Trong đoạn video của Alicia Silverstone, cậu con trai tỏ ra thích thú như một con chim non háo hức chờ mồi từ mẹ. "Cu cậu thường bò quanh phòng và sẵn sàng xô vào miệng mẹ khi tôi đang ăn gì đó", Silverstone viết trên blog.
Trong khi hầu hết mọi người đều phản ứng bằng thái độ ghê sợ và phản đối cách cho ăn kiểu này, rằng như vậy chỉ truyền bệnh cho con, thì các nhà khoa học lại gọi đó là cách giúp trẻ học nhai và thực sự là một phương pháp cho ăn lành mạnh, truyền thống.
Trước đây, khi những chiếc máy xay sinh tố chưa xuất hiện, thì việc nhai và mớm cơm cho con khá phổ biến ở nhiều nền văn hóa ngoài phương Tây. Việc nhận nước bọt từ mẹ có thể thúc đẩy hệ miễn dịch của trẻ - điều mà chúng không thể có được từ cách ăn thực phẩm nghiền nát tiệt trùng đóng hộp.
Hình ảnh diễn viên Alicia Silverstone mớm thức ăn cho con khiến nhiều người tranh cãi về phương pháp cho trẻ ăn này. Ảnh: Youtube. |
Lợi ích của việc nhai cơm cho trẻ chỉ mới được nghiên cứu gần đây, nhưng thực tế, nó đã xuất hiện song song với nuôi con bằng sữa mẹ.
Trẻ bắt đầu tập ăn dặm lúc khoảng 6 tháng tuổi, nhưng mãi tới 18-24 tháng tuổi chúng mới mọc răng hàm để nhai. Theo một nghiên cứu do Gretel Pelto, một nhà nhân chủng học tại Đại học Cornell (Mỹ), mớm cơm là cách cho trẻ ăn từng xuất hiện trong hầu hết các nền văn minh nhân loại và phương pháp này tới nay vẫn tồn tại ở một số nền văn hóa.
Trái ngược với ý kiến gọi đây là cách cho trẻ ăn không hợp vệ sinh, Pelto và nhiều nhà khoa học khác cho rằng phương pháp cho ăn này cùng với việc nuôi con bằng sữa mẹ, giúp xây dựng hệ miễn dịch tốt cho trẻ. Việc tiếp nhận những dấu vết vi khuẩn có trong nước bọt của mẹ giúp hệ miễn dịch của trẻ nhận diện và học cách đối phó với những tác nhân gây bệnh tương tự sau này. Trong quá trình này, cơ thể trẻ sẽ sản xuất các kháng thể cần thiết.
Việc này cũng có thể ngăn chặn sự khởi đầu của bệnh tự miễn dịch như hen suyễn - bệnh rất phổ biến trong xã hội công nghiệp hóa. Đây là loại bệnh tăng lên khi hệ miễn dịch tấn công nhầm chính những tế bào trong cơ thể mình, và liên quan chặt chẽ với chuyện ít tiếp xúc vi khuẩn trong thời thơ ấu.
Căn cứ khiến nhiều người chống lại việc nhai thức ăn cho con là có một số trường hợp trẻ bị truyền bệnh từ nước bọt của mẹ. Chẳng hạn, những phụ nữ nhiễm HIV được khuyên là không nên mớm cơm cho trẻ. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại chỉ ra rằng sự truyền bệnh thông qua nhai thức ăn ít phổ biến hơn là các giả định trước đây bởi vì các kháng thể tự nhiên trong nước bọt giảm đáng kể sự lây nhiễm mầm bệnh có trong đó.
Nghiên cứu của nhà miễn dịch học Samuel Baron tại Trung tâm Y tế của Đại học Taxas (Mỹ) chứng minh rằng nguy cơ lây nhiễm HIV qua nước bọt thực sự rất thấp, thấp hơn sự lây truyền qua bú mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ từng trở nên lỗi thời vào những năm 1950 và sau đó, cho tới nay, nó lại được hưng thịnh trở lại.
"Các bằng chứng đều cho thấy sữa mẹ là ưu việt nhất. Và tôi nghĩ là câu chuyện về nuôi con bằng sữa mẹ và nhai cơm cho con có nét tương đồng - đều đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt và giúp tăng hệ miễn dịch của trẻ. Bằng chứng cho việc nhai thức ăn cho trẻ chưa thực sự hoàn thiện nhưng có logic rõ ràng", ông Pelto nói trên Foxnews.
Vương Linh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet