Phú Yên là mảnh đất nằm ven vùng duyên hải miền Trung nổi tiếng với nhiều địa danh du lịch hấp dẫn nhiều du khách như mũi Đại Lãnh, Bãi Môn, Bãi Xép, vũng Rô... Không chỉ thế, nơi đây còn sản sinh ra nhiều món đặc sản tươi ngon, hút hồn bất cứ ai thưởng thức.
Cá ngừ đại dương
Vùng biển Phú Yên là nơi đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu nên nếu bỏ qua các món chế biến từ đặc sản này khi đã đến đây thì thật thiếu sót. Hãy thử mắt cá ngừ chưng cách thủy để cảm nhận hết sự độc đáo của món ăn từ biển. Mắt cá ngừ chưng béo ngậy ngấm trong gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi… và thoang thoảng mùi thuốc bắc mà vẫn giữ được mùi biển đặc trưng của cá.
Mắt cá ngừ ăn chung với rau thơm, thêm chút rượu nồng nữa là đúng vị, rất khó quên (Ảnh internet)
Nếu may mắn, thực khách còn có cơ hội tận hưởng vị lạ hấp dẫn của gỏi bao tử cá và bao tử cá hầm tiêu xanh. Món nào cũng còn nguyên độ giòn dai của thứ nguyên liệu không phải nơi nào cũng có. Nếu gỏi dễ ăn, dễ chiều với đủ vị chua cay mặn ngọt thì món hầm lại cuốn hút người ta bởi sự kết hợp giữa tiêu xanh cay nồng và ngọt thơm của nước dùng.
Trong đêm gió biển, được nhấm nháp đặc sản này thì quả thấy rõ không phải chỉ sóng xô, biển hát ở Tuy Hòa mới khiến ta xiêu lòng.
Ngoài ra, các món khác từ thịt cá cũng rất đáng nếm, nhất là lườn cá ngừ nướng. Thịt cá vừa dai, mềm, ngọt béo lại không hề khô, xứng danh món ngon đặc biệt.
Bò một nắng
Nếu như ở các tỉnh miền núi phía Bắc nổi tiến với món bò, trâu hay heo gác bếp thì ở Thị trấn Củng Sơn nằm trên cao nguyên Sơn Hoà rộng lớn thuộc tỉnh Phú Yên lại nổi tiếng với món bò một nắng.
Món bò một nắng - đặc sản Phú Yên - được chính người dân nơi đây chế biến. Món ăn mang phong vị phố núi ngon lạ và hấp dẫn. Theo một số người lớn tuổi, món bò một nắng này có tiền thân từ cách chế biến thịt nai khô của người dân trong khoảng vài thập kỷ trước. Sau này, người ta dùng thịt bò chế biến thay nai để ăn và dự trữ thực phẩm. Bò một nắng còn có tên gọi đầy đủ là “bò một nắng hai sương” – bò chỉ phơi một nắng vừa héo đem nướng, nên ngon lạ lùng.
Bò một nắng còn có tên gọi đầy đủ là “bò một nắng hai sương” – bò chỉ phơi một nắng vừa héo đem nướng, nên ngon lạ lùng (Ảnh: Internet)
Ăn bò một nắng chấm muối ớt kiến vàng, kèm dưa leo, các loại rau thơm cho vị giác một cảm nhận thật mới mẻ cho bất kì du khách nào đặt chân đến khu phố núi này.
Chả dông
Dông vốn là một con vật sống nhiều ở vùng đất cát dọc bờ biển Phú Yên và các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi... Con dông có hình dáng như kỳ nhông nhưng kích thước rất nhỏ, chỉ bằng ngón chân cái của người.
Một điều đặc biệt, trong quá trình sơ chế dông, người ta phải làm rất sạch sẽ vì nếu rửa lại bằng nước lã, dông sẽ bị tanh. Khi sơ chế xong, dông được băm nhỏ, trộn với các loại gia vị khác như tiêu, ớt, hành, tỏi, dầu ăn, nấm mèo (mộc nhĩ) và bún khô chần mềm. Sau đó, người ta cho phần nhân thịt nhông này vào bánh tráng, cuộn lại như cuốn nem rán sau đó đem chiên chín vàng.
Chả dông rất thơm ngon, giòn giòn, thịt ngọt lại đậm chất hồn quê dân dã (Ảnh: Internet)
Chả dông ăn kèm rau sống và chấm nước mắm chua ngọt cũng giống như món nem rán. Chả dông rất thơm ngon, giòn giòn, thịt ngọt lại đậm chất hồn quê dân dã.
Sò huyết đầm Ô Loan
Sò huyết ở đầm Ô Loan - đặc sản Phú Yên - lại được xếp vào một trong 3 loại ngon nhất ở nước ta cùng với sò huyết phá Tam Giang (Huế), sò huyết đầm Thủy Triều (Khánh Hòa). Sò huyết đầm Ô Loan to đều, chế biến món gì cũng ngon, từ nướng tái, xào me, hấp, làm gỏi…
Sò huyết vừa chín tới hoặc hơi tái là ngon nhất. Khi ấy, nó vẫn giữ được vị ngọt, béo mà không bị mất chất (Ảnh internet)
Đặc biệt, tầm giờ chiều, nếu được ngồi trên khoang thuyền, vừa ngắm cảnh, vừa nướng sò thì càng thi vị. Bên bếp lửa nhỏ, du khách hàn huyên, chờ sò chín, tách vỏ rồi cùng thường thức cả vị ngon của sò đi từ đầu lưỡi và không khí đầy thơ xung quanh thì chẳng gì so sánh được.
Cơm gà
Không cạnh tranh với cơm gà Hội An hay Tam Kỳ, cơm gà Phú Yên có riêng cho mình một chỗ đứng trong bản đồ của người sành ăn. Cơm gà ở đây hấp dẫn bởi gà vàng ươm, da giòn ít mỡ, thịt dai ngọt.
Phần cơm gà ướp vàng nhạt dẻo thơm vô cùng (Ảnh internet)
Chỉ là cơm gà thôi mà khiến người ta phải rớt nước miếng. Dù cơm gà Phú Yên rất khó ngán nhưng cũng có phần đồ chua, dưa leo, hành ngâm… đi kèm tăng vị cho món ngon.
Ghẹ Sông Cầu
Đối với dân nghiền hải sản thì không thể bỏ qua món ghẹ mà ghẹ vùng Sông Cầu thì lại càng không. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng này loại ghẹ mập béo, nhiều thịt, thịt chắc. Ghẹ hấp không, hấp bia hay rang muối, nướng vỉ… món nào cũng thơm lừng và ngon đến nỗi có ai đó bị dị ứng mà không được thưởng thức thì đêm còn khó ngủ.
Ghẹ sông Cầu thơm ngon và hấp dẫn với mỗi thực khách khi tới Phú Yên (Ảnh internet)
Ngồi hóng ra biển, bóc tách từng con ghẹ đỏ rực đầy gạch nhâm nhi là cảm giác ngon từ mắt, từ tai, từ mũi chứ không chỉ đến khi cho lên miệng mới thấy. Gạch ghẹ ngầy ngậy, mịn màng như tan trong miệng và thịt trắng dày, dai dai đậm đà đều chỉ có thể miêu tả bằng từ: tuyệt vời.
Cua huỳnh đế
Tên gọi cua huỳnh đế có một nguồn gốc thú vị. Loài cua này vốn nổi tiếng thơm ngon, được ngư dân tôn xưng là vua của các loài cua tức cua nên gọi là cua "hoàng đế". Nhưng sau khi trở thành sản vật tiến vua chúa, quan địa phương lệnh dân phải đọc trại đi thành "huỳnh đế" vì sợ phạm húy.
Hình dạng đặc biệt của loại cua này khiến du khách tò mò, còn vị của nó làm người ta không thể quên. Khách sành thích cua huỳnh đế không chỉ vì nó to (có thể lên tới 1kg) và nhiều dinh dưỡng mà còn bởi cảm giác ngon miệng khi ăn.
Ngoài cua hấp, cháo cua huỳnh đế cũng là món đáng thử (Ảnh internet)
Thịt cua huỳnh đế - đặc sản Phú Yên - thơm ngon, bổ dưỡng, thớ thịt cua săn chắc, trắng muốt nhô và độ đạm cao có thể chế biến các món như hấp, rang me, rang muối, nướng, cháo...
Cháo lòng bánh hỏi
Bánh tráng Hòa Đa nổi tiếng của Phú Yên không chỉ dùng để cuốn thịt heo. Đây còn là nguyên liệu làm nên cháo lòng, bánh hỏi lừng danh thiên hạ.
Bánh tráng dùng cuốn bánh hỏi, lòng heo luộc, các loại rau sống, rau thơm rồi chấm nước mắm mặn cay xè ớt ngon một cách đặc biệt (Ảnh internet)
Vị giòn, dai, bùi bùi của lòng heo và bánh tráng kết hợp với mát lạnh của rau sống cho cảm nhận đậm đặc hơn hẳn thịt heo cuốn bình thường. Trong khi đó chén cháo nóng hổi hạn chế tối đa việc bị lạnh bụng sau khi ăn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet