Sử dụng phần mềm gián điệp, lợi dụng lỗ hổng mạng hay phát tán malware tống tiền như Wanna Cry là những phương pháp kỹ thuật của tin tặc nhằm đánh cắp thông tin bảo mật như password tài khoản email, ngân hàng, Facebook, iCloud…
Không phải ai cũng đủ thông minh để tìm ra lỗ hỏng an ninh mạng.Thế nhưng, mỗi khi thế hệ virus mới ra đời thì các chuyên gia an ninh cũng sẽ đưa ra một phần mềm để ngăn ngừa, vì vậy những phương pháp thế này ngày càng khó thực hiện.
Thay vào đó, phương pháp tấn công “phi kỹ thuật” (Social Enginering) sử dụng các kỹ năng xã hội để thu thập thông tin tuy đơn giản nhưng hiệu quả rất đáng kinh ngạc.
Phương pháp tấn công vào điểm yếu con người
Chìa khóa thành công của phương pháp này là lợi dụng sự sơ hở trong các mối quan hệ giữa con người với nhau để tìm kiếm thông tin.
Những cuộc điện thoại đáng ngờ
Các hacker có thể gọi điện giả vờ mình là nhân viên của hệ thống đang cung cấp dịch vụ cho bạn và nêu ra một sự cố kỹ thuật nào đó để thuyết phục cung cấp các thông tin bảo mật.
Những người phụ nữ nội trợ là đối tượng yêu thích của tin tặc.Thông thường, những nạn nhân được lựa chọn là những người yếu tâm lý hoặc thiếu kiến thức. Chỉ cần một lý do hợp lý, gấp rút và cách giao tiếp “văn minh - lịch sự” là có thể dễ dàng khai thác thông tin từ họ.
Người dùng bị mạo danh
Không chỉ tấn công người dùng, phương pháp “phi kỹ thuật” này còn tấn công cả nhà cung cấp dịch vụ (như ngân hàng, nhà mạng, chi nhánh điện thoại di động…).
Các tin tặc sẽ theo dõi và nghiên cứu đối tượng để nắm bắt được các thông tin mà chúng có thể dùng để mạo danh họ. Các thông tin này thường bị lộ trên các kênh online hay trong các cuộc giao tiếp xã hội.
Sau đó chúng liên hệ đến các trung tâm cung cấp dịch vụ để yêu cầu thay đổi, cấp lại tài khoản, mật khẩu hoặc thay đổi số điện thoại bảo mật
Một người dùng đăng trên Twitter phát hiện bị mạo danh và đánh cắp tài khoản email. Hacker đã liên hệ trực tiếp với nhà mạng Verizon để yêu cầu thay SIM, sau đó sẽ nhận được mật khẩu bảo mật hai bước thay vì chủ nhân.Khi đối tượng là doanh nghiệp
Các doanh nghiệp có thể bị tấn công khi các hacker mạo danh nhân viên bảo hành, sửa chữa máy tính để xâm nhập hệ thống và thực hiện thao tác trái phép đánh cắp thông tin.
Mạo hiểm hơn, các hacker này còn có thể mạo danh “chuyên gia an ninh” để kiểm tra toàn bộ hệ thống. Thử nghiệm thực tế cho biết có tới 7/10 công ty đã cho phép các chuyên gia “dỏm” này tiếp cận.
Ngoài ra, đối với các tổ chức lớn, các tin tặc còn có thể mạo danh nhân vật cấp cao để liên lạc với bộ phận IT yêu cầu cung cấp thông tin. Các hành vi mạo danh này tinh vi đến mức có phần mềm hỗ trợ thay đổi giọng nói và cả số điện thoại.
Những điều nên làm
Nhìn chung, các tin tặc cần làm chủ kỹ năng thuyết phục, có kiến thức tâm lý và một chút may mắn nữa thì mới có thể thành công với “Social Engineering”. Hiện tại các tổ chức cung cấp dịch vụ cũng có sự nhận thức và phòng ngừa.
Tuy nhiên cốt lõi của phương pháp “phi kỹ thuật” này vẫn là khai thác sơ hở và điểm yếu của con người, vì vậy chưa biết tương lai các tin tặc có thể sáng tạo thêm điều gì.
Chúng ta vẫn phải cảnh giác với các cuộc gọi điện mà mục đích sau cùng là yêu cầu bạn cung cấp lại thông tin tài khoản và mật khẩu. Sử dụng mật khẩu có nhiều lớp bảo vệ và đừng bao giờ tiết lộ những thông tin mà người khác có thể dùng để mạo danh bạn.
Cảnh báo: Thiết bị đánh cắp mật khẩu ATM được phát hiện tại TP. HCM
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet