ, thể chất, tinh thần, nhằm chuẩn bị cho sự trưởng thành để bước vào giai đoạn tiểu học.

Học trước còn gây hại cho trẻ về thói quen viết và cách ngồi học. Bàn tay, ngón tay trẻ chưa đủ khéo nên viết chữ xấu, sau này khó luyện cho trẻ viết chữ ngay ngắn hơn những trẻ học viết đúng tuổi. Trẻ bé quá, khó tập trung nên thường nghịch phá, mải chơi hơn học… Điều này tạo thói quen học rất không tốt cho trẻ trong tương lai, vừa gây bực bội cho cha mẹ và thầy cô, từ đó người lớn dễ nổi giận và đánh mắng trẻ, càng khiến trẻ sợ học.

Học trước gây hại lớn nhất là về mặt tâm lý của trẻ. Trẻ bị gò ép vào khuôn phép quá sớm sẽ căng thẳng, bực bội, những kỹ năng chưa thành thạo cộng với việc tiếp thu bài chưa tốt sẽ khiến trẻ tự ti, sợ học. Và sau khi đã học được một ít kiến thức lớp 1 thì vào học chính thức, trẻ sẽ có tâm lý chán học (vì đã học qua rồi), chủ quan (vì ta đây biết rồi), … trẻ lại dễ mải chơi, mất tập trung hơn. Hơn nữa, việc có một số em học trước sẽ gây khó khăn cho giáo viên trong việc tổ chức lớp học với sự chênh lệch trình độ. Nếu ngày càng nhiều em học trước trong lớp thì giáo viên thiếu trách nhiệm mà đi theo nhu cầu số đông sẽ khiến các em chưa học bị thiệt thòi… Giáo viên sẽ thích dạy một lớp học đồng đều, các em đều chưa đi học trước hơn vì được đi đúng chương trình quy định, học từ dễ đến khó với những học sinh đang tràn đầy trí tò mò và lòng ham học. Quý phụ huynh cho trẻ học trước là làm khó cho chính con mình, làm khó cho giáo viên.

Làm sao để trẻ học hòa đồng được cùng các bạn đồng thời thích học, chăm học? Làm sao để trẻ không bị “đánh cắp tuổi thơ”? Làm sao để trẻ không mất cơ hội vui chơi, học hỏi các kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, tư duy tập trung… tạo tiền đề cho việc học sau này nhưng vẫn không thụt lùi so với các bạn đã học sớm? Chỉ cần cha mẹ thực sự muốn những điều tốt đẹp cho con sẽ có cách sáng tạo riêng để “dạy” con học.

Trước hết chúng ta cần thống nhất với nhau quan điểm: trẻ cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nền tảng để chuẩn bị tốt nhất cho việc vào lớp 1 chứ không phải trẻ cần học trước chương trình lớp 1. Trẻ cần nhận biết thế giới xung quanh, biết các mối quan hệ xã hội bên ngoài gia đình, biết mơ ước về tương lai, biết các kỹ năng tự bảo vệ - giữ cho mình được an toàn, biết sơ lược về chữ cái, về số học, toán học…hay đơn giản trẻ cần biết tự phục vụ bản thân vì lên lớp 1 không có cô bảo mẫu nữa.

Vậy trẻ có cần học không? Rất cần! Trẻ cần cha mẹ dạy dỗ hợp lý và khoa học, phù hợp với tâm sinh lý của trẻ.

Cách tốt nhất để giúp con tự tin vào lớp 1 là dạy con học hàng ngày qua các trò chơi: cha mẹ chơi cùng con, cha mẹ mua đồ chơi phù hợp cho trẻ, cha mẹ tạo không gian vui chơi cho con cùng bạn bè, cha mẹ có thể đưa con đi chơi tại công viên, khu vui chơi dành cho trẻ… Có rất nhiều cơ hội vui chơi cho trẻ ở bất cứ đâu. Trò chơi vận động chạy nhảy cùng bạn bè, cha mẹ, trò chơi trí tuệ (xếp hình, vẽ tranh…), trò chơi giải trí (xem phim, nghe ca nhạc, hát, múa…)… Thông qua các hoạt động vui chơi đa dạng phong phú, trẻ sẽ học được nhiều điều hay: gần gũi cha mẹ, hợp tác với bạn bè, luyện khéo léo cơ thể (nhất là đôi bàn tay), khỏe mạnh, vui vẻ…

Dưới đây là vài gợi ý phụ huynh giúp trẻ vừa chơi vừa học:

1. Tăng cường vốn từ vựng và khả năng đọc cho trẻ: Đọc truyện cho bé hàng ngày và đọc từ nào thì chỉ vào từ đó. Đọc một từ thật to, nói “cá” và chỉ cho bé xem từ “cá” và hình ảnh con cá minh họa. Với cách này, bé sẽ tập nói bằng sự liên hệ giữa từ ngữ và hình ảnh.

Nói chuyện với bé càng nhiều càng tốt. Ngôn ngữ càng đơn giản và có tính miêu tả càng tốt. Nói về những gì bé quan tâm, nói về những gì bé nhìn, nghe, sờ, ngửi, nếm, thấy. Và mô tả các vận động của bé khi cử động. Mẹ con cùng đóng kịch, tập kể chuyện, …

2. Luyện sự khéo léo của đôi bàn tay và học viết chữ: Cho bé tô màu, tô chữ, nặn tượng, cắt dán….

3. Học toán: Trò chơi: Đếm, đếm, đếm: cha mẹ cùng con đếm mọi vật xung quanh. Đếm số bát trên bàn ăn, đếm số người trong gia đình, đếm xe qua lại trên đường…

Phân loại đồ vật: Giúp bé học cách phân loại động vật, xe cộ, sách, đồ chơi hoặc những đồ vật mà bé thích. Hãy phân loại theo nhiều cách khác nhau (chẳng hạn theo kích cỡ, màu sắc, vật liệu, chức năng, hình dạng, số chân/bánh xe…

Nhận biết thời gian: tập nhìn đồng hồ, quy định số phút cho mỗi trò chơi, thi: ai nhanh hơn,…

Nhận biết hình dạng đồ vật: Cha mẹ chỉ cho bé các vật xung quanh nhà: như tivi hình chữ nhật, cái bát hình tròn… Đố bé đi tìm các vật có hình tròn, hình vuông, …

Ngoài ra, cha mẹ rất cần dạy con tính tự giác: vào bàn học đúng giờ (mỗi lần tập ngồi học chỉ nên 10-15 phút), hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng thời hạn (ví dụ: quy định tô chữ 1 trang trong 10 phút), tự thay đồ, tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự sắp xếp quần áo, sách vở…

Cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện với con về trường học, về thầy cô bạn bè khi vào lớp 1, về niềm vui khám phá tri thức, lợi ích của việc học, ước mơ của con… Những nội dung này rất cần khi chuẩn bị tâm lý cho con vào lớp 1 tự tin và thích học.

Chúc chị cùng con tìm được niềm vui trong quá trình chuẩn bị vào lớp 1 với nhiều điều thú vị và cũng nhiều thử thách. Với tình yêu thương và tin tưởng bé, anh chị sẽ lớn lên cùng con.

Chuyên viên tham vấn tâm lý, Thạc sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy
Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Cách dạy trẻ nâng cao chỉ số thông minh xúc cảm

Với sự hiểu biết và nỗ lực, cha mẹ có thể giáo dục nâng cao chỉ số thông minh xúc cảm (EQ), giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp, diễn đạt, hòa đồng với bạn bè, thích ứng nhanh với cuộc sống, làm tiền đề cho sự thành công sau này.

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm