Thông tin được các chuyên gia đưa ra buổi hội thảo xây dựng chính sách và pháp luật về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 9-10/4.
Theo bà France Begin, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, nuôi con bằng sữa mẹ cứu sống trẻ và bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật. Cụ thể, nếu trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh thì sẽ giúp giảm 22% số tử vong. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có thể ngăn chặn 75% đến 93% số ca tử vong vì tiêu chảy và 80% số ca tử vong vì viêm phổi.
Trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và đến 2 tuổi là nền tảng quan trọng để phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Ảnh minh họa: Nam Phương. |
Bên cạnh đó, việc cho con bú còn giúp bà mẹ co tử cung, điều chỉnh cân nặng sau sinh. Về lâu dài, nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Theo ông David Clark, Cán bộ Pháp lý Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, chỉ có 29% trẻ em khu vực Đông Á và Châu Á Thái Bình Dương được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Tỷ lệ này tăng ở hầu hết các khu vực nhưng không có sự thay đổi ở khu vực này. Con số này vào năm 1995 là 28% thì đến năm 2011 nhích lên được 29%, trong khi đó tính chung cả thế giới tăng từ 34% lên 43%.
Tương tự tại Việt Nam, trong 2 thập kỷ qua, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu chưa được cải thiện. Theo số liệu công bố gần đây thì chỉ có gần 20% trẻ tại nước ta được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do tác động quảng cáo của các hãng sữa, với những lời "có cánh" rằng sữa giúp trẻ tăng cân, tăng chiều cao, tăng trí thông minh... Điều này khiến các bà mẹ tin rằng mình không có đủ sữa cho con bú, sữa mẹ không cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho con. Vì thế, các chuyên gia hy vọng việc sửa đổi luật theo hướng cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ từ 0 đến 24 tháng tuổi (trước đây chỉ cấm quảng cáo sản phẩm cho trẻ 0-6 tháng) sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
Trong khi đó, tình trạng dinh dưỡng nghèo nàn từ khi trẻ trong bụng mẹ đến khi được 2 tuổi có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài, khó khắc phục như: thiểu năng phát triển não bộ, chỉ số thông minh thấp, thấp còi, thiếu hụt chiều cao so với độ tuổi và giảm tiềm năng tiếp thu học tập sau này.
Bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc Tổ chức Alive & Thirive tại Việt Nam cho biết, những hậu quả này phần lớn không thể cải thiện. Chẳng hạn, từ 3 đến 18 tuổi trẻ tăng trưởng chiều cao trung bình là 77 cm. Nếu trẻ bị thấp còi nghiêm trọng, chiều cao khi 3 tuổi là 81,2 cm, thì khi đến 18 tuổi chiều cao chỉ đạt 158cm, trong khi đó trẻ phát triển tốt chiều cao khi 3 tuổi là 94,5cm và khi 18 tuổi sẽ là 170,9cm.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, không có một loại thức ăn nào tốt hơn sữa mẹ. Nó chứa hơn 200 thành phần khác nhau, gồm các chất tăng khả năng miễn dịch, enzime, hoóc môn, vitamin cũng như các dưỡng chất cần thiết khác. Trong 6 tháng đầu trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn, thậm chí một chút nước tráng miệng cũng không cần. Trẻ khát thì cho bú mẹ, vì nếu cho uống nước thì bé sẽ thích nước hơn sữa mẹ. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú đúng phương pháp, người mẹ được ăn uống tốt, tinh thần thoải mái sẽ tạo điều kiện cho mẹ đủ sữa nuôi con. Tuỳ theo nhu cầu của trẻ mà có thể cho bú 8-10 lần trong ngày, không nhất thiết phải theo đúng giờ giấc.
Nam Phương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet