Mới đây, thông tin về việc có đến 30% số ca ung thư có liên quan đến thực phẩm bẩn khiến nhiều người không khỏi giật mình. Đặc biệt, thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh hoàng loạt các vụ thực phẩm bẩn, đặc biệt là những loại rau được cho là không thể thiếu trong các bữa ăn của các gia đình liên tục bị nhiễm hóa chất, tồn dư chất bảo vệ thực vật khiến không ít người lo lắng.
Để giải quyết vấn đề trên, nhiều gia đình ở thành thị đã không quản ngại khó khăn ra khu vực ngoại thành chọn mua rau hoặc về quê lấy rau sạch xuống để phục vụ cho nhu cầu bữa ăn hàng ngày, với hi vọng: “loại bỏ được độc tố ít nào hay ít đấy”.
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên về vấn đề này TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế) đã phủ nhận các quan niệm đồn thổi cho rằng, rau ở nội thành thường bẩn và bị ô nhiễm nhiều hơn ở ngoại thành và các tỉnh khác.
“Thực tế mẫu lấy để kiểm nghiệm chưa được nhiều, nhưng bước đầu cho thấy quan niệm về rau sạch ở ngoại ô và các tỉnh là không đúng. Bởi các nghiên cứu cho thấy, các mẫu rau được lấy mẫu ở ngoại thành có tỷ lệ nhiễm hóa chất như nhau so với các loại rau ở trong nội thành”, ông Hùng nói.
Đa số đất dùng trồng rau trong hộp xốp hoặc tận dụng bãi đất đều là đất tạp, có nguy cơ nhiễm độc cao.
Từ kết quả kiểm nghiệm trên, nhiều gia đình đã từ bỏ ý định ra ngoại thành mua rau, họ bắt đầu sử dụng những phương pháp tự trồng rau như trồng bằng hộp xốp trên sân thượng, hoặc tận dụng các bãi đất trống ven đường, bờ đê thậm chí là gầm cầu…để trồng rau.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc làm này chứng tỏ người dân đang ngày càng có ý thức nâng cao và bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình. Tuy nhiên, việc sử dụng những cách thức tự trồng rau không đúng cách, không đúng vị trí thì việc nhiễm độc và nhiễm khuẩn vẫn hoàn toàn có thể xảy ra và tích tụ lâu ngày trong cơ thể vẫn gây bệnh.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, với nguồn đất, nguồn nước nhiễm bẩn, ô nhiễm có thể mang theo các chất như lưu huỳnh, chì, thủy ngân… qua rễ lên thân rau sau khi tưới. Ngoài ra, nguồn nước bẩn còn là môi trường thuận lợi để các loại trứng giun, sán phát triển và kí sinh trong rau.
Theo đó, hiện nay nhiều người vẫn thường mang cả bao tải ra những bãi đất trống lấy đất về trồng rau hoặc trồng ngay tại những bãi đất trống đó. Thực tế, rau vẫn lên tốt bình thường nếu được chăm sóc, nhưng ít ai biết những loại đất đó là đất tạp, trong đất có chứa một số chất độc hại.
Rau được trồng trên loại đất tạp có thể nhiễm chất độc do tích tụ từ đất gây ra những nguy hại đến chính sức khỏe con người.
Chính vì lý do đó, PGS Thịnh cho rằng, đây là những loại đất không an toàn cho sản xuất. Rau được trồng trên loại đất này có thể nhiễm chất độc do tích tụ từ đất gây ra những nguy hại đến chính sức khỏe con người.
Bởi vậy, dù người dân đã giải quyết phần nào mối nguy hại từ các loại rau quả ngậm độc trên thị trường cũng như xoa dịu phần nào nỗi lo lắng cho người dân, việc tự trồng rau từ nguồn đất như vậy cũng không thể là biện pháp lâu dài.
Để trồng được rau sạch thật sự, người dân nên lựa chọn loại đất chuyên canh trồng rau, đó là đất được cải tạo liên tục hoặc đất phù sa được bồi đắp hàng năm nên sẽ không chứa các chất hóa học như các loại đất tạp.
Ngoài ra, người dân cũng có thể sử dụng những loại đất sạch đóng sẵn được bán nhiều ở các cửa hàng cây giống để thực hiện trồng rau bằng cách cho vào hộp xốp. Tuy đây là biện pháp an toàn, nhưng lại rất tốn kém vì phải mất chi phí mua đất, mua phân vi sinh kèm theo nên không phải ai cũng có thể thực hiện được.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet