Tôi nên làm gì để con có hứng thú học vẽ? (Mai Anh)
Trả lời
Chào bạn,
Với bé trong độ tuổi mẫu giáo thì hoạt động vẽ là một trong những nội dung giáo dục thẩm mỹ nhằm phát triển toàn diện cho bé, thông qua đó phát triển cảm giác, tri giác, phát triển khả năng cảm thụ, khả năng sáng tạo, tăng cường khả năng vận động tinh của bàn tay… đồng thời còn là sự biểu lộ thái độ, tình cảm yêu ghét của bé đối với thế giới xung quanh. Bởi vậy hoạt động vẽ là rất cần thiết đối với trẻ mầm non, đặc biệt cần thiết hơn cho những bé sắp bước vào tuổi học.
Ảnh minh họa: Visualphotos.com. |
Để tạo điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động vẽ hay nặn, cắt dán… thì từ nhỏ cha mẹ và người lớn trong gia đình nên cho trẻ làm quen, trải nghiệm với các hoạt động từ đơn giản như cho trẻ cầm bút vẽ nguệch ngoạc, vo tròn, ấn, dí đất nặn, xé giấy… Dần dần trẻ sẽ có hứng thú với những hình thù do mình tạo ra và tham gia hoạt động một cách tự nguyện, vui vẻ.
Với trường hợp bé nhà bạn đã 5 tuổi, bạn băn khoăn muốn tìm cách kích thích hứng thú ở hoạt động vẽ cho con. Chúng tôi có một vài gợi ý dành cho bạn như sau:
Bạn không nên thúc giục trẻ mà nên tạo hứng thú cho bé. Đầu tiên bạn nên tìm hiểu sở thích của bé xem con thích gì, ví dụ bé thích ô tô, bông hoa, ông mặt trời, máy bay, siêu nhân hay thích vẽ hình gia đình, các con vật… Bạn có thể cùng bé vẽ theo sở thích của con. Ban đầu bạn vẽ cho bé, hỏi bé xem “Bây giờ mẹ muốn vẽ ô tô thì cần vẽ cái gì nhỉ? Mẹ vẽ cái bánh xe hình gì, đã được chưa? Còn thiếu gì nữa, cái đèn xe à? Mẹ không biết vẽ nó ở đâu nữa con giúp mẹ với!”"... Nếu câu hỏi nào bé chưa trả lời được thì bạn gợi ý dần cho con. Sau khi bé gia nhập vào hoạt động của mẹ, bạn cần khen ngợi bé “con vẽ cái đèn xe này đẹp quá” sau đó bạn kích thích bé dần, ví dụ “con và mẹ vẽ thi để bố chấm điểm cho hai mẹ con nhé”.
Bạn có thể gợi ý con tạo nên các sản phẩm để tặng người thân, bạn bè. Và dù sản phẩm của bé làm ra có như thế nào cũng nên khích lệ, động viên, khéo léo khen ngợi con và góp ý cho bé tiến bộ, từ đó tạo cho bé sự tự tin để tiếp tục sáng tạo.
Thay vì yêu cầu bé vẽ theo những chỉ dẫn của mình, cha mẹ nên cho con thỏa sức sáng tạo và vẽ những gì bé muốn. Với giới tính khác nhau, bé sẽ thể hiện sở thích không giống nhau. Chẳng hạn, bé trai sẽ thích vẽ máy bay, siêu nhân còn bé gái lại thích vẽ bông hoa, công chúa... Tôn trọng sở thích và hiểu biết những sở thích của con, cha mẹ sẽ gợi ý để con vẽ những thứ mình thích.
Lần đầu tiên, bé có thể vẽ không giống lắm nhưng cha mẹ nên biết cách khen trẻ và trân trọng sản phẩm và sự cố gắng của trẻ. Bạn có thể gợi ý để con treo bức tranh lên tường nhằm trang trí cho góc học tập, ngôi nhà của gia đình hay tặng cho mình. Khi bạn vui vẻ đón nhận món quà của trẻ, bé sẽ rất vui mừng và điều đó sẽ là động lực kích thích hứng thú cho lần vẽ tiếp theo của bé.
Thêm nữa bạn có thể nhờ cô giáo hỗ trợ thêm cho con trong giờ học vẽ trên lớp. Bằng nghiệp vụ sư phạm cô sẽ có biện pháp phù hợp kích thích, khơi nguồn cảm hứng cho con tham gia hoạt động vẽ cùng bạn bè trong lớp và động viên kịp thời làm cho bé tự tin hơn với những tác phẩm của mình.
Bất cứ lúc nào bạn cũng đừng nên ép buộc khi bé không sẵn sàng để vẽ. Thay vào đó, nếu con có hứng thú hơn ở một hoạt động khác thì nên tôn trọng và tạo điều kiện cho bé phát triển khả năng. Bé có thể sẽ thích tạo hình từ đất nặn hoặc từ mảnh ghép, thích cắt dán giấy, cũng có thể là bé thích tô màu để nhanh chóng tạo thành sản phẩm nhiều màu sắc hơn là kiên trì ngồi vẽ…
Bạn nên khuyến khích con và tạo điều kiện hưởng ứng nhiệt tình với hoạt động mà con thích, bởi mỗi hoạt động đều mang những ý nghĩa riêng mà vẫn đảm bảo tính giáo dục, chúng có thể bổ trợ cho nhau cùng kích thích sự phát triển toàn diện của trẻ chứ không riêng gì hoạt động vẽ.
Từ việc tôn trọng sở thích và bồi dưỡng cho trẻ ở những hoạt động con thích mà cha mẹ có thể dần kéo trẻ đến với hoạt động vẽ dễ dàng hơn theo mục đích của mình mà không hề gây áp lực. Chẳng hạn, từ việc bé thích cắt dán, tô màu bạn có thể khuyến khích con vẽ một số hình đơn giản rồi tô màu lên chính sản phẩm của mình hay dùng kéo cắt hình con đã vẽ và dán...
Chúc bạn thành công trong việc nuôi dạy con!
Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Chuyên gia tư vấn trường mầm non Hoàng Gia
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet