Nội dung
Bánh xèo miền quê một cái tên hai hương vị
Tôi là người con gái sinh ra và lớn lên ở miền Trung hai mùa mưa nắng. Vẫn còn nhớ khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn học tập, mọi thứ đều lạ lẫm với tôi. Tôi nhớ nhà đến phát khóc, tôi lang thang khắp các con phố mênh mông và người qua thì xa lạ. Tôi cố gắng kiếm tìm điều gì nó, hay ít ra chỉ một nét nào đó na ná như quê tôi, để vơi đi nỗi nhớ…
Bánh xèo miền Trung
Thế rồi, tôi vô tình ngang qua 1 cửa hiệu có treo tấm bảng: “Bánh xèo miền Trung” được viết bằng phấn một cách nắn nót…Lúc đó tôi bật cười và nghĩ thầm: “Lạ ghê, bánh xèo thì ghi là bánh xèo, thêm miền Trung vào làm gì?” Hồi ấy tôi cứ nghĩ bánh xèo chỉ có một kiểu mà tôi ăn đã suốt gần 20 năm thôi. Tôi không biết ở Sài Thành, hầu như hương vị mỗi vùng miền đều tập trung tấp nập ở chốn đô thị này.
Tôi vẫn còn nhớ cái quán bánh xèo miền Trung trên con đường Phan Văn Trị ấy, chả là vì lần đầu lang thang nên phải phát huy hết trí nhớ, kẻo lạc đường thì phiền lắm. Lúc đó tôi trọ cách đó không xa, con đường tôi ở cũng tên Phan Văn Trị, nhưng giờ nghe đâu đã đổi tên thành Nguyễn Khuyến 2 năm nay rồi. Không biết quán ấy có còn nằm ở đó không, thời gian 4 năm, đủ làm cho mọi thứ thay đổi… Tôi đã trọ tít ngoài Thủ Đức, chẳng có cơ hội lên đó nữa. Thế nhưng, mùi vị chiếc bánh xèo ấy, tôi vẫn còn nhớ như in. Lúc đó tôi gọi một lúc 4 cái, vừa ăn vừa xuýt xoa cái cảm giác ngon lành. Ngon lành như tôi đang ở nhà ăn bánh xèo mẹ đúc, tôi cũng xuống bếp phụ mẹ phần… nếm thử.
Bạn biết không? Bánh xèo miền Trung quê tôi ngon nhất là ở rau và nước chấm. Hội An quê tôi có cả 1 làng rau Trà Quế mà du khách đi qua thể nào cũng phải ghé nhìn. Rau tươi ngon được lặt kĩ càng, thêm vào dưa leo và ít đu đủ chua nữa, thế là đã được một công đoạn chuẩn bị rồi đấy. Chảo đúc bánh ở miền Trung bé tí xíu (nói tí xíu thì chắc hơi quá, vì ngày xưa tôi ăn có thấy nó bé tẹo nào đâu, chỉ là từ khi thấy bánh xèo miền Tây lần đầu trong đời, tôi ngợp quá nên thấy bánh quê mình sao mà… bé thật! )
Bánh xèo miền quê một cái tên hai hương vị
Đây là hình ảnh những chiếc bánh xèo miền Trung được chiên giòn rộm​
Chiếc bánh xèo miền Trung được làm từ bột gạo, tráng một lớp dầu ăn mỏng lên chảo, rưới bột vào, thêm con tôm, tí thịt heo và một ít giá nữa… là xong. Đậy nắp lại không bao lâu là đã có một chiếc bánh ra đời. Khi ăn, bạn nhớ làm ướt sơ qua bánh tráng (người nhà quê như tôi gọi nó là bánh tráng lề), bánh này rất mỏng, không như bánh đa chưa nướng đâu, nên bạn chỉ làm ướt nhẹ trên bề mặt để dễ cuốn lại thôi. (à, quê tôi gọi cuốn lại là quấn lại đấy!) Tùy theo sở thích, bạn đặt các loại rau lên trên, rồi cho bánh xèo vào , cuốn lại và măm măm…
Nét đặc trưng của bánh xèo quê tôi mà trong này vẫn chưa có nơi nào làm tôi ưng ý, đó là nước chấm. Nước chấm trong này người ta dùng nước mắm pha loãng, thêm vài sợi đu đủ chua vào chén. Còn ở quê tôi, nước chấm làm từ tương và thịt, xay nhuyễn ra cho sền sệt và màu nâu đậm. Như vậy thì khi ăn, vị giòn tan của bánh xèo quyện với nước tương sẽ đậm đà hơn nhiều các bạn ạ.
Bánh xèo miền Tây
Có bánh xèo miền Trung, ắt là phải có bánh xèo miền khác nữa. Điều này thì đến hơn nửa năm sau khi vào Sài Gòn tôi mới phát hiện được. Qúa trình đó xem ra hơi chậm so với người khác nhỉ? Nhưng thôi mặc kệ, chậm mà chắc. Sở dĩ tôi nói như vậy, là cũng có nguyên do của nó. Chẳng là có một anh chàng (chắc cũng dân tỉnh lẻ như tôi) vào quán bánh xèo gọi ngay một lúc 5 cái, mà nhất định phải đem ra cùng một lúc chứ anh ta bảo đói lắm không chờ đem ra từng cái được. Ôi, thế là bạn biết không? Anh chàng phát hoảng vì cái 5 cái bánh cô chủ đem ra to đến mức… nếu trải chúng ra đặt cạnh nhau thì cũng bằng cái mâm cơm ấy chứ. Thế là anh chàng bị một phen vừa ăn vừa mếu hết mặt. Thì ra đó là bánh xèo miền Tây. Chắc anh chàng tưởng bánh nào cũng bé bé xinh xinh như bánh quê mình. Khổ thân anh! Lại nói đến phần tôi, cái cảm giác ban đầu khi ăn bánh xèo miền Tây là to và… đắt. Nó to gấp mấy lần bánh miền Trung thì giá của nó cũng cứ theo tỉ lệ thuận mà tăng lên.
Bánh xèo miền quê một cái tên hai hương vị
Bạn thấy không? Nó to…vật vã (chữ quê tôi) thế cơ mà !​
Ban đầu ăn chưa quen, tôi thấy hơi… vất vả. Ăn mà lại nói vất vả, kể cũng khó tin, nhưng mà thật đấy các bạn ạ. Bánh miền Tây chỉ cuốn bằng rau sống thôi, bỏ qua giai đoạn chuẩn bị bánh tráng lề, nên tôi cứ lúng ta lúng túng. Tôi cuốn không khéo cứ rơi hết bánh ra ngoài, trông luộm thuộm buồn cười lắm. Bánh đi đường bánh còn rau thì cứ đi đường của rau, ai nhìn thấy bộ dạng tôi lúc đó chắc sẽ không nhịn cười được.
Lại thêm vào chuyện cách ăn nữa. Nói nhỏ các bạn nghe nhé, ở quê tôi, bánh xèo miền Trung toàn ăn… bốc thôi à, cứ lấy tay bốc nguyên cái bánh đặt vào giữa rau và bánh tráng là xong. Còn bánh xèo miền Tây, tôi phải dùng đũa xắt xắt nó nhỏ ra rồi gắp, ôi sao mà không mau lẹ gì hết. Nhưng đó chỉ là thời gian đầu thôi, chứ khi quen rồi, thì thấy khoái món này lắm. Giờ tôi cuốn bánh xèo miền Tây thành thạo, vừa nhanh mà lại còn đẹp mắt lắm đó nha!
Phải công nhận rằng bánh xèo miền Tây mang một hương vị đặc trưng miền sông nước. Vị thơm của rau, vị béo của nước cốt, thêm vào rất nhiều nhân bên trong của bánh xèo khiến tôi liên tưởng đến tâm hồn người miền Tây cũng phong phú như vậy. Món ăn là tâm hồn của người tạo ra nó mà, đúng không?
Bây giờ mỗi lúc bạn bè hoặc ai đó rủ đi ăn bánh xèo, là tôi lại phân vân không biết nên đi ăn bánh xèo nào đây. Biết nhiều cũng khổ, vì biết nhiều thì sẽ có sự lựa chọn, mà bạn thấy đấy, “mỗi bánh một vẻ mười phân vẹn mười”. Tốt nhất là hôm trước ăn bánh miền này, hôm sao ăn bánh miền kia, mà ăn được cả hai cùng lúc thì tốt quá!
Nói vui với các bạn vậy thôi, ẩm thực là khẩu vị của mỗi cá nhân. Riêng đối với tôi, tôi cảm thấy cả hai loại bánh đều có những điểm chung và điểm riêng. Điểm chung là cả hai loại bánh tuy khác miền tạo ra nhưng chung quy vẫn là bánh xèo, vẫn là thứ bánh được chiên vàng lên từ bột, ăn kèm rau và nhất thiết phải dùng chung nước mắm. Bánh xèo là món ăn kết tinh của tinh hoa văn hóa ẩm thực mà ông bà chúng ta để lại. Sự phân biệt tên vùng miền là để tạo ra sự khác biệt trong hình thức món bánh, cách thức ăn và chính điểm riêng này đã để lại dư vị trong lòng người thưởng thức. Nếu bạn chưa từng nếm qua thì hãy thử xem nhé, bạn sẽ thấy rất thú vị khi trong lòng miền Nam được tận hưởng đặc sản của 2 vùng miền luôn đấy!
Thùy Linh​

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Bún ốc

Bún ốc là món ngon của đất Hà thành. Bớt chút thời gian, bạn có thể tự nấu món này tại nhà vào ngày nghỉ cuối tuần.

Xem thêm  

Sò huyết Ô Loan

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) từ lâu nổi tiếng là thắng cảnh của miền trung. Nơi đây cũng nổi danh với món sò huyết ngọt, béo làm say lòng bao du khách.

Xem thêm  

Cá ám rau cần

Cá ám là món ăn truyền thống của nhân dân vùng Nam Trực, Trực Ninh. Để có món ăn này, cần chuẩn bị cá quả tươi, rau cần và một số gia vị khác.

Xem thêm