Nội dung

Hôm nay là sinh nhật Việt Phong của mẹ, vậy là con yêu đã tròn hai tuổi rồi. Tay mẹ run run viết từng dòng nhật ký trong niềm xúc động lớn. Con đang nằm đó, trong vòng tay cứng cáp của cha, khuôn mặt con bầu bĩnh, đôi môi xinh xắn thi thoảng lại chúm chím như đang bú sữa mẹ. Một chân con gác lên cổ cha, hai bàn tay nhỏ nhắn nắm hờ mép chăn mỏng. Nước mắt mẹ chẳng hiểu sao lại lã chã rơi. Mẹ nhớ lắm ngày con chào đời.

Hôm đó là một ngày đầu thu, không hẳn là nóng nực nhưng đủ oi bức để khiến trán mẹ không ngừng đổ mồ hôi. Mẹ đau bụng từ đầu giờ chiều. Những cơn đau râm ran cứ cách nhau chừng mười lăm phút. Mẹ không chủ quan nhưng mẹ thực sự không biết đó là dấu hiệu con sắp chào đời, mẹ chỉ nghĩ là có lẽ do hôm nay mẹ có ăn chút canh cá. Ông bà nội đang lên Quan Hóa thăm họ hàng, còn bố con thì lên trường đến tối mới về. Mẹ nằm co quắp trên giường, chống chịu với những cơn đau khiến mẹ thậm chí không thể đi lại được.

Nhật ký vượt cạn của mẹ
Cảm xúc trái ngược, hạnh phúc chen lẫn lo âu và niềm vui vỡ òa khi vượt cạn luôn là những kỷ niệm khó quên của những người làm mẹ. Ảnh minh họa.

Đến 5h chiều, những cơn đau không dứt, thậm chí cường độ còn mạnh hơn nhiều. Mẹ gọi điện cho bố con. Bố con bắt máy ngay lập tức, giọng hết sức lo lắng: "Em sao rồi? Ở nhà một mình có ổn không em?". Chỉ có thế thôi mà mẹ khóc tức tưởi như một cô bé bị ba mắng vậy. "Em đau bụng à? Hay có chuyện gì? Bình tĩnh nói anh nghe nào", bố con hỏi dồn. Mẹ vẫn khóc, thậm chí tới giờ mẹ cũng không hiểu sao mẹ lại khóc nhiều như thế nữa: "Em đau bụng lắm anh ạ, không biết có phải Việt Phong nhà mình sắp ra không nữa". Mẹ nghe thấy tiếng bố con thở mạnh ở đầu dây bên kia, giọng bố con run run nhưng quả quyết và hạnh phúc: "Anh sẽ về ngay, em yêu". Bố con không giỏi thể hiện tình cảm, vậy mà lúc đấy bố gọi mẹ là "em yêu" con ạ. Mẹ vẫn rất đau, nước mắt vẫn rơi, nhưng con không hình dung nổi mẹ đang hạnh phúc đến nhường nào đâu.

5 phút sau, có tiếng xe máy ngoài cổng, tiếng dép lệt quệt trên nền sân gạch, là bà ngoại con. Bà bước vào phòng mẹ, tay vẫn cầm chiếc mũ bảo hiểm. Mẹ nhìn thấy sự hốt hoảng như một đám mây đen che phủ ánh mắt trìu mến thường ngày của bà. Bà vội gọi taxi đưa mẹ tới bệnh viện, miệng không ngừng trách quở: "Sao không gọi mẹ hả? Mày lấy chồng rồi thì biết mỗi chồng thôi sao? May mà thằng Hiệu nó còn nhanh trí nó bảo mẹ vào với mày ngay đấy. Sắp làm mẹ rồi mà vẫn cứ ngốc vậy là sao hả?". Chưa bao giờ mẹ lại cảm thấy nhẹ nhàng và hạnh phúc đến vậy khi nghe bà ngoại con trách móc. Mắt mẹ nhắm lại, mặc cho những cơn đau đang dồn dập đến như từng đợt sóng vỗ bờ.

5h15, mẹ nằm trong phòng chờ sinh. Mẹ của con nhát gan lắm, mẹ sợ bệnh viện, sợ cái mùi cồn sát khuẩn nồng nặc ở đó, sợ cả những bóng áo trắng của bác sĩ và y tá. Và điều đáng sợ hơn cả là bố con chưa có ở đây. Dù có bà ngoại con, nhưng không hiểu sao mẹ vẫn thấy cô đơn lắm.

5h30, sau khi vỡ ối, mẹ đau đớn như muốn ngất đi, mẹ không biết mình được chuyển sang phòng phẫu thuật như thế nào, tất cả trong đầu mẹ cứ ong ong, như không thật, như đang trong một cơn ác mộng, của sự đau đớn, của sự hoảng loạn. Mắt mẹ cứ mở to, tìm kiếm, bố con vẫn chưa về, trước mắt mẹ vẫn chưa xuất hiện khuôn mặt hơi tròn, đôi mắt màu nâu đậm và rất sáng ấy.

5h40, mẹ loáng thoáng nghe bác sĩ nói với nhau đó là một ca đẻ khó. Mẹ run lắm, nhưng mẹ tỉnh táo lại rồi, mẹ sẽ làm tất cả để con mẹ được bình an. Bác sĩ bảo mẹ rặn mạnh, mẹ làm theo. Bác sĩ bảo mẹ phải giữ bình tĩnh, mẹ hẳn nhiên rất bình tĩnh. Bác sĩ bảo mẹ rặn nữa, mẹ lại rặn nữa. Mẹ làm hết sức, trong khả năng yếu ớt của mẹ lúc đó, để con được sinh ra tròn trịa, khỏe mạnh.

6h30, tất cả sự cố gắng của các bác sĩ và mẹ vẫn chưa thành công. Con vẫn nằm trong bụng mẹ và chờ đợi sức mạnh thần kỳ đẩy con ra. Mẹ gần như kiệt sức, nghe bác sĩ loáng thoáng bảo mắt mẹ đang dại đi và sức rặn cũng yếu hơn. Mẹ muốn hét lên, muốn nói với họ rằng, mẹ phải làm được, mẹ phải sinh ra con, ngay bây giờ. Mẹ nghe các bác sĩ thảo luận nhanh và quyết định mổ.

Bỗng một bàn tay cứng cáp, ấm nóng nắm chặt lấy bàn tay mẹ. Mắt mẹ mở to, hình như sóng mắt màu nâu đậm ấy chảy xuyên qua cơ thể mẹ, truyền cho mẹ và con một luồng sinh khí tuyệt diệu. Và mẹ đủ sức để rặn con, một lần nữa. Bàn tay ấy vẫn nắm chặt tay mẹ. Cuối cùng, bên tai mẹ, tiếng khóc oe oe khỏe khoắn của con vang lên. Con yêu của mẹ đã chào đời. Và bàn tay bố con vẫn thế, giữ chặt bàn tay lạnh cóng của mẹ.Cả gia đình ta đã làm nên điều kỳ diệu phải không con?

Cảm xúc trái ngược, hạnh phúc chen lẫn lo âu và niềm vui vỡ òa khi vượt cạn luôn là những kỷ niệm khó quên của những người làm mẹ. Các bà mẹ hãy viết những dòng nhật ký khi vượt cạn dành cho bé yêu. Đó sẽ là một món quà ý nghĩa dành cho bé yêu sau này khi lớn lên. Cùng chia sẻ Nhật ký vượt cạn tại http://www.ebe.vn/cong-dong/nkvc để nhận những giải thưởng hấp dẫn.

Phạm Thị Hạnh
Trường Tiểu học thị trấn Lang Chánh, Thanh Hóa

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Bé khóc mỗi khi đi nhà trẻ

Em rất lo lắng, thậm chí là còn sợ khi đến giờ đưa con đi nhà trẻ. Bé trai nhà em 28 tháng tuổi, nhà không có người trông, hai vợ chồng đều đi làm nên chúng em phải gửi bé đến lớp.

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm