Số phận như trêu ngươi khi gán ghép cô gái xứ Nghệ, con của một gia đình từng tham gia kháng chiến chống Mỹ với một chàng trai Mỹ. Vậy nhưng cuối cùng, đi theo tiếng gọi của tình yêu và bản lĩnh của một cô gái trẻ, chị Nguyễn Thị Thanh Lưu (sinh năm 1983 tại thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn quyết tâm theo chồng sang Mỹ, tạo dựng cuộc sống mới ở nước nhiều người gọi là “thiên đường” này.
Sau những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, chị phải học hỏi và hoà nhập với văn hoá Mỹ. Từ những trải nghiệm đầu tiên ở bệnh viện Mỹ trong lần sinh Rau Muống, sự khác nhau trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh ở Mỹ cho đến chuyện duy trì nấu những món ăn quê hương như một cách để những đứa con thơ hiểu và yêu thêm quê mẹ Việt Nam. Đến nay, bà mẹ trẻ đã xây dựng được cho mình một tổ ấm hạnh phúc thực sự với hai đứa con Cà Kiu và Rau Muống thông minh và đáng yêu, với người chồng luôn thấu hiểu và yêu thương.
Cùng trò chuyện với một người phụ nữ Việt đang làm dâu nước Mỹ để hiểu hơn về nội tình của chủ đề “nuôi con kiểu Tây” đang rất được các bà mẹ Việt ưa chuộng học tập.
Chị Thanh Lưu, một bà mẹ trẻ đang trải nghiệm những câu chuyện nuôi dạy con thực tế trên đất Mỹ.
Lối giáo dục của phương Tây không phải bao giờ cũng đúng
Là một người phụ nữ Việt sang Mỹ để làm dâu xứ người, chị đã dạy con theo cách nào, áp dụng nền văn hoá nào cho con mình: Việt hay Mỹ?
Tôi là một phụ nữ Việt Nam đang học làm dâu nơi xứ lạ. Tôi và chồng quen biết qua công việc rồi yêu nhau trong 3 năm trước khi cưới và có hai nhóc tì.
Trước khi quen biết rồi “phải lòng” chàng người Mỹ của tôi, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng có một ngày tôi sẽ yêu một người đàn ông ngoại quốc, chứ chưa nói đến chuyện theo chàng về xứ sở xa lạ của chàng để làm dâu. Tôi tự thấy mình là mẫu người hoài cổ, mê các giá trị văn hoá cổ truyền, đó cũng là lí do mà tôi chọn theo đuổi chuyên ngành văn học dân gian.
Trước đây, tôi đã nghĩ rằng vì tôi yêu tha thiết văn hoá cổ truyền Việt Nam như thế thì tôi sẽ chẳng yêu được những giá trị xa lạ nào khác. Nhưng đến khi gặp Jason - chồng tôi rồi sang Mỹ làm dâu, tôi mới biết là tôi nhầm. Hoá ra, tôi đã tự giới hạn mình trong những định kiến về bản thân. Giờ đây, tôi yêu những giá trị văn hoá thuần Việt nhưng tôi cũng mở lòng để đón nhận những giá trị văn hoá mới của Mỹ.
Thuần Việt và tiếp thu những giá trị văn hoá mới thực ra không mâu thuẫn gì với nhau. Nhận thức điều này cực kì quan trọng trong việc nuôi dạy con cái của tôi. Dù đang sống ở Mỹ và biết chắc rằng các con sẽ thụ hưởng văn hoá Mỹ, nhưng tôi và chồng luôn nhắc nhở nhau dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho con ngay từ bây giờ.
Nghĩa là chồng chị ủng hộ chị trong việc gìn giữ cái gốc Việt Nam cho con?
Dĩ nhiên. Tôi nghĩ bất kì một người đàn ông nào biết suy nghĩ thì đều ủng hộ điều đó. Huống chi, chồng tôi là một người nghiên cứu lịch sử Việt Nam, mê Việt Nam như điếu đổ...(cười).
Nhiều lúc, chính anh là người nhắc nhở tôi về việc dạy tiếng Việt cho con. Chúng tôi phân công nhau, ở nhà, tôi cố gắng nói tiếng Việt với con để các con làm quen với tiếng mẹ đẻ của tôi song song với tiếng Anh. Chính chồng tôi cũng là người dạy con đọc truyện Kiều. Giờ, hai đứa trẻ nhà tôi (1 đứa bốn tuổi, 1 đứa hai tuổi rưỡi) đã bắt đầu ngâm nga: “Trăm năm trong cõi người ta”, yêu lắm! (cười)
"Tôi là một phụ nữ đang học làm dâu nơi xứ lạ từng ngày...Tôi có một gia đình nhỏ rộn tiếng cười của con trai và con gái, có một người chồng “mắt xanh mũi lõ” biết nói tiếng Việt vanh vách, biết ăn mắm tôm (và thậm chí còn biết nêm bao nhiêu chanh, đường, ớt là vừa miệng).
Những món ăn Việt vẫn được chị làm bên trời Mỹ để dạy các con về quê mẹ Việt Nam.
Ở một gia đình mà con cái lai giữa hai dòng máu Việt – Mỹ như gia đình chị, vợ chồng chị xử lí thế nào trong việc dung hoà hai nền văn hoá trong cách nuôi dạy con cái?
Vợ chồng tôi thường bàn bạc rất nghiêm túc về việc nuôi dạy con, để các con dù thụ hưởng nền văn hoá Mỹ cũng không mất đi cái gốc gác Việt Nam. Trong phương pháp nuôi con, tôi nhận được sự hỗ trợ lớn từ gia đình nhà chồng (mẹ chồng, dì của chồng đều là những nhà tâm lí học) để tiếp thu những phương pháp dạy con kiểu Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi thống nhất với nhau rằng lối giáo dục của phương Tây không phải bao giờ cũng đúng. Do đó, vợ chồng tôi cũng phản biện với một số phương pháp nuôi con kiểu Mỹ và tránh những cách mà chúng tôi thấy không phù hợp.
Chị nói rằng lối giáo dục phương Tây không phải lúc nào cũng đúng, chị có thể cho ví dụ cụ thể?
Như trong cuốn sách mới ra của tôi (Làm dâu nước Mỹ), tôi có đề cập đến, có những gia đình ở Mỹ chọn cách không bao giờ nói “không” với con, vì họ cho rằng luôn luôn có cách nói khác để làm trẻ không cảm thấy tổn thương. Chúng tôi thì nghĩ, nói “không” với con cũng là một cách giúp con hiểu được những giới hạn cần thiết của đời sống.
Bên cạnh đó, tôi vẫn duy trì lối dạy con của Việt Nam, để con hiểu rằng bố mẹ sẽ dành cho con tình yêu vô điều kiện, sẽ bảo vệ con mọi lúc và sẽ cố gắng thấu hiểu con, nhưng bố mẹ không thể là người “bằng vai phải lứa” với con. Dù quan hệ gia đình cởi mở và tự do đến đâu, con cái vẫn phải biết nể trọng cha mẹ.
"Việc của cha mẹ không phải là định hướng giấc mơ cho con mà là dạy con biết mơ và tự nuôi dưỡng những giấc mơ của mình".
Nhiều người nhầm lẫn căn bản khi sính nuôi con kiểu Tây
Hiện nay, ở Việt Nam, các ông bố bà mẹ đang có xu hướng học cách nuôi con kiểu Tây, chị có suy nghĩ và chia sẻ gì về điều này qua kinh nghiệm nuôi con ở Mỹ?
Qua bạn bè đồng lứa, tôi có thấy hiện tượng “sính” nuôi con kiểu Tây của một số ông bố bà mẹ ở Việt Nam hiện nay. Tôi nghĩ thời đại thông tin đã mở ra vô vàn cánh cửa để các bậc làm cha mẹ tìm đến học hỏi để làm tốt nhất nghề nghiệp trọn đời “làm cha mẹ” của mình. Việc tham khảo các phương pháp nuôi con từ các nước văn minh là điều nên làm vì con cái chúng ta rồi sẽ sống trong một thế giới hầu như không có giới hạn cách ngăn. Tiếp thu cái mới để dạy con cũng là một sự khởi đầu cho tinh thần cởi mở của chính con cái của chúng ta sau này.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy dường như có một số vị phụ huynh đã nhầm lẫn một cách căn bản về việc tham khảo phương pháp nuôi dạy con với việc sao chép máy móc các giá trị văn hoá phương Tây. Vì thế, thay vì tham khảo một số cách hay trong nuôi dạy con cái của người phương Tây để hoàn thiện cách giáo dục con cái, họ “phó mặc” con hoàn toàn cho lối giáo dục phương Tây, các giá trị văn hoá phương Tây để rồi nhận lại sản phẩm là những “Tây con” da vàng mũi tẹt.
Tôi nghĩ, việc nhìn ra xung quanh để học hỏi chỉ nên giới hạn trong phạm vi tham khảo, còn cái cơ bản, mình vẫn phải nhìn vào đứa con của mình, vẫn phải bắt đầu bằng những giá trị cốt lõi của văn hoá mình để định hướng cách dạy dỗ con.
"Việc tham khảo các phương pháp nuôi con từ các nước văn minh là điều nên làm vì con cái chúng ta rồi sẽ sống trong một thế giới hầu như không có giới hạn cách ngăn.Tuy nhiên, tôi nhận thấy dường như có một số vị phụ huynh đã nhầm lẫn một cách căn bản"
Chị có thể cho một ví dụ về cái mà chị gọi là nhầm lẫn của một số bậc cha mẹ sính nuôi con theo kiểu Tây được không?
Ví dụ, tôi thấy một thực tế thế này: hiện nay nhiều cha mẹ muốn cho con đi học tiếng Anh từ khi con nói tiếng Việt còn chưa sõi, rồi thay vì nói tiếng Việt với con thì họ lại cố gắng nói toàn ngoại ngữ với con. Theo tôi, đó là việc làm sai lầm. Con cái của chúng ta trước hết phải là người Việt, phải biết tiếng Việt, giỏi tiếng Việt, hiểu biết về văn hoá Việt Nam đã rồi mới nói đến chuyện mở mang thêm.
Tôi nghĩ việc này xảy ra chính vì sự nhầm lẫn trong quan niệm của cha mẹ về vấn đề tham khảo phương pháp nuôi dạy con kiểu Tây. Bạn có thể tham khảo cách cho con ăn, ngủ, học hành, cách trò chuyện với con cái, cách xây dựng mối quan hệ với con cái để chúng trở thành những người Việt Nam tự tin và giỏi giang chứ không phải là sao chép hoàn toàn mọi nội dung giáo dục của phương Tây để con bạn biến thành một Tây con xa lạ với văn hoá Việt.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet