Mẹ còn rất ít sữa mà cậu con trai 2 tuổi ngày càng "nghiện" ti, thấy dáng mẹ đi làm về là lao vào ôm đòi. Buổi đêm, cu cậu vật vã vài lần dậy bú mẹ. Ít sữa, con lại nhiều răng thỉnh thoảng hay cắn, chị Quyên vừa đau, vừa mất ngủ nên quyết định cai sữa.
Ngày đầu tiên, chị lấy viên thuốc có vị đắng ngắt, giã nát, hòa nước, bôi vào đầu ti. Quả thực cậu nhóc ngậm vào liền nhả ra ngay, nhưng sau đó lấy ngón tay di di lau sạch rồi bú tiếp ngon lành. Ngày thứ 2, chị Quyên dùng mẹo lấy tóc rối buộc vào núm vú, nhưng cũng không dọa được cậu con trai láu cá. Chị đành "đầu hàng" con rồi nhân tiện cơ quan có đợt tập huấn cho cán bộ chi nhánh, chị xung phong vào Nam một tuần, cách ly cậu con để cai sữa.
"Khi mình đi công tác về, cu cậu vẫn nhớ, đòi rúc nhưng lần này mẹ kiên quyết không cho và cũng chẳng còn sữa nữa rồi", chị Quyên kể.
Ảnh minh họa: Doublethink.us.com. |
Phát hiện có thai khi bé đầu mới hơn 1 tuổi, chị Bích (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng vất vả khi tìm cách cai sữa cho con. "Con còn nhỏ, lại lười uống sữa nên cai xót lắm. Nhưng mình có thai, nghén nặng, ăn chẳng được bao nhiêu lại nôn ói suốt ngày nên rất mệt mỏi, không thể cho bé bú lâu thêm", chị Bích thổ lộ.
Ban ngày chị Bích đi làm, tối về không cho con bú, bé gào khóc hờn dỗi, có khi khóc nhiều nôn hết đồ ăn. Buổi đêm, bà, bố, mẹ phải thay nhau bế, dỗ vì cứ chốc chốc bé lại dậy khóc đòi bú, pha sữa cho uống thì nhất định đẩy ra. Xót con quá, chị Bình đành cho bé bú tiếp. Tình trạng kéo dài cả tuần khiến bà mẹ trẻ cảm thấy kiệt sức.
Không chỉ khó cai cho con, chính người mẹ cũng khổ sở vì ứ sữa. Chị Như (Ba Đình, Hà Nội) kể, đợt cai sữa cho con chị phải vào viện vì áp xe vú. Nghe lời khuyên của mẹ đẻ là kệ rồi sữa tự tiêu, chị Như cố chịu đựng nhưng sau lên cơn sốt. Chị phải vào viện khám và thông vì tắc tia sữa.
Theo tiến sĩ tâm lý trẻ em Đinh Thị Kim Thoa (ĐH Quốc gia Hà Nội), các bà mẹ khi cai sữa cho con thấy trẻ hay khóc đòi, hờn dỗi... thì thường xót xa, dễ mủi lòng. Thực tế, việc cai sữa không ảnh hưởng đáng kể tới tâm lý trẻ, và phụ thuộc vào cách người mẹ tiến hành việc này thế nào.
Nhà tâm lý giáo dục cho rằng, khi cai sữa cho trẻ, yếu tố tâm lý ảnh hưởng tới người mẹ nhiều hơn là với trẻ. Các bà mẹ đôi khi vì xót con hoặc không chịu được cảm giác không được cho con bú, cứ nhùng nhằng không kiên quyết khiến trẻ càng khó thích nghi với việc ngừng bú mẹ.
Theo bà Thoa, tùy thuộc vào cá tính, đặc điểm của mỗi trẻ mà mẹ lựa chọn cách phù hợp. Có bé chỉ cần mẹ thủ thỉ, kể chuyện, đưa lý do "tí ốm", "tí hỏng", "mẹ đau"... là bé không bú nữa nhưng cũng có trẻ cần biện pháp mạnh hơn. Với trẻ quá nghiện khó cai, có thể cách ly 2 mẹ con một thời gian ngắn, đủ để trẻ quên đi cảm giác muốn được bú. Tuy nhiên, thời gian này cũng đừng hoàn toàn tách hẳn bé, khiến con có cảm giác bị bỏ rơi. Có thể nhờ bố, bà gần gũi chăm bé nhiều hơn, mẹ chỉ ở gần khi trẻ đã ăn no, ít cảm giác muốn bú.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y khoa Thái Hà, Hà Nội) cho rằng với không ít bà mẹ, quyết định cai sữa cho con và thực hiện việc này không đơn giản. Sữa mẹ luôn là thực phẩm tốt cho con, có thể cho bé bú tới hơn hai tuổi. Nếu vì lý do nào đó phải cai cho con sớm hơn, cần chọn lúc bé khỏe mạnh, đã có thể ăn tốt các loại thực phẩm khác, không còn quá phụ thuộc vào sữa mẹ.
Sau khi lựa chọn được thời điểm, nên cai sữa từ từ cho trẻ, bằng cách giảm dần các cữ bú. Việc này giúp sữa mẹ giảm dần, đỡ bị ứ, tắc, đồng thời trẻ cũng làm quen với việc bú mẹ ít đi. Nhiều bà mẹ dù ít sữa, thậm chí gần như không còn sữa nhưng con vẫn "nghiện" bú do với trẻ không những cần được ăn no mà đó còn là phản xạ tạo cảm giác thỏa mãn, an toàn. Vì vậy, khi cai sữa cho trẻ, làm sao vẫn tạo cho con cảm giác được yêu thương, gần gũi với mẹ.
Theo bác sĩ, các biện pháp như bôi thuốc, dầu đắng, cay vào đầu ti để bé sợ, không dám bú cũng có thể dùng nhưng cần đảm bảo những thứ này an toàn với trẻ, không nên dùng dầu cay nóng có thể gây nhiệt, bỏng miệng con. Khi sử dụng thuốc để bôi cũng cần hỏi kỹ loại nào không ảnh hưởng đến bé.
Bác sĩ Dung khuyên, trường hợp mẹ bị căng tức sữa, có thể sử dụng một số loại thuốc có tác dụng tiêu sữa, nhưng không nên tùy tiện mua mà cần tư vấn ý kiến bác sĩ vì có thể có tác dụng không mong muốn. Việc bóp bớt sữa cho đỡ căng tức cần cân nhắc vì càng nặn sẽ càng kích thích sữa tiết ra.
Vương Linh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet