Ảnh: Health. |
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, đưa ra một số gợi ý giúp bạn đối phó khi bé vòi vĩnh:
1. Luôn sẵn sàng
Bé có thể mè nheo ở bất kỳ đâu như ở nhà, khi đi siêu thị hoặc khoảng thời gian vui chơi tại nơi công cộng. Vì vậy, xác định trước sự khó chịu để bạn giữ được bình tĩnh, kiểm soát tình hình và kiên quyết nói “không" với bé.
2. Nhắc bé nhớ lại thất bại trong quá khứ
Nếu bé đủ tuổi để hiểu biết, bạn nên gợi nhớ lại việc trẻ từng đòi mua siêu nhân nhưng không được cha mẹ đáp ứng. Lần này, yêu cầu của con cũng rơi vào trường hợp như vậy.
3. Đánh lạc hướng chú ý của bé
Bạn có thể “làm nhiễu” sự quan tâm của con bằng một vật thay thế để bé chơi, nhìn hoặc ăn được.
4. Thói vòi vĩnh lớn thường khởi phát từ thói vòi vĩnh từ nhỏ
Bạn biết cách từ chối trẻ càng sớm thì bé càng bớt đòi hỏi hơn. Nhiều cha mẹ mắc sai lầm khi đáp ứng mọi đề xuất của bé vì thương con còn nhỏ, nhưng chính điều này sẽ xây dựng nên tính cách “muốn gì được nấy” cho dù bé đã lớn.
5. Thấu hiểu cảm xúc của trẻ
Điều này có nghĩa là bạn thử đặt mình ngang hàng với cảm xúc của bé hoặc bạn nên tham khảo biểu đồ phát triển tâm lý, hành vi của trẻ qua từng mốc tuổi khác nhau. Cách này giúp bạn trị bé hết mè nheo mà không gây áp lực lên con.
6. Mặc kệ bé
Nếu trẻ khóc đòi, thay vì dỗ dành, bạn thử phớt lờ. Khi phát tín hiệu mà không nhận được sự quan tâm từ cha mẹ, các bé sẽ chán và biết cách chấm dứt tình trạng đòi hỏi trong hòa bình.
7. Cương quyết hơn
Nếu thói vòi vĩnh của bé xuất hiện nghiêm trọng, bạn nên mạnh mẽ hơn. Nếu con nhất định đòi món đồ chơi trong siêu thị mà bạn không đồng ý, bạn thử nhanh chóng dắt bé ra ngoài, đến một nơi mát mẻ và thoáng đãng để bé tự do khóc lóc. Khi bé hết vòi vĩnh, bạn sẽ thỏa thuận tiếp với bé việc hai mẹ con sẽ quay lại siêu thị như thế nào.
8. Trao quyền cho bé
Bạn có thể thương thuyết với con trong khả năng có thể. Chẳng hạn, bé sẽ được mua đồ chơi mới nếu như bé đi ngủ đúng giờ… Không phải mọi đòi hỏi của bé là xấu, quan trọng là bạn biết rõ giới hạn giữa cái đáp ứng được và cái không thể đáp ứng được với bé.
9. Viết nhật ký
Vài ngày một lần, khi thói vòi vĩnh ở bé bùng phát, bạn nên ghi lại những cơn mè nheo của trẻ: địa điểm, thời gian, điều bé muốn, điều bạn có thể thực hiện… Nếu bé thường xuyên đòi đồ chơi trong siêu thì bạn nên dắt bé bỏ qua khu vực đó.
10. Kiềm chế tính nóng nảy của bạn
Nếu bạn cảm thấy mọi việc vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc bối rối không biết “xử lý” bé thế nào, bạn có thể ra ngoài thư giãn một chút nhưng vẫn đảm bảo bé trong hoàn cảnh an toàn. Sau đó, bạn sẽ quay lại và nói chuyện tiếp với trẻ.
Phương Trang
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet