Chuẩn bị cho một bữa tiệc này, chủ nhà thường mua về khoảng hơn một trăm con cá chép, chỉ nhỉnh hơn ngón tay út và nuôi cá khoảng 2-3 ngày bằng thính gạo thơm.
Khi chế biến, người ta băm nhuyễn một ít cá, rồi chưng với tương nếp ngọt, có pha nước nghệ và chút rượu trắng để tăng vị thơm. Mùi tương bốc lên ngào ngạt, hấp dẫn.
Thưởng thức món gỏi cá này cũng khá cầu kỳ. Giữa mâm là bát tương chưng đặc mầu nâu thẫm, chung quanh là những đĩa rau sống xanh gồm lá sung nếp, lá ổi đào, lá táo gai, lá đinh lăng, lá mầm tưới, và phải là lá bánh tẻ, không non quá cũng không già quá, thêm vài củ sả, rau tía tô, kinh giới, ớt hiểm ương ương. Cạnh đó là mấy tấm bánh đa vừng vàng ruộm. Khách yên vị, chủ nhà mới bưng ra đặt cạnh mỗi người một bát sứ to trong lòng bát lượn lờ chục con cá chép, rồi đặt vào tay khách mỗi vị một chiếc vợt xinh bằng nứa.
Chạm cốc rượu sủi tăm thơm hương lúa nếp xong, các vị khách từ tốn, khoan thai khi thưởng thức món ăn đồng quê dân dã. Tiếng bẻ bánh đa vừng giòn tan, cùng tiếng xuýt xoa được thưởng thức món ăn lạ miệng, hấp dẫn. Hương rượu nếp tỏa nồng, quyện với hương thơm nước chấm cùng các loại rau gia vị hòa lẫn khó tả.
Cũng là món gỏi cá, nhưng thịt loại cá to thái lát, ăn cũng ngon, nhưng mềm và kém độ tươi, lại thiếu tiếng sậm sật khi nhai như ăn gỏi cá cả con chép bé tẹo này. Các thứ lá thơm đã át mùi tanh, trước đó một ngày cá đã nhịn ăn nên ruột sạch và cá còn quá nhỏ nên không có cảm giác đăng đắng của mật cá.
(Theo Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet