EQ là khả năng nhận thức, thấu hiểu và truyền đạt cảm xúc. Theo chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục nâng cao chỉ số thông minh xúc cảm cho trẻ là để bé cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ và người thân trong gia đình qua những cử chỉ, lời nói trìu mến. Thực tế cho thấy những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hạnh phúc sẽ phát triển nhân cách hoàn thiện hơn, có thái độ tích cực hơn trong suốt cuộc đời.
Ảnh minh họa: thuocbietduoc. |
Bên cạnh đó, cha mẹ cần hình thành cho trẻ thói quen biết quan tâm, chia sẻ với những người trong gia đình, bạn bè; giải thích cho các em hiểu sự liên quan giữa hành vi của trẻ với cảm xúc của những người xung quanh. Có như vậy, bé sẽ dễ hòa nhập với cộng đồng. Những thói quen tốt, dù rất nhỏ, sẽ hình thành cho trẻ một nhân cách đẹp và tâm hồn nhạy cảm.
Khi thấy trẻ giành đồ chơi của bạn, cha mẹ hãy hỏi con: “Nếu con bị bạn giành món đồ chơi mà con yêu thích, con cảm thấy thế nào?”. Đó chính là cách bạn gợi mở giúp trẻ hiểu được cảm xúc của người khác cũng như của chính mình, để bé biết chế ngự, điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Khi mẹ nói với bé rằng: “Nếu con cho bạn mượn đồ chơi, thì bạn cũng sẽ cho con chơi chung đồ chơi của bạn”, cũng là một cách khuyến khích trẻ biết sẻ chia.
Nguyên tắc thứ hai: Mỗi khi trẻ tỏ ra biết tiếp thu, có những hành vi tích cực, cha mẹ cần động viên. Chẳng hạn như nói với bé rằng: “Mỗi lần thấy con biết nhường nhịn em, mẹ vui lắm. Mà em cũng thương con hơn nữa”.
Nguyên tắc thứ ba: Cha mẹ cần lắng nghe con nói để hiểu được cảm nhận của con và qua đó cùng chia sẻ những vấn đề bé đang quan tâm. Chẳng hạn, trẻ buồn vì bạn dành nhiều thời gian cho em út hơn mình, hãy bảo: "Mẹ hiểu, mẹ cũng từng trải qua cảm giác đó". Như vậy, bé vừa cảm thấy được chia sẻ vừa hiểu rằng ai cũng trải qua cảm xúc này và đã vượt qua được.
Ngoài ra, nên giúp trẻ gọi tên cảm xúc, xây dựng cho các em vốn từ vựng cảm xúc như buồn bã, vui vẻ, giận dỗi, lo sợ… bằng cách cho trẻ xem nhiều bức ảnh mô tả các trạng thái cảm xúc khác nhau và giải thích. Nếu bé thất vọng vì mất đồ chơi, đừng bảo: "Không sao đâu con, con đừng khóc nhé" mà hãy tận dụng cơ hội này dạy trẻ về các khái niệm cảm xúc. Có thể hỏi: “Con buồn, đúng không nào?" và khơi gợi: "Hôm trước bạn Tí mất đồ chơi, bạn Tí cũng buồn như thế, con nhỉ?". Tiếp đó, hỏi bé có thích đồ chơi ấy không, tại sao, như vậy con bạn sẽ mô tả được cảm xúc dưới nhiều góc độ hơn.
Nguyên tắc thứ tư: Tập cho trẻ quan sát cảm xúc của người xung quanh. Chẳng hạn bạn thủ thỉ với con: "Hôm qua bà nội vui lắm, bà cười nhiều. Sao bà vui thế nhỉ? Vì con biết nhường đồ chơi cho em đấy!" hoặc: "Cô Ba đang giận đấy, cô cau mặt và không bế nựng con nữa”. “Tại sao cô giận nhỉ? Vì con nghịch làm vỡ lọ hoa của cô mà không xin lỗi. Cô giận, con có buồn không?". Như vậy, bé không chỉ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người. Từ đó, trẻ sẽ biết điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình - một khả năng rất cần thiết để thành công trong cuộc sống.
Nguyên tắc thứ năm: Hạn chế trừng phạt trẻ, nhất là khi trẻ đang "hư", mọi lời dạy dỗ hay quát mắng, trừng phạt sẽ không mấy hiệu quả. Kinh nghiệm của chị Hằng (quận Bình Thạnh, TP HCM), mỗi lần bé Thùy la hét do không bằng lòng, mọi người trong nhà có thể giả vờ cùng ôm đầu kêu: "Đau đầu quá" và bỏ ra ngoài, cứ để mặc cô bé một mình. Khi ấy bé giống như diễn viên diễn mà không có người xem sẽ ngừng diễn sớm hơn.
Sau vài lần như vậy, bé Thùy hiểu hành vi mè nheo trên của mình vô ích nên sớm chấm dứt. Hoặc cha mẹ, có thể lén quay phim cảnh này và khi trẻ đã bình tĩnh thì phát lại cho cả nhà xem. Khi ấy, các em sẽ nhận thức được hành vi mình vừa thực hiện không đúng, bé sẽ cảm thấy xấu hổ và tự điều chỉnh dần.
Nguyên tắc thứ sáu: Không nên đưa ra lời giáo huấn nhiều bởi trẻ sẽ không hiểu và khó nhớ. Khi còn nhỏ, nhận thức của trẻ bắt nguồn từ hành vi cụ thể, sau đó mới dần dần rút ra quy luật: Điều nào nên, điều nào không. Như trường hợp một ông bố trẻ (quận 10, TP HCM) tìm mọi cách khuyên con trai mình đừng lại gần pô xe máy nhưng cậu bé không hiểu. Mỗi lần anh đi làm về, cậu con trai 3 tuổi cứ đến gần cha, phía có ống pô xe đang nóng hừng hực.
Thế là người cha nghĩ ra một cách: cầm theo con búp bê nhựa và làm như vô tình áp chân nó vào pô xe. Anh cầm búp bê với một chân bị chảy nhựa, đưa cho con trai xem kèm theo lời giải thích: "Con xem này, búp bê chạm vào ống bô nên bỏng chân, da rách cả rồi. Nó đau rát lắm, con ạ!". Lúc ấy con của anh rất sợ vì tận mắt thấy được hậu quả khi bị bỏng pô, từ đó cậu bé luôn ý thức tránh xa nó.
"Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc nâng cao chỉ số thông minh xúc cho con: Cha mẹ không thể là người vô cảm. Cha mẹ muốn cho con được tắm mình vào môi trường cảm xúc thì nhất thiết phải dành thời gian cho con, dạy con bằng tình yêu thương vô điều kiện", bà Phạm Thị Thúy đúc kết.
Thi Ngoan
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet