Thực ra, bé nhà em đã phải xa mẹ, được đi gửi từ lúc 8 tháng, nhưng lúc đó em chỉ gửi tư, người ta trông lẻ tẻ vài cháu. Ban đầu bé cũng lạ bác trông trẻ, một thời gian sau thì ổn. Đến hơn 1 tuổi, bé được đưa vào nhà trẻ tư thục với số học sinh đông, bé cũng khóc nhưng rồi vẫn ổn. Giờ đây, bé đã 28 tháng, em cho bé học nhà trẻ khác vì thấy điều kiện vật chất và không gian ở đây tốt hơn. Bé đã đi học được hai tháng nay, nhưng ngày nào cũng khóc, nhắc đến đi học là khóc, một hai đòi không đi học. Cứ ngủ dậy là ngay lập tức bé nói “con không đi học đâu”. Khi mẹ bắt đi thì bé không chịu mang dép, không chịu ngồi lên xe, ngồi lên xe rồi lại trườn xuống và khóc inh ỏi, khiến nhiều hôm em trễ cả giờ làm. Khi em hỏi cô trên lớp bé có khóc không, cô nói bé khóc chút rồi thôi, chơi ngoan.
Về nhà bé ăn uống bình thường. Hôm nào được ở nhà, bé sung sướng vô cùng. Em chẳng biết làm sao nữa, gửi con về quê cho ông bà thì vợ chồng em nhớ lắm, mà đưa con đến lớp thì rất xót ruột. Mong chị tư vấn giùm em. Em cảm ơn nhiều! (Thủy)
Ảnh: blogspot.com. |
Bạn Thủy mến,
Đọc những chia sẻ của bạn về quá trình cháu đi gửi trẻ, xa bố mẹ từ khi 8 tháng tuổi đến nay là 28 tháng tuổi, tôi nhận thấy cháu thích nghi khá tốt với người lạ. Làm quen với người trông trẻ và các bạn nhanh, sớm ổn định với môi trường lớp học. Vì vậy, việc hiện nay cháu chuyển nhà trẻ khác và không thích đi học thì cần xem xét kỹ lưỡng về nguyên nhân.
Những biểu hiện của cháu như: ngày nào cũng khóc, nhắc đến đi học là khóc, một hai đòi không đi học, ngủ dậy là ngay lập tức bé nói “con không đi học đâu”, mẹ bắt đi thì bé không chịu mang dép, không chịu ngồi lên xe, ngồi lên xe rồi lại trườn xuống và khóc inh ỏi... phản ánh cháu rất sợ đi học.
Bạn có thể nhớ lại xem bạn có cho cháu có thời gian thích nghi với trường mới, cô giáo mới, bạn mới bằng cách cho đến chơi làm quen, gửi nửa ngày tập quen dần rồi mới gửi cả ngày không? Nếu bạn không cho cháu làm quen mà gửi ngay cho giáo viên mới cả ngày thì có thể cháu đã sốc khi bị chuyển đột ngột sang môi trường mới. Trẻ em cần được người lớn giúp đỡ để thích nghi với sự thay đổi. Nếu là nguyên nhân này, bạn nên giúp cháu làm quen lại từ đầu. Bạn có thể đến trường cùng chơi với cháu, động viên khuyến khích cháu yêu thích dần dần những điều mới lạ.
Bạn cũng nên đến trường quan sát kỹ cách cô giáo cho cháu ăn, chơi đùa hay dạy cháu xem mối quan hệ của cháu với cô có vấn đề gì không. Cũng có thể trong quan hệ của cháu với bạn bè có chuyện gì làm cháu sợ: có bạn nào bắt nạt cháu không? Cháu có bị ghét, bị tẩy chay không? Cũng có thể do cháu không thích khung cảnh, không gian ở trường mới. Dù mẹ thấy ở nhà trẻ mới tốt hơn nhưng cảm nhận của cháu lại không như vậy. Bạn có thể hỏi để cháu có dịp nói ra những điều không thích.
Bạn và chồng cũng cần xem xét lại trong gia đình có điều gì làm ảnh hưởng đến tâm trạng của cháu. Cha mẹ cãi nhau hay thay đổi điều gì đó trong nhà? Cha mẹ có bận rộn quá nên ít quan tâm đến cháu, khiến cháu muốn ở nhà để gần ba mẹ hơn?
Mọi việc liên quan đến cháu cần được tìm hiểu kỹ lưỡng bạn mới có thể phát hiện đâu là những nguyên nhân khiến bé sợ đi học mà điều chỉnh. Chúc bạn sớm giúp bé vui vẻ đi học lại.
Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy
Giảng viên học viện Hành chính quốc gia - Cơ sở TP HCM
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet