Tính đó là nếu không bằng lòng việc vừa xảy ra thì cháu quăng đồ đạc hoặc làm việc gì đó để ba mẹ phải tức giận.
Khi tôi nhắc đi đánh răng, cháu nói con không đánh răng đâu, con không thích. Tôi nhắc nhở nhiều, dù không bằng lòng nhưng rồi cháu cũng làm theo. Thấy cái ghế ướt cháu nói: ngồi luôn, cho ướt quần luôn; khi cháu làm em đau, mẹ nói con đừng làm vậy nữa, em đau đấy, cháu phản ứng bằng cách xị mặt lại và nói: không thèm chơi với em luôn, không chơi với mẹ luôn...
Buổi sáng, cháu hay kiếm cớ để khóc, cuối cùng cháu cũng dậy nhưng đi toilet không chịu xả nước, không chịu đánh răng. Tôi nói nhẹ, rồi mạnh, rồi mắng cháu cũng không nghe... Tôi để cháu trong toilet, đóng cửa lại, cháu khóc rất to, thương lắm nhưng tôi không mở cửa. Khóc một hồi cháu gào thật to con xin lỗi mẹ, rồi xả nước và tự đánh răng... tôi cảm thấy như vậy là có kết quả tốt. Tôi không biết những việc mình làm đã đúng hay chưa? (Bích Trâm)
Ảnh minh họa: Huffingtonpost.com. |
Trả lời:
Chào chị,
Khi một cháu bé lên 3 có những hành vi ương bướng, người ta thường nói đó là khủng hoảng tuổi lên ba nhằm giải thích cho những hành vi trái tính, trái nết của bé... Thực ra, tình trạng ương bướng đó không do khủng hoảng mà là do các phụ huynh đã vô tình tập cho bé có những hành vi như thế. Và đến tuổi này, khi bé biết phân biệt được cái tôi với những người xung quanh, nhất là với bố mẹ... thì những hành vi ương bướng đó được tiếp thêm sức mạnh để bộc lộ ra ngoài.
Như vậy, chúng ta hiểu rằng hành vi ương bướng là do cách chúng ta ứng xử với bé vì thông thường, các phụ huynh thường dùng nguyên tắc nuông chiều và áp đặt để giáo dục trẻ. Chúng ta thường nghĩ rằng, chỉ khi trẻ ương bướng thì mới phải áp đặt các biện pháp kỷ luật, từ trách mắng đến đánh đòn… còn khi nào trẻ tỏ ra ngoan ngoãn vâng lời thì cứ thích là chiều.
Nhưng chính vì những điều trẻ đòi hỏi được khi ngoan ngoãn, khiến trẻ không có khả năng biết hạn chế nhu cầu của mình. Từ đó, trẻ sẽ có những phản ứng khi bị buộc phải chấp nhận những hoạt động trong khuôn khổ qua việc bộc phát những hành vi chống đối.
Đối với các hành vi chống đối, chúng ta nên áp dụng biện pháp báo trước để đạt được sự thỏa thuận với bé trước khi áp dụng các biện pháp kỷ luật. Chúng ta cũng không nên dùng các biện pháp bạo lực như đánh mắng, hay nhốt bé trong nhà tắm… mà nên áp dụng biện pháp trừng phạt bằng quyền lợi. Khi trẻ vi phạm các quy định hay không chấp hành các yêu cầu (đánh răng, ăn uống đúng giờ, chơi đúng chỗ) thì chúng ta sẽ nhắc lại quy định.
Chẳng hạn, nếu con không đánh răng con sẽ bị phạt theo những gì đã nói trước như: Cắt phần sữa trong buổi ăn sáng, phạt không được xem TV chiều nay... Các quy định này chúng ta đã trao đổi trước và đạt được sự đồng thuận của trẻ. Sau đó thì cứ thế mà áp dụng. Không có chuyện năn nỉ hay giảm nhẹ.
Ngược lại, nếu trẻ tỏ ra bất chấp, thì hình phạt sẽ tăng lên (trong mức độ cho phép). Việc dùng các biện pháp mạnh có thể ảnh hưởng phần nào đến tâm lý của trẻ, nhưng cũng không vì thế mà chúng ta lại tỏ ra nhân nhượng hay tìm cách bù đắp cho trẻ để khiến trẻ nghĩ rằng, sự khóc lóc căng thẳng của mình sẽ là cách giúp chúng chiến thắng được bố mẹ.
Giáo dục con là một nghệ thuật, cần phải biết vận dụng ngay từ khi trẻ còn nhỏ một cách liên tục và nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Việc đưa bé vào khuôn khổ cũng không phải là một sớm một chiều, mà phải có những biện pháp từng bước một. Chúc chị sẽ đủ kiên nhẫn để thực hiện các biện pháp phù hợp trong việc nuôi dạy con.
Chuyên gia tư vấn Lê Khanh
Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Rồng Việt Vũng Tàu
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet