3 năm trước, chồng tôi quyết định sang Mỹ học nghiên cứu sinh. Phận làm vợ nên tôi và con cũng phải "tay xách nách mang" cùng đồng hành với chồng sang xứ người. Thời gian đầu là giai đoạn khủng hoảng nhất với tôi và con. Chúng tôi phải cố gắng để thích ghi với một cuộc sống mới mẻ, con người xa lạ, một phong cách sống khác.
Và rồi mọi chuyện cũng đã ổn, 3 năm sống ở phương trời xa xôi, tôi đã chiêm nghiệm được rất nhiều điều thú vị về cuộc sống cũng như con người nơi đây. Điều đặc biệt ảnh hưởng và gây ấn tượng với tôi đó là cách nuôi dạy con của người Mỹ. Sự khác biệt lớn nhất về cách dạy con của người Mỹ với người Việt đó là sự thống nhất, quyết đoán của bố mẹ Mỹ.
Dạy con: Tự lập
Theo chính sách kế hoạch hóa gia đình, hiện tại nước ta mỗi nhà chỉ nên có từ 1-2 con để nuôi và dạy cho tốt. Chính vì ít con cái, nên bố mẹ lại càng có xu hướng chiều chuộng, bao bọc các con một cách quá cẩn thận. Chúng ta luôn nghĩ trẻ như một “sinh linh bé nhỏ” và cần được sự chăm sóc chu đáo về mọi mặt. Nhiều con đã đến tuổi đi học mẫu giáo, nhưng việc đơn giản nhất như mặc quần áo, tự ăn cơm… vẫn phải để bố mẹ làm giúp. Đây không phải lỗi của các con, mà xuất phát từ chính bản thân bố mẹ, đôi khi muốn tốt cho con nhưng lại vô tình hại con, khiến con trở thành một đứa trẻ phụ thuộc.
Khác với bố mẹ Việt, người Mỹ luôn cho rằng cần phải rèn luyện tính tự lập cho trẻ từ tấm bé, nó không những giúp trẻ độc lập hơn mà còn là điều kiện tốt để trẻ phát triển về sau này đồng thời nó còn giúp ích được cho người lớn. Vì thế, ngay từ khi trẻ một tuổi rưỡi, họ đã bắt đầu dạy cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ bản thân. Trẻ con Mỹ sẽ phải học cách tự phục vụ chính bản thân mình ngay từ khi còn rất nhỏ như buộc dây giầy, mặc quần áo, rửa bát, đánh răng… Đó là lí do dễ hiểu khi chúng ta thấy mẹ Mỹ nuôi con nhàn hơn mẹ Việt.
Chế độ dinh dưỡng: có gì ăn nấy
Ở Mỹ, cha mẹ luôn áp dụng cho trẻ theo một chế độ ăn nhất định, nói không với việc "kén cá chọn canh", bố mẹ ăn gì thì trẻ cũng phải ăn nấy. Ngược lại với mẹ Mỹ, mẹ Việt luôn lên thực đơn riêng cho trẻ, họ quan niệm rằng trẻ cần được ăn những mon ăn bổ dưỡng nhất và đầy đủ nhất.
Nói không với việc "kén cá chọn canh" (Ảnh minh họa)
Trong bữa ăn, khi trẻ nhất quyết không chịu ăn thì mẹ Việt sẽ dùng mọi cách để ép con ăn cho bằng được, vì họ nghĩ việc con bỏ bữa là một việc làm không đúng, dễ gây hảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhưng mẹ Mỹ thì không, họ không hề ép buộc con, nếu chúng không muốn ăn nữa thì cũng không sao, hãy cứ đến khi đói thì chúng sẽ tự biết đường tìm đến đồ ăn.
Ở Mỹ hay một số nước phương Tây khác, cha mẹ cho trẻ ăn phomat (phomai) từ rất sớm nhưng mẹ Việt lại cho rằng việc sử dụng phomat sẽ rất dễ khiến trẻ mắc bệnh béo phì và không có chất dinh dưỡng.
Thói quen ngủ: nói không với việc ôm ấp con ngủ
Bố mẹ Mỹ thường có quy định rất nghiêm về giờ giấc cũng như thói quen ngủ của trẻ. Nếu bố mẹ Việt Nam hay tạo cho con các thói quen như trẻ phải được nằm võng, bế đu đưa, ngậm ti bình... mới ngủ thì mẹ Mỹ lại khác. Họ không đồng tình với cách làm này vì họ không gieo rắc các thói quen xấu cho con, họ quan niệm rằng một khi đã tạo thói quen xấu thì về sau rất khó khăn xây dựng được thói quen tốt.
Ở Việt Nam, trẻ dưới 2-3 tuổi vẫn có thể ngủ chung với bố mẹ, sau đó ngủ ở phòng riêng, hoặc nếu điều kiện không cho phép, để bé ngủ cùng phòng nhưng riêng giường. Trẻ em Mỹ tự ngủ một mình từ rất sớm mà không cần đến sự trợ giúp của bố mẹ. Khi mới bắt đầu ngủ một mình, các bé cũng khóc vì vì đã quen và muốn được bế, được ôm, được đung đưa để giúp đi vào giấc ngủ. Trong hoàn cảnh này, nếu mẹ Việt vội vàng vào chạy ôm bế con thì mẹ Mỹ lại thản nhiên để con khóc như vậy trong vòng 5 phút sau đó mới chạy vào phòng vỗ về nhưng tuyệt đối không bế con lên, bởi vì bé cần học được cách tự ru mình vào giấc ngủ.
Trong lúc ngủ khi các bé thức giấc thì mẹ Việt và Mỹ xử trí ra sao. Đương nhiên, mẹ Việt sẽ lại ôm, vỗ về, đung đưa hát ru, cho uống sữa… để con nhanh chóng quay lại giấc ngủ. Nhưng mẹ Mỹ thì không. Họ nhất quyết không làm như vậy vì đây là thời điểm quan trọng để bé học cách tự vỗ về mình ngủ trở lại. Đó chính là lí do mà các mẹ Mỹ có thể ngủ một mạch đến sáng còn mẹ Việt thì một đêm phải thức dậy rất nhiều lần.
Đòi hỏi của con: Nói không
Đây là một trong những khác biệt trong cách nuôi dạy con của người Mỹ so với Việt. Thông thường cha mẹ Việt thường thể hiện tình yêu con ra ngoài, đôi khi hơi thái quá. Họ luôn chiều theo ý con, nếu con không thích sẽ không làm hoặc con đòi cái gì sẽ cho cái đó. Tuy nhiên chính cách thể hiện tình yêu này lại khiến trẻ có tính ích kỷ, học đòi và sinh ra tính "có voi đòi tiên". Đó là lí giải tại sao khi mẹ cho con các con đi mua sắm cùng, các con sẽ thi nhau đòi hỏi mọi thứ.
Ngược lại, mẹ Mỹ luôn lạnh lùng và vô tình trước mỗi đòi hỏi của con. Khi các con muốn một thứ gì đó, mẹ Mỹ phải thấy đó thực sự là điều cần thiết thì mới gật đầu đồng ý cho con.
Kỉ luật: Không hề có đòn roi
Khi các con mắc lỗi sai hay làm bất cứ một việc gì không đúng, bố mẹ Việt thường dùng đòn roi hay những lời nói nặng nề để chỉnh đốn lại con. Còn ở Mỹ, đòn roi không hề có. Thay vì la mắng, đánh đập, bố mẹ Mỹ trừng phạt con bằng nhiều hành động tích cực và lí trí hơn.
Cấm túc là phương pháp phạt phổ biến nhất được sử dụng tại các gia đình Mỹ. Mỗi khi con mắc sai lầm gì, các bà mẹ sẽ không cho con ra ngoài chơi, yêu cầu con phải ngoan ngoãn ở nhà. Thời gian bị cấm túc sẽ phụ thuộc vào mức độ phạm lỗi mà con gây ra. Dù trẻ lớn hay nhỏ, một khi đã mắc lội đều bị cấm túc. Đi kèm với việc cấm túc, các bà mẹ Mỹ thường yêu cầu con làm việc nhà để “chịu phạt” vì lỗi lần mình đã gây ra. Sau mỗi lần như vậy, không chỉ giúp trẻ hối lội mà còn rèn luyện cho con biết tự làm việc nhà.
Thay vì la mắng, đánh đập, bố mẹ Mỹ trừng phạt con bằng nhiều hành động tích cực và lí trí hơn (Ảnh minh họa)
Ngoài hình thức đó, bố mẹ Mỹ sẽ thẳng tay cắt tiền tiêu vặt của trẻ khi chúng mắc lỗi, nhưng bù lại, họ biết cách động viên khuyến khích con bằng cách cho con tự làm việc nhà và trả công theo đúng mức độ làm việc của con. Mẹ Mỹ luôn có một ý nghĩ tích cực rằng đánh đòn có thể khiến con đau, nhưng chúng chỉ đau lúc ấy. Đối với các bạn nhỏ, tước bỏ những thú vui, sở thích của con khi con làm sai còn hiệu quả hơn là dùng đòn roi. Những “đặc quyền” mẹ tước phụ thuộc vào từng sở thích cụ thể của con, đó có thể là không cho xem tivi, dùng máy tính, đi chơi nhà hàng xóm...
Ý kiến của con: tôn trọng ý kiến và quyết định của con
Một khác biệt nữa trong cách nuôi dạy con của người Mỹ so với người Việt được thể hiện ở vấn đề tôn trọng ý kiến của con. Bố mẹ Việt luôn nghĩ "con còn nhỏ nên không biết gì để có thể can thiệp vào mọi việc của gia đình". Chính vì ý nghĩ có phần cổ quái đó, hầu như trẻ Việt luôn bị áp đặt theo các ý kiến của bố mẹ. Ngay từ việc chọn trường học, hay những sở thích, ham muốn của mình, trẻ cũng phải chờ đợi sự phê duyệt của người lớn.
Trẻ Mỹ thì khác, các con được phép đưa ra ý kiến cá nhân và luôn nhận được sự tôn trọng của người lớn. Không những vậy, bố mẹ Mỹ cũng có một hành vi tốt mà chúng ta nên học tập đó là luôn luôn hỏi ý kiến của con trước khi làm bất cứ một việc gì. Điều đó cho thấy họ luôn coi trọng và nhận thức rõ vai trò của con cái trong mọi việc.
Thái độ giáo dục: Tự do làm những gì mình thích
Bố mẹ Việt luôn thực thi chính sách nghiêm khắc, cấm đoán, ép buộc trong chiến dịch giáo dục con cái. Chỉ vì lo lắng cho con một cách thái quá, các mẹ sẵn sàng can thiệp vào mọi hoạt động của con, thay vì cho con được tự do làm theo những điều mình thích thì chúng phải sống và lựa chọn dựa trên ý kiến của bố mẹ. Điêu này khiến các con không được tự do sáng tạo và khám phá những điều mà mình mong muốn
Bố mẹ Mỹ thì khác, họ dường như lúc nào cũng sợ việc cấm cản con cái sẽ hạn chế sự sáng tạo của chúng. Thế nên, họ để con cái tha hồ tung hoành, làm bất kỳ những điều gì chúng muốn. Với cách giáo dục thoải mái này, trẻ con Mỹ sẽ có nhiều cơ hội được thể hiện cá tính cũng như được va chạm với những điều mà bản thân mình thích. Không những vậy, việc được tự do tung hoành, vui chơi sẽ là điều kiện tuyệt vời để trẻ Mỹ được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ và thú vị xung quanh cuộc sống.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet