Đến giờ đi tắm cho con, thay vì xả nước ấm vào chậu rồi tắm nhanh cho bé như mọi khi, chị Thoa (Cầu Giấy, Hà Nội), cho con chơi trò "tắm mưa": mở vòi sen tỏa rộng rồi cho cả hai bé, một 6 tuổi, một 2 tuổi, đứng bên dưới tắm. "Vì nước vòi sen nhẹ nên bọn nhóc không sợ khi nước chảy từ đầu xuống và có vẻ rất thích thú trong thời gian tắm", chị Thoa kể.
Mỗi lần rửa mặt cho con, chị Thoa cũng không còn lấy khăn vắt kiệt rồi lau cho các bé như vẫn hay làm mà hướng dẫn các bé vốc nước lên mặt tự rửa rồi thấm lại bằng khăn. Ba mẹ con còn thi xem ai "lặn' lâu hơn bằng cách úp mặt vào một bát nước. Giờ đánh răng của hai bé nhà chị mấy hôm nay cũng kéo dài hơn vì còn kèm theo màn thi thổi bong bóng và trò "nghe đàn môi" đoán bài hát (mỗi người đánh đàn môi trong một bát nước, hai người còn lại đoán xem đó là bài gì).
Chị Thoa cho hay, chị áp dụng tất cả những cách trên sau khi tham gia một buổi hướng dẫn bố mẹ tự dạy con bơi. "Hôm qua mới là buổi cả nhà ra bể lần đầu để thực hành nên chưa biết mình có thành công nhờ cách này trong việc dạy con bơi không nhưng thấy ngay là các con đều rất vui vẻ, không còn sợ nước và mẹ cũng thêm động lực để cố gắng học bơi thật giỏi", chị Thoa cho hay.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn hướng dẫn bố mẹ cách cùng con chơi trò ngụp mặt trong ca nước để tập thở khi bơi. Ảnh: MT. |
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Boi (Hà Nội) - đơn vị vừa tổ chức một số buổi hướng dẫn miễn phí cha mẹ tự dạy con bơi, cho hay, nhiều phụ huynh, kể cả những người bơi giỏi, ngại dạy con bơi, vì nhiều lý do: Do thiếu kiến thức nên không biết cách hướng dẫn con từng bước tập bơi; tưởng phải đưa con ra bể mới dạy được; không hiểu về đặc điểm trong việc bơi lội theo từng độ tuổi của trẻ.
Đặc biệt, với trẻ tuổi mẫu giáo (2-6 tuổi), việc dạy bơi thường rất khó khăn vì trẻ ở tuổi này không còn khả năng nín thở bẩm sinh, các bé hoặc rất nhát nước (sợ gội đầu, sợ nước vào mắt) hoặc hiếu động, bướng bỉnh, khó tập trung nên khó quản lý trong khi tập. Ngoài ra, ở độ tuổi này, thể chất, nhận thức, tâm sinh lý của trẻ hạn chế nên cũng khó khăn trong việc tiếp thu và làm theo hướng dẫn. Và cũng vì những lý do này, ít cơ sở nào muốn nhận dạy trẻ tuổi mẫu giáo học bơi.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Tuấn, chỉ cần trang bị kiến thức và thực sự dành thời gian cho con, cha mẹ hoàn toàn có thể tự dạy con bằng cách hướng dẫn con học bơi trên cạn, sau đó kết hợp với luyện tập dưới nước, học những kiểu bơi dễ như bơi chó, thả nổi ngửa và bơi tự cứu...
"Nguyên tắc đầu tiên bố mẹ cần nhớ là giúp trẻ luyện tập 'hai không': Không sợ bị giội nước vào đầu, không sợ cảm giác bồng bềnh trong nước", ông Tuấn nói.
Những phụ huynh không biết bơi cũng có thể dạy con vì chỉ cần cho trẻ thực hiện các bài tập, trò chơi đơn giản để tập trên cạn với nước và không có nước, khi xuống bể thì chỉ tập ở mực nước an toàn từ 0,6 đến một m...
Các ông bố bà mẹ tập thở tại một buổi hướng dẫn bố mẹ tự dạy con bơi của tiến sĩ Phạm Anh Tuấn. Ảnh: MT. |
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn cho hay, có rất nhiều lợi ích khi cha mẹ là huấn luyện viên bơi lội của con: Cả nhà học tốt trên cạn rồi mới xuống nước; Ít tốn kém, chủ động thời gian; Tăng sự tương tác giữa thành viên gia đình; Bố mẹ cũng sẽ biết bơi hoặc biết bơi tốt hơn; Đảm bảo an toàn cho bé khi xuống nước...
Tiến sĩ Tuấn cho rằng, học bơi là quá trình tự nhiên - quá trình chơi và mỗi trẻ là khác nhau nên bố mẹ đừng nôn nóng, tạo áp lực hay so sánh trẻ này với trẻ khác. Những câu nói như "Con phải tập không thầy sẽ phạt cho" hoặc "Con mà không làm thế này là không bao giờ bơi được đâu", rồi so sánh "Bạn A mới tập có 3 buổi đã bơi được, còn con thì..."... đều có thể gây phản tác dụng và làm trẻ sợ, thấy việc học bơi là một điều nặng nề, đáng sợ. Thay vào đó, cần cho trẻ học mà chơi, chơi mà học, dạy ít dỗ nhiều, cùng con tập luyện kiên trì và thường xuyên, luôn ở bên trẻ, tạo cho con cảm giác thoải mái, an toàn.
Chẳng hạn, để giúp bé làm quen với nước, bạn có thể ngày ngày cùng con: Vốc nước rửa mặt; nhỏ thuốc mắt (nước cất, dung dịch nước muối sinh lý), dùng tay ướt chải tóc, tắm vòi sen, dùng mồm lấy khăn trong chậu nước; chơi vầy té nước, nằm ngửa trong bồn tắm, bể bơi mini (mức nước ngang tai). Hay để dạy trẻ cách thở dưới nước (thở vào bằng miệng, thở ra bằng mũi), bạn có thể hướng dẫn con chơi các trò chơi như phun mưa với cốc nước, thổi bong bóng với các loại ống hút, tập thở với chậu nước (trong tư thế ngồi, nằm sấp)...
Bố mẹ và bé cùng thực hành động tác tập bơi theo hướng dẫn của tiến sĩ Phạm Anh Tuấn. Ảnh: MT. |
Theo tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, khi dạy bơi, phụ huynh cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn cho trẻ:
- Luôn ở cạnh bé khi tập bơi (trên cạn, dưới nước).
- Mỗi bố/mẹ chỉ tập cho một bé.
- Không tập bơi khi trời lạnh, giông bão.
- Không tập bơi khi bé không khỏe (cảm, ho, sốt, …).
- Dùng nước sạch/Chọn bể bơi sạch.
- Khởi động tốt, cho bé uống đủ nước.
- Khi trời quá nắng, nên tập ở nơi có bóng râm.
- Nên có quần áo, mũ, kính bơi, nút tai (tùy lứa tuổi).
- Thời gian xuống nước tối đa mỗi lần là 30-45 phút (tùy tuổi).
- Ủ ấm khi lên bờ, tránh gió lùa.
- Tuân thủ quy định của bể bơi, nơi tập.
- Tắm tráng cẩn thận, thay quần áo sạch, khô.
- Sấy tóc, thấm tai, nhỏ nước muối vào mắt, mũi, họng.
- Không xuống nước khi bé mới ăn no.
Vương Linh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet