Sáng 2/7, hàng trăm thí sinh chuẩn bị dự thi vào các trường đại học ở Hà Nội đã tới khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên của Việt Nam) để cầu may mắn. Có mặt ở Văn Miếu từ 7h sáng, Vũ Hoàng Thái, sinh viên năm nhất ĐH Bách Khoa (Hà Nội), cùng một nhóm khoảng 10 sinh viên tình nguyện tổ chức "canh gác" khu vực đặt các tấm bia đá tiến sĩ. Được Ban quản lý khu di tích đồng ý, Thái cùng các "đồng nghiệp" liên tục giám sát, nhắc nhở không để các sĩ tử vượt rào vào bên trong sờ đầu rùa cõng bia đá, cầu may.
"Em phải liên tục giải thích cho các sĩ tử và phụ huynh rằng quan niệm sờ đầu rùa giúp thi cử may mắn là không đúng đắn. Đa số mọi người hiểu và hợp tác, không có trường hợp nào phản ứng thái quá", sinh viên Vũ Hoàng Thái cho biết. Nhờ các sinh viên tình nguyện, khu vực bia đá trong Văn Miếu khá trật tự, không còn tình trạng sĩ tử tranh nhau sờ đầu rùa gây lộn xộn, phản cảm.
Điện Đại Thành là điểm duy nhất được phép thắp hương trong cả khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sinh viên Đàm Thị Lan, tình nguyện viên đến từ ĐH Bách Khoa (Hà Nội) đứng giám sát trước điện để đảm bảo không có ai mang hương vào bên trong. "Khi được nhắc nhở, mọi người đều vui vẻ chấp hành", Lan cho biết.
Nơi thờ Khổng Tử bên trong điện Đại Thành luôn có rất đông sĩ tử và phụ huynh cầu khấn.
Một vị phụ huynh làm lễ trước tượng Khổng Tử với tờ giấy ghi thông tin trường thi, khối thi của con.
Chiếc bàn trước tượng Khổng Tử trong điện Đại Thành đầy lễ vật và tiền lẻ được cài lộn xộn.
Thời tiết sáng 2/7 nắng.
Ngoài làm lễ, sĩ tử còn tranh thủ xin chữ cầu may. Cầm tờ giấy đỏ có chữ "Đạt" trên tay đợi cho khô mực, Đinh Toàn Thắng (quê Hà Nam) cho biết em cảm thấy tự tin hơn sau khi đến Văn Miếu làm lễ và xin chữ. Hai ngày nữa, Thắng sẽ dự thi vào ĐH Xây dựng, sau đó là Học viện Cảnh Sát.
Quý Đoàn
vnexpress.net
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet