Là một bà mẹ có mong ước được nuôi con bằng sữa mẹ nhiều như có thể và cho con bú mẹ đến những giọt sữa cuối cùng, vậy nhưng “tập 1”, vì chưa có nhiều kiến thức nên con gái đầu của chị Nguyễn Hồng Anh (28 tuổi, hiện đang định cư tại CHLB Đức) không được bú mẹ đầy đủ. “Tập 2” chị Hồng Anh sinh non khi con trai mới được 34 tuần tuổi, bà mẹ hai con những tưởng lần này cũng sẽ chẳng có sữa mẹ cho con. Vậy nhưng với sự tận tình hướng dẫn cách hút sữa mẹ của y bác sỹ tại bệnh viện Đức, với tình yêu thương con cùng sự kiên trì nhẫn nại, chị Hồng Anh đã đi từ những ngày chỉ có 5, 6 giọt sữa mẹ đến khi hút được tới gần 2 lít sữa/ngày.
Hiện nay, bà mẹ hai con vẫn đang trên con đường nuôi con bằng sữa mẹ nhưng hàng đêm vẫn trăn trở với mong muốn chia sẻ với các chị em “đồng nghiệp làm mẹ” ở quê hương về cách làm thế nào để kích sữa cho con cũng như câu chuyện về việc “ở nước ngoài, người ta quý trọng từng giọt sữa mẹ đến thế nào”.
Chị Hồng Anh cùng chồng và con gái lớn tại Đức.
Tủ trữ sữa đáng ngưỡng mộ của bà mẹ hai con.
Nhiều sữa chẳng cần móng giò, rau ngót
Từ một người ít sữa nay lại có hẳn một “tủ lạnh sữa mẹ”, công thức để nhiều sữa của chị là gì?
Tôi cũng không có công thức đặc biệt nào để được nhiều sữa cả. Hầu hết là nhờ việc kiên trì hút sữa dưới sự hướng dẫn của y tá tại Đức cộng với việc bản thân tự tìm hiểu và đúc kết kinh nghiệm từ các trang web dạy cách chăm sóc con của các bà mẹ Đức và cả các bà mẹ Việt Nam nữa.
Cụ thể, chị đã kích sữa bằng cách hút sữa mẹ như thế nào?
Con tôi sinh non nên lúc đầu bé còn nhỏ quá chưa ti mẹ trực tiếp được. Chính vì thế ngay ngày đầu tiên sinh tôi đã được y tá hướng dẫn cách hút sữa mẹ bằng máy để có sữa cho con ăn. Từ những ngày đầu tiên sữa chưa về, tôi đã kiên trì hút đều đặn 3-4 tiếng 1 lần. Ngày thứ hai sữa vẫn chưa về nhiều , sau khi hút được những giọt sữa non đầu tiên tôi vui mừng khôn xiết mặc dù chỉ là 5-6 giọt.
Rồi theo thời gian cùng sự kiên trì, dần dần sữa nhiều lên theo từng lần hút. Hút được bao nhiêu tôi mang xuống phòng em bé hết, vì con phải ở phòng riêng cách ly với mẹ do sinh non.
Sau khi em bé cứng cáp hơn 1 chút, y tá ở bênh viện tiếp tục hướng dẫn tôi làm sao để cho em bé bú trực tiếp đúng khớp, rồi hướng dẫn cách bế cách đặt em bé thế nào để cho mẹ và con đều đuọc thoải mái.
Cho đến tận bây giờ khi Gia Hiếuđã tròn 1 tháng tuổi, tôi vẫn duy trì vừa cho con ti mẹ vừa hút sữa. Tôi hút đều đặn 4-5 tiếng 1 lần, hút hai bên cùng lúc. Thời gian trung bình một lần hút từ 15-20 phút. Nếu em bé mà đòi ăn đúng hoặc trước giờ hút sữa thì tôi sẽ cho con ti trực tiếp. Khi con ti xong rồi, tôi mới hút chỗ còn lại ra. Cách làm như vậy giúp sữa mới sẽ được tái tạo trong ngực nhiều hơn.
Hiện nay mỗi cữ tôi hút được khoảng 300-400ml , 1 ngày trung bình 1,2 -1,8 lít sữa.
Bé Jason Gia Hiếu sinh non ở tuần 34 nặng 2,5kg. Hiện em được hơn 3 tuần tuổi.
Nhiều bà mẹ Việt sau khi sinh con thường “chờ” cho sữa về mới cho con bú hoặc hút sữa vì trước đó “làm gì đã có sữa mà hút”. Vì sao chị lại có thể kiên nhẫn ngồi hàng tiếng đồng hồ với một cái máy hút sữa “trống không”?
Tôi cũng sốt ruột như các bà mẹ khác khi hút mấy lần đầu chưa có sữa về. Bản thân cũng buồn và lo lắng lắm chứ. Thậm chí y tá họ dặn hút mỗi bên 15 phút tôi toàn ngồi hút cả tiếng đồng hồ vì sốt ruột. Vậy nhưng may mắn, tôi được các y tá ở bệnh viên Đức động viên rất nhiều. “Cố lên”, “Sắp có sữa cho con rồi”… Lúc tôi hút ra được vài giọt thì tất cả các y tá đều đến chúc mừng ấm ĩ (cười). Chính sự động viên khuyến khích đó đã giúp tinh thần tôi thoái mái lên rất nhiều, niềm tin mình sẽ có sữa cho con cũng dâng cao. Từ đó, tôi càng kiên trì và hào hứng hơn với việc hút sữa.
Tức là theo chị, những bà mẹ không nên đợi sữa về mà nên chủ động dùng máy hút sữa để kích sữa ngay từ đầu để có sữa mẹ cho con?
Không hẳn là như vậy. Vì tôi sinh non và không được ở gần con nên mới phải dùng máy hút sữa để “gọi sữa về”. Thực chất, cách giúp người mẹ nhanh có sữa sau sinh nhất là cho con bú.
Như bé gái thứ nhất của tôi, sau khi sinh, con được bác sĩ đưa lên cho nằm trực tiếp lên ngực tôi (phương pháp da – tiếp – da) rồi cho con bú ngay lúc đó luôn. Lúc đấy tôi cảm giác thấy sữa tôi đã về , mặc dù chỉ là vài giọt sữa non. Từ lần sinh đầu tiên đó, tôi đã rút được kinh nghiệm là càng cho bú sớm và nhiều lần khi mới sinh thì sữa càng nhanh về.
Ở đứa thứ 2 vì tôi sinh non trước 6 tuần, rồi vừa sinh xong em bé đã phải chuyển sang khoa nhi nên tôi chưa có sữa về ngay. Sinh xong nghỉ ngơi vài tiếng thì tôi bắt đầu hút sữa bằng máy. Đây chỉ là biện pháp thay thế trong trường hợp không thể cho con bú trực tiếp.
Kiên trì hút sữa là cách tốt nhất giúp bà mẹ hai con có được nguồn sữa dồi dào cho con, đồng thời nhanh chóng giảm cân.
Con gái lớn của chị Hồng Anh quấn quít bên em bé mới chào đời.
Những món mẹ Đức kiêng ăn khi đang cho con bú: Rượu, cam, chanh và hành tỏi
Chị nói y tá ở bệnh viện Đức đã hướng dẫn chị cách cho con bú và tư thế đúng nhất để mẹ và con được thoải mái. Chị có thể kể lại với chị em những kiến thức này?
Cái này cũng hơi khó tả (cười). Trước mắt người mẹ phải lựa chọn cho mình tư thế ngồi thật thoải mái. Tốt nhất là nên có chỗ dựa đằng sau lưng, rồi y tá đặt em bé vào lòng của mình sao cho:
- Miệng của em bé áp chặt vào ngực mẹ, bụng của con áp vào bụng của mẹ
- Nếu em bé chưa mở miệng thì mẹ có thể lấy tay bóp nhẹ cho sữa ở ngực ra 1 chút vào miệng của con, để con cảm nhận được đâu là ti mẹ
- Khi con vừa mở miệng thì mẹ cố gắng nhanh tay , đưa ti mẹ vào miệng con sao cho miệng của con ngậm trọn đầu ti của mẹ. Cách làm này cũng giúp mẹ không bị đau khi con bú mạnh
Ở Đức, chị cũng như các bà mẹ Tây có mẹo nhỏ gì về ăn uống để lợi sữa cũng như những món cấm không được ăn khi cho con bú giống mẹ Việt không?
Sinh con ở Đức, tôi không có cơ hội ăn nhiều món lợi sữa như các mẹ ở Việt Nam như móng giò, đu đủ xanh, rau ngót hay chè vằng. Chủ yếu trước khi hút sữa, tôi sẽ uống một cốc nước ấm, sau khi hút sữa xong cũng nên bổ sung lượng nước đã mất của cơ thể. Với những bà mẹ muốn kích thêm sữa thì có thể uống một chai bia không cồn trước khi hút 15 phút. Lưu ý bia không được để tủ lạnh.
Về chuyện kiêng khem khi cho con bú, ở bên này hầu như các bà mẹ tây không kiêng bất cứ món nào. Các bác sỹ chỉ khuyên người mẹ nên ăn đủ chất từ rau củ quả, thịt cá tôm cho đến tinh bột, chất béo…, chú ý không nên ăn đồ sống, không nên uống những loại nước có chất kích thích như cafe , coca, hay nước tăng lực vì chúng sẽ làm em bé khó ngủ và quấy. Người mẹ cũng không nên ăn đồ chua (như chanh , cam chua, cà chua ) vì có thể em bé sẽ bị hăm đít. Tỏi và hành sẽ làm em bé đầy bụng và mùi vị sữa thay đổi em bé sẽ khó uống. Vậy thôi.
Chị Hồng Anh trong quá trình mang thai bé trai thứ hai.
Hai con của chị đều được uống sữa mẹ.
Câu đầu tiên người Đức hỏi một bà mẹ sẽ là “Bạn có cho con bú không”
Môi trường y tế bên Đức tạo điều kiện cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, cụ thể là gì? Chị có thể chia sẻ trải nghiệm của mình?
Tôi rất hài lòng với những gì mình đã trải qua ở bệnh viện Đức tôi đi đẻ bên này. Ngay khi tôi vừa đẻ xong các bác sĩ đã ân cần hỏi tôi có muốn cho em bé bú mẹ hay không? Và khi tôi bảo muốn thì họ cử ngay một tá chuyên tư vấn về vấn đề bú sữa mẹ đến để nói chuyện với mình. Họ chỉ cách làm sao đặt con cho đúng tư thế, làm sao cho con ngậm đúng khớp ở ngực, rồi nếu mình hút sữa thì phải hút như nào vv..vv...
Ngày nào tôi còn ở trong bệnh viện họ cũng đều tới thăm, giải đáp hết những thăc mắc của tôi. Họ hướng dẫn tôi cách hút sữa mẹ hiệu quả nhất. Lúc tôi mới hút được vài giọt, họ đã khen và khuyến khích mình cố gắng lên. Tuy chỉ có vài giọt được hút ra, nhưng họ cũng đã mang ngay cho con mình uống, vì không có gì tốt hơn những giọt sữa non của mẹ.
Khi tôi về nhà rồi, vẫn có y tá tới nhà chăm sóc và tư vấn cho tôi. Cũng có lúc tôi bị hơi tắc sữa họ giúp tôi matxa bầu ngực để lúc hút sữa được lưu thông hơn, rồi kiểm tra xem ngực mình có vấn đề gì lạ như bị áp-xe hay viêm nhiễm gì không. Điều đặc biệt nữa là, tôi không cần phải trả một đồng nào cả, vì bên này đã có bảo hiểm y tế trả cho mình hết.
Bé Gia Hiếu lúc mới chào đời ở bệnh viện Đức.
Ở Việt Nam có nhiều chị em lo lắng rằng con sinh ra không được tráng ruột bằng sữa mẹ mà uống sữa công thức thì sẽ dễ có khả năng mắc các bệnh về đường ruột. Chị có nghe thấy các bác sỹ Đức nói gì về vấn đề này?
Như lúc đầu tôi đã kể, Gia Hiếu ra đời sớm trước 6 tuần và bị chuyển sang khoa nhi luôn để theo dõi. Mấy ngày đầu con chưa thể bú mẹ trực tiếp được và sữa mẹ cũng chưa về nên em bé phải uống sữa công thức mất 2 ngày rồi mới có sữa mẹ về cho em. Nhưng tôi chưa hề nghe bên này ai nói về vấn đề con có khả năng bị mắc các bệnh về đường ruột nếu không được bú sữa mẹ từ đầu cả.
Về ý thức của các bà mẹ Đức với vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ, chị nhận xét ra sao?
Ở bên này các bà mẹ Tây rất muốn có sữa mẹ cho con bú, họ chỉ cho con bú sữa công thức khi mẹ không đủ sữa cho con hay mẹ có vấn đề sưc khoẻ phải uống thuốc nên không có sữa thôi.
Câu đầu tiên các bà mẹ Tây hay buôn chuyện với nhau không phải là “Em bé bao nhiêu cân rồi” mà là “Bạn có cho con bú không”. Các bà mẹ ở đây rất quan trọng việc đứa trẻ có được bú sữa mẹ hay không mặc dù bên nay sữa công thức rất rẻ chứ không đắt như ở Việt Nam.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet