Nội dung

Là giám đốc một công ty du lịch tại TP HCM, chị Trần Bích Hà đã áp dụng những tài liệu giáo dục tiên tiến trong cách dạy con gái và đã đạt được những thành quả nhất định. Dưới đây là bài chia sẻ của chị về cách rèn con tính tự lập từ thủa sơ sinh tới lúc một tuổi:

Vào tháng 7/2005, hơn 7 tuổi rưỡi, con gái tôi một mình đi tham dự trại hè tại trường Concord ở Anh, nơi con là học sinh Việt Nam duy nhất. Bạn nhỏ tuổi thứ hai của chương trình 13 tuổi. Hơn một năm sau, gần 9 tuổi, con lại một mình với ba lô trên vai, dấn thân vào hành trình du học.

Nhiều bạn bè đặt câu hỏi: vậy tôi đã làm gì, để con gái có đủ tự lập, tự tin, tự lựa chọn cuộc sống xa mẹ, xa gia đình, chấp nhận đến một nơi hoàn toàn xa lạ, sống nội trú với bạn bè đến từ nhiều nước khác nhau. Có cái đặc biệt là tại các trường đó, con luôn là học sinh Việt Nam đầu tiên và duy nhất.

Mọi sự bắt đầu từ khi con gái tôi tròn 10 ngày tuổi. Nắm trong tay vài chục cuốn sách dạy cách nuôi con của các tác giả Mỹ, trong đó có những cuốn chỉ dẫn hết sức cặn kẽ về sự phát triển từng tuần từ khi mới sinh của trẻ nhỏ - tôi quyết định biến con gái thành "con thỏ thử nghiệm".

Những bài học về tự lập đầu tiên tôi dạy cho con là:

Tự nhận biết mình no hay đói, tự quyết định bú bao nhiêu sữa là đủ

Hai tháng đầu, con gái bú sữa mẹ xen kẽ bình ngon lành, lần bú nhiều, khi bú ít, tôi không ép. Sự việc chỉ rối hết lên, khi vào quãng 2 tháng, con bắt đầu phân biệt được giữa sữa mẹ - sữa bình và thể hiện sự cương quyết yêu thích sữa mẹ để đẩy bình ra, đúng vào thời điểm mẹ hết sữa.

Con cương quyết từ chối bú bình. Nhiều người khuyên "phải ép thì nó mới ăn" và bày tôi cách ép con. Con bắt đầu ói sau mỗi bữa, mẹ thì khóc vì lo lắng. Nếu được làm lại: tôi sẽ làm theo đúng sách dạy, nghĩa là chẳng cần ép, đói quá bé sẽ ăn, cũng để dạy cho bé rằng: nếu không thể có lựa chọn tốt nhất (là sữa mẹ), thì phải chấp nhận lựa chọn thứ hai (nghĩa là sữa bình). Còn nếu từ chối sữa bình, thì sẽ bị đói.

Tập cho con ăn đúng theo nhu cầu cơ thể, chứ không ép: là bài học quan trọng đầu tiên các bậc bố mẹ cần thực hiện, để giúp con tự lập từ những ngày đầu tiên. Việc ép ăn xảy ra chủ yếu do tâm lý chúng ta không tin trẻ con mới đẻ có khả năng nhận biết là chúng no hay đói. Sự can thiệp thô bạo vào quá trình nhận biết đó sẽ làm trẻ sợ ăn, và mất luôn cảm giác đói.

Bà mẹ dạy con tự lập từ 10 ngày tuổi

Chị Bích Hà và con gái khi bé 8 tuổi tại một trường ở Anh để chuẩn bị phỏng vấn, bắt đầu hành trình du học. Ảnh: NVCC.

Luyện cho các bé nằm chơi một mình, không bế ẵm nhiều và cũng đừng nghĩ trẻ được bế là sướng.

Việc bế ẵm sẽ làm trẻ con mất dần cảm giác dùng phương tiện duy nhất lúc đó là tiếng khóc để thể hiện nỗi sợ, hoặc sự cần thiết được người lớn chăm sóc đúng lúc. Nếu được luyện đúng cách ngay từ ngày đầu tiên, đứa trẻ sẽ chỉ khóc khi đói, khi cần thay tã, khi mệt mỏi. Lúc ăn no, nằm hoặc ngồi chơi giúp các bé có thể tự lập để quan sát mọi sự việc xảy ra xung quanh, mọi âm thanh vẳng tới một cách thanh thản và vì vậy, giúp cho sự phát triển toàn diện nhanh hơn nhiều (cả về trí não và cơ thể).

Có một số mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ con, nếu bố mẹ biết tận dụng tốt, sẽ dạy được con những bài học quý giá về tự lập:

- Từ 3,5 tháng là thời điểm tốt nhất để tập cho bé nhai và cầm đồ vật. Bạn có thể dạy cùng lúc cả 2 kỹ năng này, bằng cách cho bé cầm nhai những thức ăn phù hợp. Ai có điều kiện kinh tế, có thể mua các gói bánh dành cho trẻ 3,5 tháng tuổi. Tôi dùng cà rốt hoặc khoai lang sống, rửa sạch, gọt vỏ, bổ tư theo chiều dọc, bé rơi thì tôi thay miếng mới. Đến quãng hơn 4 tháng tuổi, con gái tôi đã tự cầm thìa để xúc đồ ăn, lúc đầu không đưa vào mồm mà đổ hết xuống đất, thậm chí đổ lên đầu. Tôi cứ kệ cho bé nghịch, đến quãng 7 tháng thì một nửa đồ ăn đã được bé tự cho vào mồm.

Tự xúc đồ ăn, là bước khởi đầu rất quan trọng trong việc dạy con tự lập . Nếu bạn bỏ qua giai đoạn này chỉ vài tháng, sau đó bé sẽ không tự nguyện cầm thìa nữa, việc tự ăn uống trở nên khó khăn hơn nhiều. Bé sẽ khó tự lập trong việc ăn uống. 

- Từ 5 tháng, theo bản năng là bé đã có thể ngồi (xương đủ cứng cáp). Nên tập cho bé ngồi ngay khi đó. Bé biết ngồi, sẽ là bước tiến quan trọng trong việc giao tiếp giữa bố mẹ và con. Bé ngồi được, nghĩa là bạn có thể đặt bé ngồi ở sàn, hoặc ghế có dây nịt bảo vệ, để đọc sách cho bé nghe, dạy bé các trò chơi thích hợp mà lúc nằm bé không thể làm được.

- Từ 7 tháng, khi con đủ cứng cáp, tôi cho con tập đi. Tự đi được sẽ là bước tiến lớn trong hành trình dạy con tự lập. Khi đã biết đi, bạn nên để cho bé tự đi, chứ không bế nữa. Chỉ bế khi có nhu cầu giao tiếp bố mẹ với con. Quãng hơn một tuổi, khi đi ra ngoài, tôi đều cho con tự đi với dây nịt, chứ không bao giờ bế. Nếu con kêu mỏi, tôi cho ngồi nghỉ. Tôi rất kiên trì và cương quyết về việc này, nên lúc 17 tháng, trong chuyến đi thăm Hội An, con gái nhỏ của tôi đã có thể đi bộ gần 3 tiếng cùng mẹ lúc dạo chơi thăm thành phố. Con bé cương quyết không cho ai bế, lúc mỏi thì ngồi vệ đường nghỉ, đỡ lại đứng lên đi tiếp.

Tự đi trên chính đôi chân của mình, chính là bước tiến quan trọng trong việc rèn luyện sự tự lập cho con cái. Quãng trên dưới một tuổi, mỗi khi ra ngoài, con tôi cũng tự mình đi dép quai hậu, dù đi dép trái tôi cũng chỉ can thiệp để bé tự đi lại. 

Từ khi bé biết đi, trong sinh hoạt hàng ngày, đề phòng sự nguy hiểm khi muốn bé có thể tự lập và tự do khám phá, tôi bố trí lại đồ vật trong nhà.

Lối lên cầu thang phải có cửa để có thể cài chặt. Tôi dạy con tập bò lên bò xuống cầu thang khi con chừng 5-6 tháng, nhưng luôn cài chặt cửa cầu thang, đề phòng lúc người lớn sơ ý, bé bò một mình. Các đồ gỗ có góc nhọn đều được bọc lại để không gây nguy hiểm khi bé va vào. Tôi di chuyển toàn bộ ổ cắm điện lên cao 1,2m, đề phòng bé lấy tay ngoáy vào ổ điện... Bởi vậy, bắt đầu từ lúc biết đi chập chững, con gái tôi có thể và được quyền tự do đi lại một mình trong nhà mà tôi không có gì phải lo lắng. Riêng lên xuống cầu thanh, tôi vẫn phải kèm theo kiểu con bò trước mẹ bò sau khi lên, và ngược lại khi bò xuống. Để tập tính tự lập cho con, tôi chấp nhận nhà cửa và đồ gỗ bị xấu đi, cất hoặc để hết các đồ dễ vỡ lên cao.

Và như vậy: khi tròn một tuổi, con gái tôi đã rất tự lập: tự ăn, tự đi lại trong nhà và tự chơi một mình khi mẹ bận, tự đi bộ khi ra ngoài đi chơi cùng mẹ... Tuy con chưa biết nói, nhưng tôi đã có thể nhờ con nhiều việc như: lấy tờ báo đưa mẹ, đem trái cây mời bà (tất nhiên là những quả nhỏ và nhẹ như trái vải, trái nhãn, hoặc quả chuối cau...).

Tôi cho rằng, muốn con tự lập, bố mẹ cần: 

- Có niềm tin vào khả năng của con.

- Tập cho con từng việc vào đúng lúc, và đúng cách.

- Luôn động viên bằng cách khen (nhưng phải nêu rõ vì sao khen) khi con cố gắng tự làm được việc gì đó.

- Kiên trì, không sốt ruột, kể cả lúc bạn có tâm lý vội. Tốt nhất, hãy lập kế hoạch sao cho không lúc nào phải vội vàng khi tập cho trẻ việc gì đó. Tuyệt đối tránh làm hộ trẻ, chỉ vì thiếu kiên trì, khi thấy bé làm chậm - đừng chặc lưỡi theo kiểu: thôi mình làm hộ cho xong, còn làm việc khác, rồi dành lấy làm hộ trẻ. Bạn sẽ làm con mất tự tin, và ý muốn tự lập sẽ giảm dần, rồi mất hẳn.

Trần Bích Hà

Cùng tác giả:

Nữ giám đốc Sài Gòn dạy con cách tiêu tiền
Tôi đã rèn con ngủ thẳng đêm từ lúc 2 tháng tuổi thế nào
Tại sao phụ nữ Việt ngưỡng mộ đàn ông Tây

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm