Trẻ khi đến độ tuổi vị thành niên, đó là khoảng thời gian khiến bố mẹ phiền lòng nhất. Bởi vì có sự thay đổi lớn trong tính cách và tâm sinh lý, nên những đứa trẻ ở tuổi vị thành niên thường dễ nổi loạn và khó dạy dỗ hơn, so với các độ tuổi khác. Đặc biệt là trong vấn đề giáo dục giới tính cho con ở giai đoạn này.
Trên thực tế, có nhiều ông bố bà mẹ tỏ thái độ lảng tránh khi giáo dục giới tính cho con cái chỉ vì cảm thấy xấu hổ. Mỗi năm, báo chí ghi nhận khá nhiều vụ sàm sỡ, quấy rối do trẻ thiếu kiến thức về giới tính. Nếu bố mẹ có thể phổ cập kiến thức này cho con sớm hơn, tạo cho trẻ có ý thức tự bảo vệ mình thì có thể giảm thiểu được nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Ở tuổi mới lớn, đứa trẻ nào cũng sẽ có sự tò mò nhất định về người khác giới và các vấn đề về tình dục. Đôi khi một số bố mẹ sẽ phát hiện, con cái của mình lén truy cập vào các trang web khiêu dâm ở giai đoạn này. Theo đó, các kiểu bố mẹ khác nhau sẽ phản ứng với những điều như vậy, theo những cách khác nhau.
Con gái của chị Cao Bình (sống ở Tứ Xuyên, Trung Quốc) năm nay 11 tuổi, cô bé mới vào cấp 2 được một thời gian. Vào ngày nọ, bà vô tình phát hiện trên máy tính của con gái mình truy cập vào một trang web “nhạy cảm” dành cho người lớn.
Tại thời điểm đó, chị đã rất bất ngờ và đỏ mặt khi nhìn thấy trang web này, nhưng sau đó chị đã bình tĩnh và quyết định không làm lớn mọi chuyện lên, cũng tuyệt đối không đem cô con gái của mình ra mắng mỏ, mà tạm thời sẽ quan sát con nhiều hơn. Chị Cao Bình nghĩ rằng, có thể con gái đã vô tình nhấp vào trang web, dù sao bây giờ các trang web tương tự cũng thường xuyên xuất hiện trên máy tính và tình cờ gặp gỡ cũng rất phổ biến.
Ngày nay nhiều đứa trẻ được bố mẹ cho tiếp xúc sớm với Internet. Bên cạnh lợi ích, trẻ có thể tiếp cận nguồn thông tin, phim ảnh không lành mạnh. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên không ngờ vào một ngày khác, chị vẫn nhìn thấy con gái nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, với những hình ảnh tương tự như lúc trước chị nhìn thấy. Lúc này, khi biết bị mẹ phát hiện, cô bé đã lộ ra vẻ vô cùng sợ hãi và xấu hổ. Cứ nghĩ , mẹ sẽ tức giận và trừng phạt cô bé, nhưng chị Cao Bình đã không làm vậy, ngược lại còn nhẹ nhàng trấn an con gái.
Chị không đổ lỗi cho con gái về hành vi này, mà kiên nhẫn giải thích những kiến thức về tình dục cho con gái sau đó. Cuối cùng, cô bé cũng được “khai sáng” ra nhiều kiến thức về vấn đề này, từ đó không còn tiếp diễn tình trạng như trên nữa.
Trên thực tế, vấn đề trẻ tuổi dậy thì lén xem “phim người lớn” là không hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Khi hầu như đứa trẻ nào cũng được bố mẹ tạo điều kiện để tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ, công cụ tạo cơ hội để trẻ thực hiện hành vi này. Tuy nhiên, ở trong tình huống như trên thì không phải bố mẹ nào cũng biết cách để giải quyết sự việc sao cho phù hợp nhất.
Nhận thấy được tính cấp thiết của vấn đề, Tiến sĩ Tâm lý Ngô Xuân Điệp đã có những lời chia sẻ, tâm sự cùng với các bố mẹ về tình huống phát hiện trẻ lén xem “phim người lớn”. Từ đó, giúp những ông bố chị mẹ có một cái nhìn sâu sắc hơn, để đưa ra cách giải quyết đúng đắn nhất, đồng thời trang bị tốt kiến thức giáo dục giới tính cho con.
Tiến sĩ Tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG TP.HCM.
Ngày nay nhiều đứa trẻ được bố mẹ cho tiếp xúc sớm với Internet. Bên cạnh lợi ích, thì cũng có những mối nguy hại như việc trẻ lén xem "phim nóng". Tiến sĩ nghĩ gì về tình trạng này?
Sự phát triển của Internet là con dao hai lưỡi đối với những đứa trẻ. Mặc dù Internet giúp cho quá trình học tập của trẻ được thuận tiện hơn, nhưng nếu trẻ không biết cách tận dụng và khai thác, rất dễ rơi vào những mặt tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Trẻ em khi xem những bộ phim chưa đúng với độ tuổi là đang vi phạm chuẩn mực xã hội, điều này sẽ khiến cho tâm tính cách của trẻ bị ảnh hưởng. Vì rõ ràng, nếu bản năng tính dục bị kích thích, thúc đẩy nhanh thì hầu hết những đứa trẻ chưa có bề dày kiến thức và kinh nghiệm sẽ không có khả năng tự chủ được bản thân.
Lúc này, trong tư tưởng của trẻ sẽ chỉ nghĩ đến điều đó, dẫn đến tình trạng trẻ mất tập trung không chỉ trong quá trình học tập, mà còn sinh hoạt đời sống thường ngày.
Nếu tình trạng trên diễn ra với tần suất quá nhiều, lâu ngày trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái bị nghiện. Kết quả là tâm sinh lý của trẻ thay đổi theo chiều hướng xấu, đồng thời nhận thức về các vấn đề tính dục sẽ bị lệch lạc về sau này.
Trong quá trình tư vấn, điều trị và cả giảng dạy, Tiến sĩ đã gặp trường hợp nào bố mẹ tìm đến và nhờ chuyên gia tư vấn về việc con lén xem "phim nóng"? Tiến sĩ có thể kể sơ qua về câu chuyện?
Trong quá trình làm tham vấn, tôi có gặp một trường hợp bé lớp 6 thường lén đem điện thoại vào trường học và cùng một số bạn học khác xem "phim người lớn" vào giờ ra chơi. Dẫn đến tình trạng dạo gần đây, cậu bé thường xuyên mất tập trung trong giờ học, tinh thần cũng trở nên sa sút và cuối cùng là kết quả học tập bị kém hiệu quả.
Nhận thấy biểu hiện này của con trai, mẹ cậu đã đưa cậu đến gặp bác sĩ tâm lý để nhờ tư vấn. Sau nhiều lần tâm sự, cậu bé cũng thành thật chia sẻ vấn đề của bản thân.
Người mẹ biết được ngọn ngành cũng cảm thấy xấu hổ, tự trách vì không giáo dục con tốt hơn. Thời gian sau đó, người mẹ bắt đầu can thiệp nhiều hơn trong vấn đề này, giúp đứa trẻ dung nạp những kiến thức cần thiết và định hướng để con phát triển đúng đắn trong tương lai.
Bố mẹ có nên quy kết trẻ là đứa trẻ "hư" khi phát hiện con xem "phim nóng"?
Để đưa ra kết luận về một con người, đòi hỏi chúng ta phải rất thận trọng. Bởi vì điều này liên quan đến rất nhiều mặt khác nhau. Nếu chỉ dựa vào một lời nói, hành vi của đứa trẻ và đưa ra kết luận ngay rằng đứa trẻ đó tốt hay xấu, ngoan hay hư thì hoàn toàn không chuẩn xác.
Sự đánh giá, kết luận cần phải cụ thể, rõ ràng trong từng trường hợp. Ví dụ, khi phát hiện con lén xem phim nóng, thì hành vi tại thời điểm đó của đứa trẻ sẽ được đánh giá là sai, bởi vì không phù hợp với độ tuổi, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con sau này.
Tuy nhiên, nếu lấy điều đó để quy kết về toàn bộ nhân cách con người của đứa trẻ là hư đốn thì sẽ không thỏa đáng. Trẻ sẽ dễ hình thành sự tự ti và có những nhận định không chính xác về bản thân mình về sau.
Tiến sĩ có lời nào cho bố mẹ để con không tái diễn tình trạng xem "phim nóng". Độ tuổi nào thì bố mẹ nên giáo dục giới tính cho trẻ, và giáo dục ra sao để con ngoan ngoãn vâng lời?
Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể giáo dục giới tính cho trẻ. Nhưng những phương pháp, kiến thức đưa vào cho trẻ nên được lựa chọn phù hợp theo từng độ tuổi, cũng như sự hiểu biết của trẻ.
Trẻ trước và trong giai đoạn dậy thì nên được bố mẹ trang bị đầy đủ kiến thức về giáo dục giới tính, như vấn đề quan hệ tình dục, tránh thai, phòng tránh bệnh lây lan qua đường tình dục, thậm chí là quyết định yêu ai, trao gửi tình cảm cho ai,... Điều này là rất cần thiết để trẻ có sự chuẩn bị về cả tâm lý và kiến thức cần thiết, từ đó có thể tự chăm sóc và bảo vệ bản thân tốt hơn.
Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy rất ngại trong việc chia sẻ với con về các vấn đề xoay quanh giáo dục giới tính, cho rằng không nên “vẽ đường cho hươu chạy". Tuy nhiên, nếu bố mẹ không định hướng cho trẻ ngay từ sớm, trẻ rất dễ bị lệch lạc trong vấn đề này, dẫn đến những kết quả không mong muốn đối với trẻ.
Hơn nữa, với sự tò mò của trẻ nhỏ, bố mẹ càng tìm cách tránh né, nhu cầu được biết của trẻ sẽ càng cao. Khi không được bố mẹ giải đáp, trẻ sẽ tự mình tìm cách khám phá. Vậy nên, thay vì để con cái đi tìm câu trả lời về vấn đề này, bố mẹ chủ động chia sẻ với trẻ một cách thoải mái sẽ giúp trẻ đi đúng hướng hơn.
Ngoài ra, bố mẹ nên tạo môi trường thoải mái để thúc đẩy trẻ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao ngoài trời và giao lưu kết bạn nhiều hơn, để trẻ không quá tập trung vào vấn đề liên quan đến tính dục.
Bố mẹ cần đảm bảo, bản thân có thể kiểm soát được việc cho con sử dụng các thiết bị điện tử hàng ngày, đồng thời dạy con làm chủ được nó, để khai thác những điều có ích cho bản thân trẻ, thay vì những điều vô bổ, độc hại.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet