Chị Xuân cho biết, mới sinh cháu cũng được 3,2 kg, trông cũng có da có thịt, không hiểu sao càng nuôi bé càng còi đi. Mấy tháng đầu con lên cân đều đặn nhưng càng về sau lại càng chậm, có tháng không lên được gr nào.
"Tôi sốt ruột lắm, cháu 3 tuổi đi khám dinh dưỡng, vẫn không ăn thua. Cháu ăn ít lắm, ngày không ăn gì có khi cũng không sao, chỉ uống sữa, nước cam, sữa chua. Bé còn rất hay ốm, có tháng ốm đến 2 lần, mỗi lần ốm là lại sụt cân", chị Xuân thở dài nói.
Trường hợp bé nhà chị Xuân không phải là hiếm gặp. Không ít gia đình đến khám dinh dưỡng phàn nàn gia đình không thiếu gì, liên tục tẩm bổ nhưng con vẫn còi cọc, mãi không lớn.
Bé cần được ăn đủ bốn nhóm dinh dưỡng để tránh thiếu chất, suy dinh dưỡng. Ảnh chỉ có minh họa: N.P. |
Cả nước hiện có khoảng 1,54 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ cân và gần 2,6 triệu trẻ suy dinh dưỡng thấp còi . Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tại các hộ nghèo là gần 27%, hộ trung bình là 20%. Trong những gia đình giàu, thậm chí rất giàu thì tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng khá cao, lần lượt là gần 14% và 6%.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, mỗi ngày tại trung tâm khám 500 trẻ "có vấn đề", trong đó phần lớn các bé là con cái trong gia đình có kinh tế khá giả. Trẻ suy dinh dưỡng không phải vì thiếu ăn. Nguyên nhân chính là do các bà mẹ ngày càng thiếu thời gian chăm sóc con, đặc biệt thiếu kiến thức về việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
"Kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thực ra không quá khó nhưng nhiều bà mẹ không thực hiện. Đơn giản như việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, có người cho con ăn sữa ngoài ngay sau sinh. Một số chưa để ý đảm bảo bữa ăn của bé có 4 nhóm thực phẩm nên thực đơn của bé chủ yếu là các thực phẩm giàu chất béo, đạm, đường", bác sĩ Diệp khuyến cáo.
Một số gia đình tẩm bổ cho con bằng các món thịt, trứng, bơ, sữa tươi, phô mai... khiến nhiều bé đến giờ ăn là phản đối kịch liệt. Một số lại chỉ tập trung vào các thức ăn chứa đạm, đường mà quên chất béo (dầu mỡ), chất xơ, vitamin, điều này cũng khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội), sai lầm thường gặp ở nhiều bà mẹ khi cho con ăn dặm là nghĩ rằng nước hầm có nhiều chất bổ, giúp trẻ dễ tiêu hóa, cứng xương, rồi vì sợ con không ăn được... Vì thế, họ mua thịt, xương về ninh nấu lấy nước nấu bột.
"Trong nước thịt, nước xương ninh hầm có nhiều nitơ, tuy tạo được hương vị thơm ngon, kích thích sự thèm ăn nhưng lại có rất ít đạm và canxi. Tất cả thành phần dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, canxi, phốt pho, sắt, kẽm... đều nằm trong phần cái của thức ăn. Nếu trẻ chỉ ăn nước thịt sẽ bị thiếu đạm, dẫn đến suy dinh dưỡng còi cọc và thiếu máu, còn ninh xương thì canxi hòa tan trong nước rất ít, cháu thiếu canxi nên bị còi xương", thạc sĩ Hải lý giải.
Nước luộc rau chỉ có một ít vitamin hòa tan trong nước (như: C, B1) với lượng không đáng kể. Hơn nữa chỉ cho ăn nước rau thì trẻ sẽ thiếu chất xơ, dẫn đến táo bón, không hấp thu được thức ăn cũng dẫn đến suy dinh dưỡng.
Trong những năm đầu đời, cân nặng và chiều cao của trẻ phát triển rất nhanh. Do vậy, nhu cầu dinh dưỡng tính theo cân nặng của trẻ cao hơn hẳn người lớn. Nếu chỉ luộc hoặc ninh thức ăn rồi lấy nước nấu bột, trẻ sẽ không có đủ dinh dưỡng. Thay vì đó, cha mẹ nên cho con ăn cả phần cái bằng cách nghiền, xay hoặc băm nhỏ, thạc sĩ Hải cho biết.
Theo bà, để tránh tình trạng trẻ cứ ăn cái (rau, thịt, cá) vào là nôn, ngay từ bữa ăn dặm đầu tiên, người mẹ đã phải cho con ăn cả cái nhưng tập ăn ít một. Lúc đầu xay băm nhuyễn, sau đó tăng dần độ thô của thức ăn. Những miếng đầu tiên cháu có thể ậm ọe muốn nôn, nhưng nếu kiên trì tập thì bé sẽ quen và không nôn nữa.
Khi trẻ bắt đầu có răng, nhất là có răng hàm (từ trên 1 tuổi) thì không dùng máy xay sinh tố nữa mà phải cho ăn thô: chỉ băm thức ăn, thái rau, ăn cháo hạt hoặc cơm nát, mì, bún phở để cho trẻ tập nhai. Việc nhai thức ăn sẽ kích thích tuyến nước bọt tiết men tiêu hóa giúp trẻ ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt. Động tác nhai cũng giúp xương hàm phát triển, sau này bé không bị mọc răng lệch do cung hàm hẹp, cho ăn thô sớm cũng phòng ngừa được chứng biếng ăn ở trẻ.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ là cả một quá trình lâu dài chứ không phải khám, uống hết thuốc là trẻ khỏi bệnh. Cha mẹ phải kiên trì, thay đổi thói quen chăm sóc con và đi tái khám theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Nam Phương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet