Chiếc xô nhựa đựng khoảng 10 lít gồm cả nước và đá lạnh lỏng bỏng vài xác lá trà, màu nước vàng nhàn nhạt. Trước khi đổ nước vào, ông chủ quán chỉ tráng sơ qua một chút nên những vết cáu bẩn vẫn đọng trong thùng.
Sau vài đường bóng, các cầu thủ đã thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại, tấp lại bên đường biên múc nước "trà đá" từ chiếc xô nhựa kia uống ừng ực. “Em biết trà đá ở đây 90% là nước lã chưa đun nấu gì cả, nhưng uống nhiều lần rồi không thấy bị đau bụng hay triệu chứng gì hết", Nguyễn Hữu Nam sinh viên năm 3, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho biết. "Với lại em nghĩ đá bóng ra mồ hôi nhiều thế này, nước bẩn cũng theo đó mà ra hết, chắc không sao đâu”, chàng thanh niên hài hước.
Ông chủ quán này có một công thức pha trà đá mà "cầu thủ" nào cũng biết, là 1 ly trà đặc + 5 lít nước lã + 1 tảng nước đá = 10 lít trà đá. Giá của thùng trà đá này 5.000 đồng. “Bọn mình nam nhi khỏe mạnh thế này lỡ uống phải nước nhiễm khuẩn cũng không sao đâu. Đến đây ai cũng như ai thôi. Nếu bạn lo lắng thì có thể mang theo chai nước để uống, chứ không thể yêu cầu chủ sân pha nước theo mình muốn được”, nam sinh Đỗ Hoàng Tiến (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) chia sẻ.
"Lâu nay tôi vẫn bán trà đá như thế này, có nghe khách phàn nàn gì đâu", ông chủ quán giải thích và thêm "không ai nấu cả một thùng trà to để bán".
Người đàn ông này đang lấy nước máy, cho ít trà vào để làm trà đá cho thực khách. Ảnh: Khánh Hòa. |
Nhiều quán trà đá ở Hà Nội thì pha sẵn nước trà chứa trong cái chai, lọ, thùng. Có khách gọi, chủ một quán nước ven đường lấy chiếc cốc nhựa cũ kỹ thả một viên đá lạnh rồi hứng dưới chiếc can 5 lít chứa nước trà pha sẵn đục ngầu như màu đất. Trong tích tắc, một cốc trà đá trao tận tay cho khách đứng uống, chủ quán thu về 4.000 đồng.
Hàng chục chiếc cốc khách vừa uống xong được vứt vào một can nước 5 lít đã được cắt đầu, đen kịt, dùng như thùng rửa chén. Người đàn ông bán nước vừa chửi thề, vừa rửa cốc. Gọi rửa cốc nhưng kỳ thực là tráng qua 2 cái can loại dung tích 5 lít đặt sát nhau chứa một ít nước. Từ sáng đến chiều, tất cả cốc đều được rửa trong 2 can này, chủ quán không hề thay nước mới. Cốc tráng xong lại tiếp tục bán nước cho những người tiếp theo. Những lúc cao điểm phục vụ không xuể, người bán hàng này lấy luôn cốc vừa có người uống rót nước mới cho khách khác. Mỗi ngày người này có thể bán được vài trăm cốc.
Cảnh tượng mất vệ sinh thường thấy ở các quán nước vỉa hè
Khu vực Xuân Thủy, Cầu Giấy (Hà Nội) tập trung nhiều trường đại học lớn nên có nhiều quán nước vỉa hè. Một người bán hàng tại đây cho biết đoạn đường từ cổng trường sư phạm lên đại học quốc gia cách khoảng vài chục mét, riêng gia đình bà có 3 hàng nước gồm một do bà bán, một chồng quản lý và hàng kia của cô con dâu.
"Nhà tôi bán chè 70.000 đồng một kg chứ không như các cửa hàng khác chỉ bán loại 30.000 đồng một kg", bà chủ quán cho biết. Quảng cáo là nước trà pha tâm sen, nhưng không ít người uống nước ở đây thắc mắc nước có mùi thiu. Bà chủ cho biết, chè ngon phải cho nước màu xanh nhạt, trong, dậy vị thơm. Nước chè có màu đỏ, nổi váng đa phần là chè cám, chè mốc rẻ tiền. Còn nước trà có màu vàng, mùi thủm, đa phần là do pha lâu, nước đổi màu. "Chè pha phải để sang ngày hôm sau mới thiu. Chè bán không hết đặt tủ lạnh phải được vài ngày", bà nói.
Trà chanh ở phố Nhà Thờ đặt trong xô nhựa, để dưới đất, không nắp đậy. Ảnh: Phan Dương. |
Không chỉ trà đá kém chất lượng, mà trà chanh vốn đang rất được ưa chuộng cũng được người bán pha chế "cấp tốc" theo kiểu pha sẵn. Phố Nhà thờ (Hà Nội) được xem là nơi khởi phát của trào lưu "trà chanh chém gió". Chính tại "thiên đường trà chanh", nhiều người dùng nghi ngờ về công nghệ pha chế.
Tại một quán trà chanh ở đây, trà được pha sẵn đựng trong một thùng sơn đặt dưới nền gạch, không nắp đậy. Nước trà có màu cà phê. Mỗi khi khách gọi, người bán hàng cầm ca nhựa múc nước từ thùng đổ vào chiếc cốc thủy tinh, bỏ thêm một cục đá và một lát chanh đã cắt sẵn. Quá trình hoàn tất một cốc trà chanh "đặc sản" chỉ diễn ra trong vài giây. Loại trà pha sẵn này người uống không rõ làm từ nguyên liệu gì, pha chế ra sao.
Hay lê la trà đá vỉa hè, Chí Công (26 tuổi, Thanh Hóa) cho biết đã từng uống những loại nước chè "thảm họa". Khá nhiều quán sử dụng loại trà cám, pha sẵn vào chai nhựa, màu đỏ lờ lờ, đóng váng. Mỗi khi rót cho khách, người bán hàng phải đổ nước qua một màng lọc để loại bỏ cặn bã chè. "Dưới đáy cốc còn nhiều cặn. Tôi phải đổ váng ở trên đi, chờ một lúc cho cốc lắng cặn mới dám uống", Công nói.
Những ly trà chanh đẹp mắt, thơm ngon, có thể được pha từ hương liệu của Trung Quốc hoặc chè cám. Ảnh: H.S. |
Một nam sinh viên Đại học Lao động xã hội mở quán nước ở khu vực sân vận động Mỹ Đình, thú thực rằng "công nghệ pha trà chanh kỳ thực rất đơn giản". Theo ông chủ trẻ này, trà chanh ngon là phải có trà đặc, nước chanh, đường, một chút mật ong, thêm vài lát chanh.
"Đó là trong quán, chứ ở vỉa hè cái gì cũng cần nhanh nên tôi cứ pha sẵn một can nước chè loãng để bán trà đá. Có khách gọi trà chanh, chỉ cần vắt thêm nửa quả chanh vào trà đá là xong, không có mật ong đâu", chàng trai nói.
Theo nam sinh, trà chanh của anh như thế vẫn còn "ngon và an toàn chán" so với những quán khác. "Nhiều người toàn sử dụng chè cám, thêm một chút hương liệu chanh, đường hóa học thôi", anh nói.
Nhóm phóng viên
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet