Nằm gọn trong con hẻm thuộc đường Nguyễn Cảnh Chân (Quận 1), tiệm mỳ Ý sốt spaghetti giá rẻ dành cho sinh viên khá đông khách. Từ xa, hình ảnh người đàn ông tuổi xế chiều mặc tạp dề, đứng bếp đảo chảo mỳ và cố gắng đưa từng sợi vào hộp chỉ bằng một tay đã khiến nhiều người xúc động.
Thấy chúng tôi, người đàn ông ấy đon đả mời vào uống nước ngồi chờ anh làm nốt mấy suất mì cho khách. Chứng kiến cảnh anh cho mỳ vào nồi, xào mỳ và gắp lên hộp, bỏ sốt thịt bò mới thấy cơ cực làm sao! Bởi từng cử chỉ đi lại, nấu nướng của người đàn ông đều dồn vào chân và tay phải cơ thể.
Tuổi xế chiều, tai biến bất ngờ ập đến
Mơ ước trở thành đầu bếp giỏi, anh Bạch Duy Hoài (58 tuổi-Tp.HCM) quyết định dành thời gian đi học khóa nấu ăn lúc tuổi đã nhiều. Kết thúc chương trình, anh Hoài xin vào làm tại một nhà hàng nổi tiếng tại Sài Gòn và trở thành bếp trưởng. Vài tháng sau, anh bất ngờ bị tai biến, phải nhập viện chữa trị.
Nhớ lại quãng thời gian hôn mê trên giường bệnh, anh Hoài tâm sự: “Ở cái tuổi này, tôi không nghĩ rằng bệnh tật ập đến bất ngờ như vậy! Tôi đã sốc, suy sụp khi hay tin cơ thể bị liệt 50%. Thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ luẩn quẩn quanh cái chết để gia đình, vợ con đỡ vất vả”.
3 tháng ròng ngồi xe lăn, vị bếp trưởng khao khát chân trái có thể cử động để tiếp tục công việc chế biến những món ăn ngon cho thực khách. Tuy nhiên, mong ước nhỏ nhoi của người đàn ông sắp bước qua tuổi 60 không thể thành hiện thực.
Hằng ngày, anh được vợ cũ con thơ bón từng miếng cơm, thìa canh. Khi đó, anh cảm thấy bản thân thật vô dụng, lòng quặn lên vết đau dài. Phải chăng, đó là khoảng thời gian tối tăm nhất trong cuộc đời người đàn ông đang đà thành công trong sự nghiệp.
Vị đầu bếp trưởng Bạch Duy Hoài liệt nửa người đã chứng tỏ được: Tôi không phải kẻ vô dụng
“Ra viện, tôi vui mừng lắm nhưng sợ hãi khi phải đối diện với cuộc sống thực tại. Tôi và vợ đã ly hôn trước khi bị tai biến. Vì vậy, tôi không muốn làm phiền cuộc sống riêng tư của cô ấy. Các con chưa đủ lớn để lo cho người ba thương tật suốt đời. Từ đó, tôi nảy ra ý nghĩ làm điều gì đó có nghĩa cho bản thân, các con và chứng tỏ với vợ: Tôi tàn tật nhưng không phế”, anh Hoài chia sẻ.
Tiếp tục đứng dậy sau thất bại với tiệm bánh mỳ nguội
Với niềm đam mê nấu nướng, vị đầu bếp liệt nửa người đã vay tiền bạn bè kinh doanh bánh mỳ. Anh tâm sự: “Số tiền tôi tiết kiệm đã dồn hết vào tháng ngày nằm viện, điều trị bệnh. Xuất viện, tôi về nhà với “2 bàn tay trắng” cùng cơ thể liệt một nửa. Tình cờ, người bạn ngỏ lời giúp đỡ, cho vay tiền làm ăn. Từ đó, tôi quyết tâm gượng dậy, mở cửa tiệm bán bánh mỳ trong con hẻm nhỏ”.
Tại cửa hàng, anh vừa là ông chủ kiêm nhân viên phục vụ. Vì sức khỏe yếu dần, tay trái không thể cử động, anh Hoài đành thuê người đứng bán cùng. Anh cho biết, bán bánh mỳ nguội cần có 2 tay để rạch bánh, cho nhân thịt vào trong nhưng anh không thể làm được. Đối với người liệt 1 tay như anh, việc tưởng chừng đơn giản đó quá đỗi khó khăn.
Sau 2 tháng khai trương, cửa hàng làm ăn thua lỗ 20 triệu đồng. Số tiền lời kiếm được, anh không đủ chi trả tiền thuê nhà, thuê người bán,… Cuối cùng, anh đau khổ chấp nhận đóng cửa.
Từng cử chỉ đi lại, nấu nướng của anh đều dồn vào đôi chân và cánh tay phải cơ thể
Nghị lực của người đàn ông tàn nhưng không… phế
Không chịu khuất phục trước số phận, vị đầu bếp tàn phế tiếp tục đứng dậy bằng đôi chân không trọn vẹn với mong muốn nhìn thấy tia sáng mới trong cuộc sống. “Hơn nửa đời người, tôi đã nếm đủ mùi vị của sự thành công và thất bại. Nhưng, tôi chưa bao giờ nản trí và đắng cay như lần đóng cửa tiệm bánh mỳ. Có lẽ, tôi sẽ mãi là người vô dụng, không làm được việc gì cho đời”, anh Hoài gạt nước mắt chia sẻ.
Anh Hoài đã mất thời gian ngắn trấn an tinh thần để tiếp tục chiến đấu chống lại bệnh tật và chiến thắng bản thân. Anh kể, trong lúc nản trí, anh đã nhớ đến lời khen của cô con gái nhỏ khi ăn đĩa mỳ Ý do chính tay anh chế biến. Nhờ đó, anh quyết định bán mỳ Ý giá rẻ dành cho sinh viên. Với công việc này, anh có thể tự mình đứng bán, không phải thuê người phụ giúp.
Thời gian đầu kinh doanh, anh Hoài khá chật vật để thu hút khách hàng. Trung bình mỗi ngày, anh bán được 20 suất mỳ. Với số lãi thu được, anh không đủ chi trả phí thuê nhà, điện nước và mua nguyên liệu chế biến. Nhưng, anh vẫn quyết tâm làm đến cùng để thỏa ước đam mê và chiến thắng số phận.
Không chịu khuất phục trước số phận, vị đầu bếp tàn phế tiếp tục đứng dậy bằng đôi chân không trọn vẹn với mong muốn nhìn thấy tia sáng mới trong cuộc sống
“Tôi tìm cách bán với giá thấp nhất để sinh viên, người lao động được thưởng thức món mỳ Ý chuẩn hương vị Châu Âu. Nhiều thực khách đến ăn đã động viên khen ngợi và quảng bá món mỳ cho bạn bè biết đến. Nhờ họ, cửa hàng đông người ăn hơn trước. Ngày hôm qua, tôi bán được khoảng 200 suất trong vòng 3 giờ đồng hồ’, anh Hoài vui vẻ khoe.
Khách đông, người đàn ông liệt nửa người không thể xoay sở mọi việc một cách nhanh chóng. Do vậy, bà con chòm hẻm đã bỏ thời gian chạy qua phụ giúp. Bác Bùi Thị Nở (62 tuổi, Quận 1), hàng xóm của anh Hoài cho biết: “Ông ấy là người hiền lành, tốt tình và rất tội nghiệp. Từ khi biết hoàn cảnh của ông ấy, chị em trong hẻm ai cũng dành thời gian giúp đỡ. Những lúc tiệm mỳ đông khách, tôi và mấy chị qua phụ giúp. Mình ông Hoài không làm kịp vì sức khỏe giờ đã yếu, chân tay cứng đờ ra hết cô ạ”.
Lúc đông khách, bà con trong hẻm đã bỏ thời gian chạy qua phụ giúp
Có lẽ, người đàn ông liệt nửa người là tấm gương sáng cho nhiều số phận noi theo. Thân thể anh “tàn” nhưng ý chí và tinh thần không hề “chết”. Anh vẫn cố gắng gượng dậy đấu tranh với căn bệnh quái ác không phương thuốc chữa, tìm ra chân trời mới để tiếp tục vững tin.
Bán được nhiều suất mỳ, vị đầu bếp vui vẻ nở nụ cười hạnh phúc nhưng thăm trong đôi mắt chứa đựng bao sự lo toan, mệt mỏi. Mong rằng, đầu bếp Bạch Duy Hoài sẽ vượt qua bệnh tật và mọi khó khăn trong cuộc sống, công việc,…
Anh Hoài khom người đứng đảo chảo mỳ bằng tay phải
Mọi việc với anh từ từ và tỉ mẩn bởi anh không thể làm được nhanh như trước
Nhiều vị khách tốt tính, họ đã đến tận nơi đem hộp mỳ để anh bỏ sốt vào
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet