Nghiên cứu của Mỹ cho biết đến 40% trẻ em dưới 2 tuổi đã sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Các trò chơi đa dạng chủng loại và màu sắc nhanh chóng thu hút trẻ khiến chúng ngoan ngoãn ngồi im, chỉ chăm chú nhìn vào màn hình, và chỉ di chuyển ngón tay theo hành động của trò chơi.
Nghiện công nghệ làm trẻ béo phì, tự kỷ và kém thông minh
Các nhà nghiên cứu tại khoa y Ðại học Boston (Mỹ) cho biết việc sử dụng quá nhiều các thiết bị di động khi còn nhỏ tuổi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và hành vi của trẻ.
Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng để trẻ dưới 3 tuổi sử dụng màn hình có tính tương tác, ngoài việc cản trở khả năng học cách tự kiểm soát ở trẻ, cũng có thể làm giảm sự phát triển những kỹ năng cần thiết cho việc học toán và khoa học.
Bà Jenny Radesky, giảng viên khoa phát triển hành vi nhi đồng tại ÐH Boston, kêu gọi các bậc cha mẹ giúp con cái tăng cường “tương tác trực tiếp giữa người với người”, nhất là trong gia đình.
Bà Radesky còn cảnh báo rằng việc sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng có thể cản trở khả năng để phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề và các yếu tố tương tác xã hội như khi chơi đùa với bạn bè.
Cha mẹ nên cho bé tiếp xúc với con người thật, môi trường thật
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà, bậc phụ huynh không nên cho bé tiếp xúc với thiết bị công nghệ, tivi trước 3 tuổi. Để trẻ có thể phát triển một cách hài hòa về thể chất lẫn trí tuệ, cha mẹ cần phải là nhân tố quan trọng nhất để giúp bé hòa nhập với môi trường xung quanh, cho bé tiếp xúc với con người thật, việc thật chứ không đơn thuần là những đồ chơi ảo trên điện thoại, tivi.
Sau 3 tuổi, cha mẹ có thể cho con xem tivi, chơi game trên điện thoại, thiết bị di động song cho con chơi phải có sự kiểm soát của cha mẹ về chương trình, trò chơi nào là hợp lý, trong khoảng thời gian là bao nhiêu…
Để bé vui chơi, tham gia nhiều hoạt động thể chất để vừa nâng cao đề kháng cho sức khỏe của trẻ, vừa mở mang thế giới cho trẻ sáng tạo, tưởng tượng.
Trên một diễn đàn về mẹ và bé, bé Bống 2,5 tuổi, nhà chị Thủy (Mỹ Đình, Hà Nội) cứ thấy bố mẹ sơ hở là cầm lấy Iphone, Ipad chơi miệt mài. Thời gian đầu chị cũng không quá sát sao bởi nhiều ứng dụng trên Ipad khá hay cho con nhưng khi con thấy con suốt ngày chìm đắm trong game, chị quyết định cất luôn đồ vật này. Chị cho rằng: "Tôi không phủ nhận Ipad có sức hấp dẫn với cả người lớn chứ đừng Nói là trẻ con vì nhiều game có tính giáo dục cao song điều này không có nghĩa là mình phó mặc chuyện chơi với con, dạy dỗ con vào thiết bị công nghệ".
Hải Vân (TH)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet