Có ông bố bà mẹ nào lại không muốn cô con gái của mình sau này trở thành một người tự lập, biết chăm sóc tốt cho bản thân, giỏi đối nhân xử thế, đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Làm được như thế, cách giáo dục ngay từ khi còn nhỏ của bố mẹ dành cho con gái là vô cùng quan trọng. Trong những độ tuổi khác nhau, bố mẹ phải khéo léo áp dụng phương pháp phù hợp.
Về vấn đề nuôi dạy con gái chuyên gia Steve Bidalf cho rằng, con gái có cảm xúc phức tạp hơn con trai nên nhu cầu của con gái ở các độ tuổi sẽ khác hoàn toàn so với con trai. Vì vậy trong 5 giai đoạn này, bố mẹ nên chú ý nhiều hơn để đồng hành cùng con gái, giáo dục con tốt nhất.
Trước 2 tuổi, coi trọng việc cho trẻ cảm giác an toàn
Sau khi một đứa trẻ được sinh ra, tình yêu thương của bố mẹ là rất quan trọng. Với những điều mới lạ xung quanh, trẻ sẽ không thể thích nghi trong thời gian ngắn mà phải cần bố mẹ bên cạnh, đồng hành để con cảm thấy an tâm và tự tin hơn.
Đối với những bé gái lúc này, bố mẹ là người mang lại cho trẻ sự dễ chịu, làm giảm đi cảm giác bất an đang xâm chiếm bên trong trẻ. Vì vậy, giai đoạn trước 2 tuổi, bố mẹ phải cho con cảm giác an toàn.
Một trường hợp thực tế được đưa ra, người mẹ cho biết do công việc bận rộn, kinh tế eo hẹp nên con gái được gửi về quê để bà ngoại chăm sóc, khi cháu mới gần 1 tuổi. Mỗi năm một lần, bà mẹ cũng chỉ được về thăm con vào dịp lễ, Tết.
Năm nay về quê, chị nhìn thấy đứa con gái 6 tuổi phải ôm khư khư tay bà ngoại khi ngủ, nếu không thấy bà ngoại ngay lúc tỉnh dậy thì đứa trẻ sẽ lập tức khóc thét lên. Hơn nữa, con gái còn có tính cách rất rụt rè, không dám ra ngoài chơi với các bạn. Khi nói chuyện với người khác thì đứa trẻ thường chỉ nói với âm thanh rất nhỏ, và không dám ngẩng đầu lên.
Người mẹ nhìn con như vậy thì cảm thấy rất khó chịu, và tự trách mình vì đã tách con ra quá sớm. Sự vắng mặt của bố mẹ đã khiến trẻ thiếu cảm giác an toàn một cách trầm trọng.
Vì vậy, trước 2 tuổi là giai đoạn quan trọng để con gái hình thành cảm giác an toàn, nếu có thể, bố mẹ hãy cố gắng ở bên con nhiều nhất có thể. Bởi vì bố mẹ là người quan trọng nhất đối với con cái và có sự tác động lớn đến con từ những năm tháng đầu đời.
Những năm tháng đầu đời, sự đồng hành của bố mẹ là rất quan trọng cho quá trình phát triển về sau của trẻ.
Từ 2 đến 4 tuổi, người bố phải tích cực tham gia giáo dục con gái
Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra một quy luật: cùng một điều nhưng nếu người cha nói ra, ảnh hưởng đối với đứa trẻ gấp 50 lần so với người mẹ, nhất là đối với trẻ từ 2-4 tuổi.
Vì trẻ ở giai đoạn này bắt đầu tích cực khám phá thế giới xung quanh, nên trẻ luôn tò mò về mọi thứ và muốn được nhìn, được chạm và được tháo rời.
Với tinh thần mạnh mẽ, ưa thích mạo hiểm của người bố có thể khiến trẻ can đảm và dũng cảm hơn. Vì vậy thời điểm này, các ông bố nên tích cực tham gia vào việc nuôi dạy con gái để nhân cách trẻ phát triển toàn diện hơn trong tương lai.
Người bố có sự gắn kết gần gũi với con gái, vì vậy trong giai đoạn này bố nên tích cực tham gia giáo dục con gái.
4-6 tuổi cần làm tốt giáo dục giới tính
4-6 tuổi là giai đoạn nhận thức về giới tính của trẻ được đánh thức, vì vậy giai đoạn này phải giáo dục giới tính cho trẻ. Ví dụ, để phân biệt ai là con trai, ai là con gái, hãy cho trẻ xem một số phim hoạt hình về giáo dục giới tính.
Sau đó, bố mẹ nên dạy con gái một số cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân, chẳng hạn như không thay quần áo trước mặt người khác, đóng cửa khi đi vệ sinh, những nơi mà người khác không thể chạm vào,...
Lúc này, bố mẹ cũng nên chú ý dạy trẻ nhận thức về giới tính. Nhưng tuyệt đối đừng áp đặt giới tính cho trẻ, không thể nói rằng con gái chỉ được chơi những đồ chơi mà con gái nên chơi, và làm những việc con gái nên làm. Bố mẹ giáo dục giới tính cho trẻ, là để bảo vệ trẻ.
Đến độ tuổi 4 - 6, trẻ nên bắt đầu được giáo dục về giới tính để chăm sóc và bảo vệ bản thân tốt nhất.
6-10 tuổi, nuôi dưỡng ít nhất một sở thích
Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng sau khi con cái bước vào tiểu học, những đứa trẻ chỉ nên tập trung vào việc học. Vì vậy, tất cả các vấn đề khác đều được xem là thứ yếu, kể cả sở thích cá nhân đều nên dừng lại, song song đó là các trường luyện thi lần lượt xuất hiện.
Nhưng thực ra trẻ ở độ tuổi này, vẫn cần nuôi dưỡng ít nhất một sở thích để làm phong phú thêm cuộc sống của mình. Hơn nữa, rất nhiều sở thích, đam mê trước 6 tuổi hầu hết đều mang tính chất thăm dò, trẻ có thể không thực sự thích mà chỉ đơn thuần là hứng thú và muốn thử.
Nhưng ở độ tuổi 6-10, trẻ đã có thể cơ bản chắc chắn rằng mình thích cái gì và không thích cái gì. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, việc tốt nhất bố mẹ nên làm lúc này là hãy thúc đẩy trẻ và để trẻ kiên trì với sở thích của bản thân, vì trong tương lai sẽ rất có lợi cho trẻ.
Khi trẻ định hình được sở thích cá nhân và quyết tâm theo đuổi, tương lai sẽ dễ gặt hái được thành công.
Sau 10 tuổi, trẻ phải được dạy khả năng lựa chọn
Như câu nói: "Lựa chọn lớn hơn nỗ lực”, trau dồi khả năng lựa chọn của trẻ cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong cách nuôi dạy con cái, nhất là đối với những cô con gái yếu đuối, dễ xúc động thì bố mẹ cần phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục lựa chọn cho con.
Thông qua các hoạt động hằng ngày, ví dụ như ăn gì vào hôm nay, mặc gì khi đi chơi, chuẩn bị gì khi đi du lịch, ngày nghỉ cuối tuần sẽ diễn ra như thế nào, sắp xếp kế hoạch học tập ra sao,… bố mẹ có thể cùng con thảo luận nhiều hơn, thậm chí để con cái của mình học cách tự quyết định.
Bằng cách trau dồi một cách có ý thức về tính quyết đoán và tự tin trong những điều nhỏ nhặt, đứa trẻ sẽ học được cách đưa ra lựa chọn. Từ đó, trẻ còn có thể tự lên kế hoạch cho cuộc sống của chính mình.
Khả năng lựa chọn và lập kế hoạch này, sẽ khiến các cô gái độc lập hơn trong quá trình trưởng thành trong tương lai. Nếu một cô gái biết chính xác mình muốn gì và không muốn gì trong cuộc sống tương lai, cô ấy sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.
Khi trẻ nhận thức được mình muốn gì, trẻ sẽ biết cách lựa chọn những điều phù hợp cho bản thân.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet