Ngày nay, do kinh tế phát triển, đời sống được cải thiện nên ngoài cơm cháo gạo thịt cho con ăn dặm hàng ngày, hầu hết chị em đều có thói quen bổ sung thêm cho con những loại thực phẩm dinh dưỡng khác như sữa chua, váng sữa hay phô mai, hoa quả…Tuy nhiên, cho con ăn thế nào, liều lượng ra sao để bé có thể hấp thụ được tốt nhất thì không phải bà mẹ nào cũng biết.
Có rất nhiều bà mẹ bỏ hàng trăm nghìn để mua thức ăn cho con mà lại vô tình làm mất chất của thực phẩm chỉ vì không biết sử dụng. Xin mách mẹ những lỗi sai cơ bản trong việc sử dụng thực phẩm ăn dặm cho con
Dầu ăn cho vào cháo, phải tắt bếp mới cho!
Mẹ nào khi bắt đầu cho con ăn dặm đều luôn nhớ phải sắm sanh ngay cho bé một lọ dầu ăn. Chỉ cần 1 đến 2 thìa dầu ăn bổ sung vào bột giúp bé ăn ngon miệng và no lâu hơn. Ngoài tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể, dầu ăn cho vào cháo ăn dặm còn là dung môi giúp hòa tan các vitamin. Khi có dầu ăn trong cháo, các loại vitamin A, D, E, K mới được hòa tan và hấp thu vào cơ thể. Tuy nhiên, đừng chủ quan khi nghĩ dầu ăn có thể cho vào cháo, bột bất cứ lúc nào. Một muỗng dầu ăn cho vào thức ăn của trẻ khi chuẩn bị bắc khỏi bếp nấu sẽ có tác dụng tốt hơn đối với sự phát triển của bé vì khi đó dầu chưa bị biến chất do tác động của nhiệt độ cao và sẽ dễ hấp thu hơn.
Sữa chua cho con, ăn buổi tối là phí tiền?
Không cho trẻ ăn sữa chua buổi tối là mẹ đã bỏ qua thời điểm vàng giúp con tận dụng tối đa lượng canxi có trong sữa chua. (ảnh minh họa)
Cho trẻ ăn sữa chua buổi tối sẽ chẳng hấp thụ được gì lại phí tiền? Nếu bà mẹ nào có suy nghĩ như thế thì nên xem xét lại. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, không cho trẻ ăn sữa chua buổi tối là mẹ đã bỏ qua thời điểm vàng giúp con tận dụng tối đa lượng canxi có trong sữa chua.
Sữa chua cũng giàu canxi như sữa, nhưng nhờ có chứa acid lactic và giữ lại canxi nên sữa chua tốt hơn hẳn sữa thường về vai trò thúc đẩy sự hấp thụ canxi. Nói chung, sau khi ăn tối khoảng 30 phút đến 2 tiếng là thời điểm ăn sữa chua tốt nhất. Tuy nhiên, theo các bác sỹ thì để tối đa hóa hiệu quả của canxi trong sữa chua, tốt nhất là mẹ nên cho bé ăn sữa chua vào bữa tối trước khi đi ngủ.
Váng sữa là “tinh túy” của sữa, có thể cho con ăn thay sữa?
Theo quan sát của Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học trên tổng cộng 10 loại váng sữa hiện đang được bán rộng rãi trên thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, một hộp váng sữa nguyên chất, chất béo chiếm đến trên 70% tổng năng lượng mà trẻ cần, cao gấp đôi so với chất béo trong một ly sữa thông thường của trẻ. Do đó, đây là nguồn cung cấp năng lượng rất cao, có thể dùng làm thức ăn tốt để điều trị suy dinh dưỡng, hoặc phục hồi cho trẻ mới ốm dậy.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là “váng sữa có nhiều chất dinh dưỡng” và có thể dùng ăn thay sữa. Trái lại, có thể nói váng sữa là một sản phẩm mất cân đối về năng lượng, quá giàu chất béo, quá ít chất đạm, rất nghèo chất khoáng và vi chất dinh dưỡng. Mẹ chỉ nên cho con tập ăn váng sữa khi đạt 6 tháng tuổi, lý tưởng nhất là 1 tuổi mới ăn. Liều lượng cũng cần được hạn chế theo gợi ý:
- Từ 6-12 tháng: 20g - 55g/ngày (tương đương với 1/3 đến 1 hộp)
- Từ 1-2 tuổi: 55g - 70g/ngày.
- Trên 2 tuổi: 55g -110g/ngày.
Cho con ăn hoa quả để “tráng miệng” sau bữa ăn?
Đây là một trong những lỗi sai rất phổ biến của mẹ Việt, bắt đầu từ nhu cầu ăn mặn xong thường cần có đồ ngọt ngọt để tráng miệng và đổi vị. Tuy nhiên, mẹ nên ghi nhớ: Hoa quả chỉ nên được ăn với một cái dạ dày “rỗng”, tức là trước đó, trẻ chưa từng được ăn gì.
Cứ tưởng tượng, khi bé vừa ăn xong bát cháo lớn, mẹ cho con ăn them chút chuối. Hai thìa chuối đáng lẽ ra đã có thể đi thẳng vào ruột và được cơ thể hấp thụ. Vậy nhưng bát cháo lớn còn đang trong dạ dày đã cản trở chúng. Thêm vào đó, hoa quả vào ruột sẽ sản sinh ra axit. Các axit này sẽ làm hỏng các chất dinh dưỡng có trong “bát cháo” đang ở dạ dày bé, đồng thời gây ra đầy bụng, khó tiêu.
Hẳn mẹ còn nhớ cảm giác vừa ăn tối xong mà ăn một quả chuối, ta sẽ “có hứng” đi toilet ngay lập tức. Đó là vì axit trong chuối ở dạ dày đã khiến bữa ăn bị “hỏng” và cơ thể muốn tống chúng ra ngoài.
Đừng để điều đó xảy ra tương tự với bé. Lời khuyên hợp lý nhất, đó là cho trẻ ăn hoa quả vào bữa chiều hoặc 30 phút trước khi mẹ dự định cho bé ăn bất cứ thứ gì.
Phô mai quá tốt, cho vào cháo con ăn thoải mái?
Phô mai là một trong những món ăn mới đây rất được mẹ Việt chuộng vì độ thơm ngon và hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời. Nhiều chị em có thói quen cho phô mai vào cháo của con “vô tội vạ” mà không nghĩ đến những hậu quả sau đó. Để cân đối dinh dưỡng cho bé, mẹ cần biết một điều là khi kết hợp phô mai với cháo thì cần bớt đi một chút thịt/ cá/ tôm... tránh trường hợp bị thừa đạm. Bởi vì một bát cháo nấu đúng như tính toán dinh dưỡng theo độ tuổi đã cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, chất béo, khoáng chất cho trẻ, nếu trộn thêm phô mai, tức là bát cháo đã được cộng thêm phần năng lượng, chất đạm, béo chứ không riêng gì canxi. Vì trong phô mai có cả chất béo vì thế các mẹ cũng nên bớt đi chút dầu/ mỡ ăn trong bát cháo của con.
Mặt khác, cũng không thể kết hợp phô mai bừa bãi. Mẹ đặc biệt lưu ý đừng kết hợp phô mai với các thực phẩm khác như cua, lươn, rau mồng tơi hay rau dền vì sẽ khiến bé dễ bị đau bụng. Nhóm thực phẩm có thể kết hợp với phô mai kích thích sự ngon miệng cho bé là khoai tây, cà rốt, thịt bò, thịt gà,…
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet