Nội dung
Thương lắm ngọn rau việt
Mâm cơm thường nhật của người Việt Nam không thể thiếu món rau. Rau hiện diện rất gần gũi, thân thuộc trong ẩm thực Việt. Thế nê một khi xa quê, người ta mới thấm thía, thấy thưuưng lắm ngọn rau Việt Nam
Suốt một thời gian dài sống thiếu thốn nên đến khi kinh tế phát triển, người Việt lại có khuynh hướng "lười" ăn rau. Nhưng tập quán ăn rau của người xưa đã được chứng minh là cần thiết và rất khoa học.
Đói ăn rau…
Vâng, đó là điều hiển nhiên quá đỗi đối với người Việt xưa. “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Rau trong bữa ăn đã trở nên quá thân quen, như thể đó là một loại lương thực chính giúp con người tồn tại. Và quả thực, đối với nhiều người, bữa ăn dù thịt thà tôm cá ê hề mà không có rau cũng trở nên nghèo nàn đến không thể nuốt nổi. Rau không thể thiếu trên bàn ăn người Việt!
Trong tất cả những món ăn vang danh thế giới của Việt Nam, không món nào là không có rau ăn kèm. Món nem rán (chả giò) phải có xà lách và các loại rau thơm quấn kèm, vừa gia giảm vị béo của nem chiên, vừa làm món ăn bớt khô. Món phở sẽ chẳng còn ngon nếu thiếu những cọng húng quế thơm lừng. Với người miền Nam, phở còn có thêm khúc biến tấu của giá chần ngọt lừ và rau ngò gai thơm ngát.
Đó là chưa kể đến những món lẩu mê hoặc khách du lịch quốc tế. Bất kể là loại lẩu gì, chua hay ngọt, điều kiện tiên quyết của một nồi lẩu ngon phải là thật nhiều rau. Các món thịt cá hay hải sản, tuy được xem là nguyên liệu chính, nhưng người ăn thường không yêu cầu đến đĩa thứ hai. Riêng rau ăn kèm, cứ phải đĩa tiếp đĩa nhúng đến khi nước lẩu cạn sệt mới thôi. Món bánh tráng Trảng Bàng nổi tiếng đến thế, hẳn không phải chỉ vì lớp bánh tráng xốp mềm phơi sương lạ miệng, mà còn vì cả chục loại rau ăn kèm, loại nào cũng mang vị đặc trưng riêng, như mùi thơm ngát của lá mận non, vị chua dịu của đọt xoài, lá lụa, hay vị chát của trâm bầu… tất cả đã cùng hòa nhịp để tôn xưng vị ngon của món ăn, cho miếng bánh tráng thêm mềm, lát thịt luộc thêm ngọt béo.

Bữa cơm gần gũi
Bữa cơm bình thường trong gia đình người Việt luôn phải có 3 món cơ bản: canh, mặn, xào, mà trong đó tỷ lệ món có rau đã chiếm ít nhất là 2/3. Người xưa coi rau là món ăn bình dị nhất, và sẻ chia với nhau từng cọng rau cũng là cách để tỏ tình thương yêu đằm thắm:
"Thiếp nguyện với chàng một sàng rau má
Chàng nguyện với thiếp một lá rau mưng
Chàng ăn, thiếp nhịn, xin đừng bỏ nhau”
Là bởi vì món rau gần gũi lắm trong mâm cơm gia đình. Bữa cơm có thể không có thịt cá, nhưng món cơ bản là rau thì không thể thiếu. Đôi lứa chia ngọt sẻ bùi với nhau qua từng cọng rau, từ rau má đắng đót đến rau mưng vị chát. Con cái muốn tỏ lòng yêu kính cha mẹ cũng qua món canh rau giản dị:
"Trời mưa cho ướt lá dừa
Cho tươi liếp cải cho vừa lòng em
Cho em hái đọt rau dền
Nấu tô canh nấm dâng lên mẹ già”

Chỉ thế thôi, mà người mẹ chắc chắn sẽ mát lòng mát dạ khi ăn món canh con nấu. Những ngày mưa hay ngày đầu xuân, cỏ cây đều đâm chồi nảy lộc, người ta mang rổ ra góc vườn để rồi loáng cái chiếc rổ đã đầy ắp những loại rau nhà, mọc lên từ giọt mưa sa, từ tinh túy mùa xuân ngọt ngào và nhanh chóng trở thành bát canh rau tập tàng nghi ngút khói.
Phương Tây có món salad đa dạng như thế nào thì Việt Nam có những món nộm (gỏi) phong phú như thế ấy. Nguyên liệu chính của nộm luôn luôn là những món rau, kết hợp với các loại rau thơm và trộn với nước mắm chua ngọt, trở thành món khai vị phổ biến trong các bữa tiệc từ thôn quê đến thành thị. Và tập quán ăn rau này đã được chứng minh là hết sức khoa học, bởi không chỉ gợi cảm giác ngon miệng, nó còn cân bằng dinh dưỡng và là cách con người tận dụng những loại rau - vị thuốc thiên nhiên - một cách dễ dàng nhất.

Rau thương rau nhớ
Những ngọn rau muống, rau ngổ hay rau nhút đã là niềm nhớ thương của không biết bao người Việt xa quê:

“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”
Chẳng cần đi đâu xa, chỉ qua đến nước láng giềng Campuchia hay thành phố cảng Hồng Kông, người Việt đã thấm thía nỗi khổ thiếu… rau. Vào quán kêu món hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng, ngỡ như thưởng thức tại bản địa sẽ thấy ngon hơn cách ăn “nghe ngóng” ở Việt Nam, nhưng nhìn hai cọng xà lách chơ vơ, người Việt chắc chắn đã thấy rầu, vì vốn quen với cách ăn kèm thật nhiều rau ở quê nhà. Còn ở Hồng Kông - một thành phố đảo - thì rau là một thực phẩm khá đắt tiền, muốn ăn rau thỏa thích như thói quen thường có, bạn phải chi một số tiền xa xỉ đến... đau thắt ruột.
Qua tới xứ Mỹ xa xôi thì vấn đề lại càng “trầm trọng”. Người Việt định cư ở Mỹ phải thay những sợi hoa chuối trong món bún bò Huế bằng bắp cải bào nhuyễn, hay “tranh thủ” lúc vào mùa mua hàng loạt rau bố về nhặt rửa sạch cho vào tủ cấp đông để dành ăn dần, món này thay cho bát canh cua rau đay thương nhớ. Thôi thì rau bố có hơi xảm, không khéo chế biến thì lại còn vị nhân nhẫn, nhưng vẫn hơn cả năm trời không biết đến bát canh cua.
Thế nên những nhà người Việt ở các nước xứ lạnh có chút đất rất dễ nhận ra, bởi quanh nhà thế nào cũng có vài luống rau thơm, dăm cây cải ngọt, bởi cái nỗi nhớ rau không phải cứ có tiền mà thỏa được. Những món rau quen thuộc của quê nhà, qua đến xứ người kiếm mãi không ra, đành phải “tự cung tự cấp” cho vơi nỗi niềm nhớ thương vậy. Ấy thế mà ở Việt Nam hiện nay, những ngọn rau lại tiềm ẩn bao nguy cơ từ thuốc trừ sâu, từ ký sinh trùng nguy hại. Đến bao giờ người Việt mới thực sự chỉ gieo trồng và dùng rau sạch trên mảnh đất quê nhà?
Bài: Tuệ Phương

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Bún ốc

Bún ốc là món ngon của đất Hà thành. Bớt chút thời gian, bạn có thể tự nấu món này tại nhà vào ngày nghỉ cuối tuần.

Xem thêm  

Sò huyết Ô Loan

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) từ lâu nổi tiếng là thắng cảnh của miền trung. Nơi đây cũng nổi danh với món sò huyết ngọt, béo làm say lòng bao du khách.

Xem thêm  

Cá ám rau cần

Cá ám là món ăn truyền thống của nhân dân vùng Nam Trực, Trực Ninh. Để có món ăn này, cần chuẩn bị cá quả tươi, rau cần và một số gia vị khác.

Xem thêm